90% tôm giống phải xả bỏ: Doanh nghiệp tôm giống đang “đuối sức”

[Người Nuôi Tôm] – Đó là chia sẻ của một doanh nghiệp tôm giống tại Diễn đàn “Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch Covid-19” do Tổng Cục Thủy sản, phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức ngày 1/9 vừa qua.

 

Sản lượng sản xuất giảm 50%

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 8 năm 2021, tổng số tôm bố mẹ tại nước ta đạt khoảng 55.000 con, trong đó có khoảng 50.000 con tôm thẻ chân trắng và 5.000 con tôm sú. Cả nước có khoảng 2.063 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống. Sản lượng ước đạt 106,6 tỷ con, trong đó tôm sú là 30,8 tỷ con, tôm thẻ chân trắng là 75,8 tỷ con.

Từ đầu tháng 7, dịch bệnh Covid-19 bùng phát theo chiều hướng phức tạp hơn, nhu cầu tôm giống tại các tỉnh trọng điểm ĐBSCL giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã chủ động giảm sản lượng từ 30 – 40%. Đến 15/8, các cơ sở sản xuất giảm sản lượng lên tới 50%, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải dừng hoạt động. Do khó khăn trong đầu ra, nhiều cơ sở đã phải cắt giảm chi phí đầu tư chăm sóc tôm bố mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng cung cấp thức ăn tươi sống khan hiếm, dẫn đến lo ngại về năng suất cũng như chất lượng tôm giống.

 

Khó khăn chồng chất

Nguồn tôm bố mẹ ở nước ta chủ yếu là nhập khẩu, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc nhập tôm bố mẹ gặp nhiều khó khăn, thời gian vận chuyển kéo dài, cước vận chuyển tăng khoảng 75%, từ 20 – 30 USD/con lên 40-60 USD/con. Cùng với đó, nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước cũng đang chịu nhiều áp lực, sản lượng tiêu thụ chậm. Sản lượng bán ra của công ty tôm giống Moana chỉ đạt 40% kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2021, doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển tôm giống vào các tỉnh ĐBSCL cũng đang gặp vô vàn khó khăn, do đây là khu vực đang áp dụng chỉ thị giãn cách xã hội. Theo khảo sát, nhu cầu tôm giống tại các tỉnh ĐBSCL trung bình khoảng từ 6 – 8 tỷ PL/ tháng, cao điểm có thể lên tới 10 – 12 tỷ PL/tháng. Trong đó, 60 – 70% được cung cấp bởi các doanh nghiệp tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Thời điểm hiện tại, để vận chuyển tôm giống từ hai tỉnh trên đến được khu vực ĐBSCL phải trải qua rất nhiều chốt trạm, khiến doanh nghiệp cũng như người nuôi gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngoài việc lưu thông tôm giống bị hạn chế, nhân viên kinh doanh tại các công ty tôm giống cũng không được phép đi lại để giúp người nuôi thả giống cũng như tư vấn kỹ thuật, xử lý những tình huống ao nuôi gặp sự cố. Người nuôi treo ao, lượng tôm giống ùn ứ, dư thừa khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải xả bỏ. Có khoảng 500 – 700 triệu post bị ùn ứ tại Ninh Thuận. Số lượng cơ sở sản xuất tôm giống tại tỉnh giảm khoảng 50%. Sản lượng tôm giống xuất bán tại thời điểm hiện tại là gần 30 tỷ con, so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 14%.

Còn theo chia sẻ của ông Phạm Trung Phương, Giám đốc Công ty sản xuất tôm giống Gold Key, hiện tại có nhiều lý do khiến người nuôi e ngại việc xuống giống. Thị trường tôm ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến giá tôm giảm sâu, khó bán. Việc vận chuyển tôm giống tới với người nuôi cũng là cả một vấn đề với doanh nghiệp bởi việc áp dụng chỉ thị giãn cách xã hội tại các chốt chưa có sự thống nhất, gây khó dễ cho những xe vận chuyển tôm giống, đây là một bất cập lớn gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tôm của người nuôi cũng như doanh nghiệp tôm giống.

Cũng theo ông, hiện tại, bà con nuôi tôm gặp nhiều khó khăn trong tất cả các khâu. Việc tiếp cận nguồn thức ăn, thuốc và vật tư phục vụ nuôi tôm cũng là cả một vấn đề. “Đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống tại Bạc Liêu thiệt hại rất lớn khi tỉnh này áp dụng chỉ thị 16. 90% lượng tôm giống sản xuất ra phải xả bỏ, mặc dù người nuôi vẫn có nhu cầu thả giống. Nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở khâu vận chuyển con giống từ trại sản xuất đến được với người có nhu cầu”, ông Phương chia sẻ.

Ngoài ra, các trại giống còn gặp khó khăn trong việc mua thức ăn thủy sản, vì lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt cũng làm giảm năng lực của các nhà cung ứng.

 

Sẵn sàng chia sẻ cùng người nuôi, cam kết không tăng giá

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, tại Cà Mau việc thả giống tiếp tục vụ nuôi mới giảm mạnh, chỉ đạt 30-40% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí có những khu vực, người nuôi ngừng hẳn việc xuống giống do lo ngại thị trường không ổn định. Để chia sẻ một phần áp lực với người nuôi tôm, mặc dù gặp nhiều khó khăn xong nhiều doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các chương trình khuyến mại, hỗ trợ tôm giống (từ 50 -100%) thay vì giảm giá bán.

Đại diện Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh, Giám đốc Lê Anh Xuân chia sẻ, Trúc Anh hiện đã dành 10 tỷ để hỗ trợ bà con nuôi tôm, cụ thể, doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn quy trình nuôi tôm cho bà con. Cung cấp 100% thuốc cũng như con giống cho người nuôi trong vòng 40 ngày nuôi đầu tiên, có thể kéo dài đến 2 tháng trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại. Đến khi tôm đạt kích thước xuất bán, Trúc Anh sẽ đứng ra thu mua 50% sản lượng sản xuất. “Đối với một số hộ đang áp dụng quy trình khác, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng 100% thuốc của Trúc Anh, công ty sẽ áp dụng hỗ trợ bằng cách tặng giống cho bà con theo chính sách mua một tặn một, hoặc mua một tặng hai, tùy theo vị trí địa lý vùng vận chuyển”, đại diện Trúc Anh chia sẻ.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng áp dụng chương trình hỗ trợ 50% tôm giống cho khách hàng, với mong muốn chia sẻ cùng người nuôi trong tình hình khó khăn hiện tại.

Có thể nói, khi chuỗi sản xuất ngành tôm bị gãy đổ, đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất vẫn là người nuôi tôm. Đối mặt với giá vật tư, thức ăn, thuốc thủy sản tăng cao, trong khi đầu ra chật vật, giá bán xuống thấp đã khiến người nuôi tôm thua lỗ. Đồng cảm với khách hàng, nhiều doanh nghiệp tôm giống hiện gặp khó khăn nhưng vẫn chọn đồng hành, chia sẻ cùng với người nuôi cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Gia Bảo

Tin mới nhất

T6,17/05/2024