Ngành tôm châu Á: Sản xuất bị “sa lầy”

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Theo đánh giá nhận định ngành tôm từ Hội nghị Tiếp thị Thủy sản Toàn cầu (GSMC), đã có thêm nhiều đợt bùng phát dịch bệnh WSSV, AHPND và WFS/EHP liên quan tới điều kiện khí hậu bất lợi được báo cáo tại các quốc gia sản xuất tôm châu Á.

Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh tại các quốc gia sản xuất tôm châu Á (Ảnh: iStock)

Ấn Độ

Ấn Độ hiện là quốc gia dẫn đầu châu Á về nuôi tôm. Trong đánh giá vụ tôm hàng năm, Hiệp hội Chuyên gia Nuôi trồng Thủy sản (SAP) ước tính tổng sản lượng giảm nhẹ 3% xuống còn 902.525 tấn vào năm 2022.

Willem van der Pijl, chuyên gia phân tích ngành tôm từ Shrimp Insights cho biết, ngành công nghiệp ở Ấn Độ đang phải đối mặt với vấn đề giá tại trang trại thấp bất thường và chi phí đầu vào cao. Khoảng 40% tôm Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và tiếp đó là thị trường Trung Quốc. Kích cỡ thu hoạch ưa thích đối với tôm thẻ chân trắng phụ thuộc vào nhà chế biến và nhu cầu thị trường. Đối với thị trường Trung Quốc, kích cỡ ưa chuộng là 80 – 90 con/kg. Cuối tháng 2/2023, giá tôm cỡ 100 con/kg tại cổng trại là 3,08 USD/con/kg, chi phí sản xuất dao động từ 2,42 – 2,54 USD/kg tại các trang trại ở Andhra Pradesh, bang nuôi tôm hàng đầu Ấn Độ.

Tuy nhiên, người nuôi tôm không mặn mà với việc sản xuất tôm cỡ 100 con/kg, do họ nuôi tôm trong các ao ven biển/lạch có độ mặn cao, thời gian nuôi kéo dài hơn, ở mức 60-70 ngày khiến chi phí sản xuất đội lên cao, khoảng 2,60 USD/kg. Kích cỡ thu hoạch có lợi nhuận đối với họ là 40 con/kg, trong đó chi phí sản xuất khoảng 3,21 USD/kg và giá bán ra tại trang trại khoảng 4,60 USD/kg.

Tình hình dịch bệnh đang xảy ra nghiêm trọng ở Ấn Độ. Cho đến đầu năm 2023, mức độ lây nhiễm và tác động rất khác nhau và tỷ lệ nhiễm Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) trên toàn quốc là gần 80%. Virus Hội chứng đốm trắng (WSSV) phổ biến hơn trong những tháng mùa đông.

Liên quan đến di truyền, ngành cũng cho biết dòng cân bằng của SyAqua đã rất thành công và đang thu hút được sự chú ý ở Ấn Độ với mức tăng trưởng chấp nhận được và tỷ lệ sống tốt hơn ở các trang trại. Hậu ấu trùng phát triển tốt hơn ở độ mặn thấp và tăng khả năng sống sót, phục hồi nhanh với bệnh Phân trắng.

Trung Quốc

Khảo sát GOAL ước tính sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc đạt 800.000 tấn vào năm 2022, trong đó có 120.000 tấn tôm sú. Trung Quốc hiện được coi là nước tiêu thụ tôm hơn là nhà cung cấp toàn cầu.

Theo Fatima Ferdouse, Tư vấn Thủy sản Quốc tế tại Malaysia, Trung Quốc đã nhập khẩu gần một triệu tấn tôm vào năm 2022. Trong đó, 60% hàng nhập khẩu của họ đến từ Ecuador, tiếp theo là Việt Nam và Ấn Độ. Một nguồn tin trong ngành cho biết, sản lượng tôm thẻ chân trắng và tôm sú sản xuất tại địa phương đang tăng lên. Tuy nhiên có độ co giãn giá cao, giá giảm khi nông dân thu hoạch nhiều tôm hơn.

Indonesia

Theo Haris Muhtadi, Chủ tịch Câu lạc bộ Tôm Indonesia, ước tính tổng sản lượng tôm nuôi năm 2022 là 445.000 tấn, không thay đổi so với sản lượng năm 2021. Con số này bao gồm khoảng 50.000 tấn tôm sú từ các hệ thống nuôi quảng canh. Năm 2023, Haris dự kiến sản lượng sẽ thấp hơn năm 2022, chỉ ở mức 415.000 tấn do dịch bệnh gia tăng, chủ yếu là WSSV, AHPND và bệnh Hoại tử cơ truyền nhiễm (IMNV) ở Bắc Sumatra, Lampung, Java và Sulawesi.

Haris cho biết, sản lượng tôm thực tế tại Indonesia vẫn thấp hơn kỳ vọng do dịch bệnh, giá tại trang trại thấp hơn và nông dân thích thu hoạch tôm cỡ nhỏ với giá chào bán tốt hơn từ các nhà máy chế biến trong nửa cuối năm 2022. Loại thu hoạch ưa thích là cỡ 30 con/kg, chi phí sản xuất từ 3,25 – 3,90 USD/kg. Nhưng điều này khó đạt được vì hầu hết các trang trại đều nằm trên Đảo Java và các nhà chế biến chỉ cần khối lượng nhỏ loại này, thay vào đó, họ tập trung tìm kiếm tôm kích cỡ 50-100 con/kg.

Quốc gia này đã khai trương khu nuôi tôm tập trung đầu tiên ở Kebumen Regency, Đảo Trung Java với 149 ao lót bạt trên diện tích 100 ha. Mục tiêu sản lượng đạt 40 tấn/ha. Điều này là một phần trong kế hoạch quốc gia của Chính phủ Indonesia nhằm tăng sản lượng lên 2 triệu tấn vào năm 2024.

Thái Lan

Ngành tôm Thái Lan tiếp tục ghi nhận mức giảm đáng kể từ năm 2019, đạt sản lượng 256.832 tấn, bao gồm 241.526 tấn tôm chân trắng và 15.306 tấn tôm sú. Dữ liệu chính thức này được lấy từ hệ thống Tài liệu mua sản phẩm thủy sản (APD) liên kết nông dân với nhà chế biến. Hệ thống này nhằm tạo niềm tin vào việc truy xuất nguồn gốc của tôm Thái Lan.

Theo Tư vấn Phát triển Nuôi trồng Thủy sản Vinij Tansakul, phần lớn nông dân Thái Lan muốn quay trở lại thời kỳ sản lượng cao hơn hoặc ít nhất là nâng cao năng suất. Do biến động của thị trường và vốn đầu tư hạn chế, số lượng nhà máy chế biến có kho lạnh giảm xuống còn 20 cơ sở, với tổng công suất khoảng 160.000-200.000 tấn/năm. Nếu nông dân tìm cách tăng năng suất, họ cũng phải xem xét khả năng thu mua của các nhà chế biến và cơ sở lưu trữ, đặc biệt là trong thời kỳ sản xuất cao điểm nửa cuối năm. Nếu không, sản lượng cao hơn sẽ khiến giá tôm giảm vì dư thừa nguồn cung.

Cỡ thu hoạch tôm ưa thích của nông dân Thái Lan là từ 60- 70 con/kg. Tỷ lệ sống dao động từ 65-75%. Các nhà chế biến ưa chuộng cỡ 25-30 con/kg, nhưng thực tế khó tìm mua kích cỡ này vì thời gian nuôi kéo dài từ 110-120 ngày. Tansakul cho biết, “Phần lớn các trang trại nuôi tôm Thái Lan chỉ mong muốn nuôi tối đa 80-90 ngày. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) thường là 1,3-1,4 và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng ngày (ADG) ở dòng tôm tăng trưởng nhanh là 0,21-0,23g và đối với dòng tôm cân bằng, ADG là 0,18-0,21g. Bên cạnh đó, WSSV đã xuất hiện từ Quý IV/2022 và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành tôm Thái Lan”.

Trong cuộc họp mặt gần đây ở Suratthani dành cho ngành Tôm Thái Lan, ông Robins McIntosh, Chủ tịch Charoen Pokphand Foods Public Ltd (CPF), đã trình bày về việc sử dụng di truyền như một công cụ chứ không phải như một giải pháp. Ông đưa ra ví dụ về những nông dân thành công (có lãi) đạt năng suất thu hoạch 30 tấn/ha sau 85 ngày nuôi, với tỷ lệ sống 92%. Ông McIntosh nhấn mạnh vào tỷ lệ cho ăn phù hợp với di truyền và giảm mật độ thả giống xuống 100 PL/m2 để đạt được ADG là 0,33g.

Philippines

Cơ quan Thống kê Philippines công bố sản lượng tôm sú là 33.731 tấn vào năm 2022, trong đó có thể bao gồm cả tôm thẻ chân trắng. Các đợt bùng phát dịch bệnh lẻ tẻ như AHPND, WSSV, EHP và đồng nhiễm gây chết đột ngột làm thiệt hại không nhỏ. Nông dân nuôi tôm phải đối mặt với những thách thức trong sản xuất như thời tiết thay đổi khó lường, độ mặn xuống thấp gây mất cân bằng khoáng chất, chi phí thức ăn nuôi tôm tăng cao trong khi giá tôm giảm theo mùa.

Cuối năm 2022, toàn bộ vùng Calatagan bị ảnh hưởng bởi AHPND, EMS, hội chứng RMS kết hợp với EHP. William Kramer, CCM Agri Aqua Ventures cho biết, tình hình dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh vào tháng 4 và tháng 5/2022. Dịch bệnh làm giảm nguồn cung tôm của Phillipines, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến giá bán tại trang trại cũng có xu hướng tăng. Giá cơ bản từ 4,38-5,11 USD/kg đối với các trang trại ở Luzon và khoảng 2,55 USD/kg đối với các trang trại ở Visayas. Tháng 3/2023, giá bán tôm tại cổng trang trại ở Cebu vẫn ở mức cao là 4,75 USD/kg, trong khi giá cơ bản thường chỉ là 3,47 USD/kg.

Malaysia

Về kích cỡ, các nhà chế biến ưa chuộng tôm cỡ 31-40 con/kg. Tôm chín được chế biến từ tôm tươi bán với giá cao hơn tôm nấu chín được chế biến từ tôm ướp lạnh, mặc dù không có sự khác biệt về giá tại trang trại, ở mức 7,37-7,81 USD/kg cho cỡ 30 con/kg (tháng 3/2023). Tại Malaysia, người tiêu dùng quan tâm tới màu sắc tôm sau chế biến, họ tập trung vào màu 29 trên bảng màu.

Về thị trường, hầu như toàn bộ sản lượng sản xuất tại Malaysia đều dành cho thị trường trong nước. Đối với tôm sống, Singapore là thị trường xuất khẩu quan trọng của Malaysia. Tôm trong nước có giá thu mua tại trang trại là 6,03 USD/kg, cỡ 70 con/kg. Mặt hàng này thường cạnh tranh với tôm Thái Lan chất lượng cao nhập khẩu và khi điều này xảy ra, giá tôm trong nước thường giảm.

Wan Nadhri Wan Fauzi, Giám đốc điều hành của Blue Archipelago Bhd, nhà tích hợp tôm hàng đầu Malaysia cho biết, “Người mua của chúng tôi thích tôm cỡ 40-60 con/kg nhưng đối với chúng tôi, kích cỡ tối ưu là 14- 18g (cỡ 50-70 con/kg). Thách thức lớn của ngành tôm Malaysia là vấn đề dịch bệnh, đặc biệt là WSSV. Về mặt di truyền, chúng tôi hài lòng với dòng tôm kháng bệnh/ không có mầm bệnh cụ thể (SPT/SPF) và mong muốn thấy thêm 1-2 dòng kháng bệnh đã được chứng minh có tốc độ tăng trưởng tốt như ADG trên 0,2g”.

Hiểu Linh (Theo Aquaculture Asia Pacific)

Tin mới nhất

T7,27/07/2024