Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm: Nguy cơ mất khách hàng…

[Người Nuôi Tôm] – Do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội trong một thời gian dài, ngành hàng tỷ đô” đang rơi vào tình trạng báo động bởi đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đang phải đối mặt với nguy cơ mất khách hàng nếu không sớm khôi phục sản xuất…

Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đang đứng trước nguy cơ “tuột” mất các đơn hàng lớn – Ảnh minh họa: ST

Khó khăn trong sản xuất

Ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 kéo dài đã khiến chuỗi sản xuất tôm gặp khó khăn từ đầu vào vật tư, con giống cho đến nhà máy chế biến. Hầu hết các doanh nghiệp đều chưa sẵn sàng với việc áp dụng thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Dù được hỗ trợ nhưng cũng chỉ có khoảng 30 – 50% doanh nghiệp, nhà máy đáp ứng được yêu cầu để sản xuất, số còn lại phải ngưng hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, công suất các nhà máy chỉ đáp ứng khoảng 50%. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, bình quân 1 nhà máy thủy sản có 1.200 công nhân phải chi thêm 5 tỷ đồng/tháng để thực hiện những việc này.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú chia sẻ, việc thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng tôm gần như bị đổ vỡ. Cụ thể, ông Lê Văn Quang cho biết, Nhà máy thủy sản Minh Phú Cà Mau hiện có 6.757 công nhân nhưng chỉ đi làm được 1.649 công nhân; nhà máy thủy sản của Minh Phú ở Hậu Giang có 5.800 công nhân nhưng hiện chỉ đi làm được 1.300 công nhân. “Như vậy, số lượng công nhân đi làm chỉ chiếm 23,8%, đồng nghĩa với việc công suất của các nhà máy giảm”. Điều này đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó khi mà khách hàng muốn ký hợp đồng rất nhiều nhưng doanh nghiệp không dám ký, chỉ dám ký khoảng 50-70% công suất nhà máy. Doanh nghiệp không lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến được.

Bên cạnh đó, việc khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu sản xuất cũng khiến các doanh nghiệp phải ‘đau đầu’. Chia sẻ tại một cuộc họp đánh giá tình hình khó khăn của ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung cho biết, các doanh nghiệp ngành thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu bởi đứt gãy logistics. Hơn nữa, người nuôi cũng không dám thả nuôi tiếp bởi sợ ùn ứ sản phẩm do giãn cách xã hội, giá sản phẩm thủy sản đang giảm mạnh đến 50%. Nghịch lý căng thẳng là trong khi nông dân không bán được sản phẩm, thì doanh nghiệp lại “đói” nguyên liệu sản xuất.

 

Nguy cơ cao “mất trắng” các đơn hàng

Tính tới cuối tháng 8/2021, có tới 40 – 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ thái độ quan ngại cho rằng, trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế. Theo nhiều doanh nghiệp, sau khi có tới 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và 15% đơn hàng bị hủy trong tháng 8, nhiều bạn hàng mất kiên nhẫn tìm nguồn cung thay thế, nên khả năng lấy được các đơn hàng dịp cuối năm rất hạn chế.

‘Vua tôm’ Minh Phú cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu sản xuất, Công ty đã chủ động tăng giá tôm để nông dân tăng nuôi, thả tôm. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng dịch bệnh bùng phát doanh nghiệp không mua, giá giảm. Ông cũng chia sẻ thêm, hiện tại đơn hàng của Minh Phú đang nợ rất nhiều, doanh nghiệp lo ngại sẽ không có nguyên liệu đủ để sản xuất trả đơn hàng cho các đối tác nước ngoài trong tháng 10-11 tới. “Hiện, nhiều khách hàng trên khắp thế giới đang yêu cầu Minh Phú cung cấp đơn hàng đã ký để họ kịp bán trong dịp Noel. Trong trường hợp không giao được hàng, họ sẽ bỏ sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Nếu để mất khách hàng, mất thị trường thì phải tới 3-5 năm nữa mới có thể khôi phục lại, thậm chí là mất luôn mà không khôi phục lại được”, ông Lê Văn Quang nhấn mạnh.

 

Khôi phục lại là cả một chặng đường…

Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không bảo đảm tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine chưa thể đến cơ sở sản xuất, hoặc đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19…

Theo tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), thời gian trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 – 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng – 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 – 2 năm. Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như doanh thu và dòng tiền bị gián đoạn, giá cả đầu vào leo thang, sự đứt gãy nguồn cung nguyên – nhiên – vật liệu và lực lượng lao động… Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế. Còn những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.

Khả năng phục hồi của các doanh nghiệp thủy sản – Theo số liệu từ Vasep

Vùng 1: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long

Vùng 2: An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp

Vùng 3: Tiền Giang, Long An, TP. HCM, Bình Dương

 

VASEP quan ngại, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay, số doanh nghiệp còn lại cần thời gian dài để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi, nhiều doanh nghiệp khó quy tụ lại lực lượng lao động do công nhân đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19; lượng công nhân đi làm cũng chỉ đảm bảo khoảng 40% đã được tiêm vaccine… Điều này đồng nghĩa với công suất chế biến bị giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp vừa không có hàng trả đơn, vừa không thu mua được nguyên liệu cho ngư dân và nông dân.

Còn theo đánh giá tình hình thị trường của Cục Xuất nhập khẩu, cơ hội cho Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm 2021 là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể tận dụng, nắm bắt được cơ hội này hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn hiện tại.

Phạm Huệ

Cơ hội và thách thức đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới

Cơ hội: Hiện nay dịch Covid – 19 trên thế giới vẫn đang có diễn biến phức tạp với những biến chủng mới.  Tuy  nhiên  những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Australia… đang tăng tốc đẩy cao hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine để kiểm soát tốt dịch Covid –19. Đây là những thị trường tiềm năng và có khả năng dần thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản  nhập  khẩu  cho  phù  hợp  với  tình hình trạng mở cửa bình thường trở lại.

Thách thức: Dịch Covid – 19 đang có diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, nơi có hơn 2/3 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của cả nước, sẽ ảnh hưởng nhất định tới khả năng chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 và tháng 9/2021.  Nếu Việt Nam sớm kiểm soát được dịch Covid – 19, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

Tin mới nhất

T4,15/05/2024