Yêu cầu quản lý thuỷ sản sống xuất khẩu vào Trung Quốc

Đối với thủy sản sống, hiện Trung Quốc đang yêu cầu quản lý theo chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng/khai thác, đến thu hoạch/thu gom, vận chuyển, bao gói và xuất khẩu tiêu thụ.

Theo thống kê của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (NAFIQPM), tính đến hết tháng 3/2024 Việt Nam đã xuất khẩu được 1.517 lô hàng thủy sản sống sang Trung Quốc, và tới nay chưa có lô hàng nào bị cảnh báo về tồn dư hóa chất và kháng sinh.

Cũng trong tháng 3/2024, theo số liệu Tổng cục Hải quan, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt 93,5 triệu USD, tăng 15,09% so với tháng trước đó. Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này là 271,7 triệu USD, tăng 13,98% cùng kỳ 2023.

Đối với thủy sản tươi sống, hiện Trung Quốc đang yêu cầu quản lý theo chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng/khai thác, đến thu hoạch/thu gom, vận chuyển, bao gói và xuất khẩu tiêu thụ. Đặc biệt hiện nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang đề nghị góp ý cho dự thảo nghị định thư đối với thủy sản sống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, Trung Quốc đang yêu cầu các đối tượng tham gia vào quá trinh này phải có mã số, phải có vùng nuôi, phải được kiểm soát và có khả năng truy xuất nguồn gốc… Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ sở bao gói phải thực hiện đăng ký và phải nằm trong danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc mới được tham gia vào công đoạn xuất khẩu thủy sản sống vào thị trường của họ.

 

Các yêu cầu cụ thể của Trung Quốc đối với thủy sản sống xuất khẩu

Sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận gồm 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống; các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản (NTTS)/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP)/điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số/lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi (tôm sú, tôm thẻ sống).

NAFIQPM thẩm định điều kiện ATTP cơ sở bao gói xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống, gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đăng ký của cơ sở tới Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật (GACC). GACCC cập nhật danh sách cơ sở đáp ứng yêu cầu trên website của GACC .

Riêng với tôm hùm bông, từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Và tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Do đó, Trung Quốc cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán tôm hùm bông tự nhiên. Cách xác định tôm hùm bông nuôi của Trung Quốc là không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi; con giống phải là F2, nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên.

Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu tôm hùm bông phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp – Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc điều hành hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Các cơ sở bao gói tôm tùm bông của Việt Nam phải nằm trong danh sách đăng ký xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc sẽ thực hiện yêu cầu về thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang thị trường này theo đúng quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT và 32/2022/TT-BNNPTNT.

 

Các doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết

Theo NAFIQPM, hoạt động thẩm định cấp giấy chứng nhận xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc hiện đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, các lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu dưới hình thức xuất khẩu biên mậu, do đó các doanh nghiệp nhỏ lẻ lưu trữ bằng chứng xuất khẩu không đầy đủ.

Việc thẩm tra xuất xứ nguyên liệu tại vùng nuôi cần thống nhất về tần suất, tỷ lệ lô hàng được thẩm tra/số lô hàng xuất khẩu. Hệ thống thông tin, dữ liệu về các cơ sở nuôi/vùng nuôi chưa được lập, cập nhật trong cả nước.

Vì vậy, NAFIQPM đề nghị các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết (người nuôi/khai thác, đại ý, doanh nghiệp, quy trình thực hiện, phân rõ trách nhiệm các bên); đồng thời cập nhật chương trình quản lý chất lượng theo thực tế đăng ký với NAFIQPM. Trên cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp đăng ký, NAFIQPM có văn bản gửi các cơ quan quản lý thủy sản địa phương xây dựng và cập nhật, kiểm soát theo phân cấp các đội tượng quản lý, khuyến khích mô hình lập tổ đội, hợp tác xã liên kết; Việc lập và chia sẻ dữ liệu chung cần phải thực hiện đồng bộ và thống nhất tại các đơn vị (danh sách vùng nuôi, cơ sở nuôi/mã số vùng nuôi, diện tích sản lượng, cam kết sản xuất kinh doanh an toàn…) để doanh nghiệp có thể đáp ứng quy định hiện hành của phía Trung Quốc.

Hải Đăng

Nguồn: Cục Thủy sản

Tin mới nhất

T6,04/10/2024