Kiên Giang: Thiệt hại gần 3.000 ha tôm nuôi nước lợ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao đã làm gần 3.000 ha tôm nước lợ bị thiệt hại do sốc môi trường, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Gò Quao.

Nước trong vuông của ông Mạc Hoàng Đâu, xã Nam Thái, huyện An Biên, đỏ đục và độ mặn trên 25 phần nghìn, vượt mức thích hợp nuôi tôm, cua. Ảnh minh họa: Văn Sĩ/TTXVN

Tại huyện An Minh, nơi có diện tích thiệt hại nhiều nhất tỉnh, hơn 1.380 ha, trong đó, bệnh do sốc môi trường 1.194 ha và bị nhiễm bệnh đốm trắng, bệnh EMS 187 ha. Ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, diện tích tôm bị thiệt hại do bệnh đốm trắng, huyện đã hỗ trợ 17.620 kg chlorine cho 103 hộ tiêu độc, khử trùng xử lý ao đầm nuôi. Người nuôi tôm có ý thức tốt trong khai báo dịch bệnh để kịp thời khống chế, dập tắt dịch bệnh nên làm giảm tình trạng lây lan dịch bệnh trên tôm nuôi. Riêng ảnh hưởng do môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, độ mặn tăng cao làm cho môi trường nuôi tôm bất lợi. Trong số diện tích bị thiệt hại gần 1.200 ha, nông dân có thu hoạch từ 50 – 70 kg/ha, phần nào giảm tổn thất, thua lỗ trong nuôi tôm. Nông dân đang tập trung thu hoạch diện tích nuôi tôm không bị nhiễm bệnh hoặc sốc môi trường để hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra đang giai đoạn cao điểm của mùa khô diễn biến phức tạp khó lường.

Sản xuất vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024, đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang thả nuôi 129.676/136.000 ha, đạt 95,35% kế hoạch, gồm: nuôi tôm công nghiệp 1.660 ha, quảng canh – quảng canh cải tiến 22.774 ha và tôm – lúa 105.242 ha. Sản lượng tôm thu hoạch hơn 22.735 tấn, đạt 17,49% kế hoạch và tăng 4,24% so với cùng kỳ năm 2023.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện có diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bênh trên đàn tôm để kịp thời ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh. Đồng thời, tùy vào tình hình thực tế điều kiện sản xuất tại địa phương, hướng dẫn nông dân khắc phục, thả giống nuôi tôm trở lại trên toàn bộ diện tích bị thiệt hại. Cạnh đó, khuyến cáo nông dân trước diễn biến bất lợi của thời tiết, tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật nuôi tôm và lịch thời vụ thả giống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xuất hiện gây hại.

Tỉnh tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình như: Tôm – lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua kết hợp đạt chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ… ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành… đặc biệt, tăng thêm diện tích, sản lượng tôm càng xanh, cua trong mô hình kết hợp. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 – 3 giai đoạn, đồng thời tiếp tục ổn định phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chưa có điểu kiện chuyển đổi mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Ngành chức năng tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến mặn để kịp thời thông báo đến các địa phương và nông dân biết để chủ động ứng phó, tổ chức sản xuất an toàn, hiệu quả.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Báo Tin tức

Tin mới nhất

CN,19/05/2024