Một số điểm mới trong quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Ngày 05/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản. Mức xử phạt được quy định từ 1-2 tỷ đồng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024.

Theo đó, với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có một số thay đổi, bổ sung so với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, như sau:

Đối với vi phạm quy định về giống thủy sản: Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ không duy trì một trong các điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; Sản xuất, ương dưỡng và kinh doanh giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc chưa được công nhận hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản của cơ sở vi phạm.

Vi phạm quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, bổ sung các hành vi vi phạm như: hành vi cập nhật không đúng hoặc không đủ thông tin về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; hành vi lưu giữ, vận chuyển, giới thiệu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản lưu thông thị trường mà không cập nhật thông tin theo quy định; hành vi không duy trì điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định. Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản của cơ sở vi phạm.

Vi phạm quy định về nuôi trồng thủy sản bổ sung: Địa điểm nuôi trồng thủy sản không đúng với vị trí đã đăng ký; nuôi mỗi loài thủy sản không có trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc vây bắt, tiêu diệt thủy sản sống bị thoát ra môi trường tự nhiên.

Vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản: chia nhỏ khối lượng thủy sản có được thông qua hành vi vi phạm bị thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động thủy sản, bổ sung một số chức danh được quyền xử phạt trong lĩnh vực thủy sản như: Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Thủy đoàn trưởng…

Hoàng Long

 

Tin mới nhất

T3,30/04/2024