Cần tăng cường đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi tôm

So với các địa phương khác, Bạc Liêu giàu tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS). Với 3 tiểu vùng sinh thái đặc thù, đã mở ra nhiều cơ hội cho Bạc Liêu phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghiệp, tôm – rừng và tôm trên đất lúa.

 

Con tôm là “trụ đỡ”

Thực hiện chuyển đổi sản xuất từ năm 2001 đến nay, con tôm đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và Bạc Liêu đã hình thành 2 vùng sản xuất trọng điểm.

Đối với vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A, có 2 tiểu vùng sinh thái lợ và ngọt. Trong đó, tiểu vùng chuyển đổi sản xuất (sinh thái lợ) có diện tích tự nhiên 75.600ha, với mô hình tôm – lúa là chủ lực. Riêng vùng sản xuất phía Nam QL 1A (sinh thái mặn) có diện tích tự nhiên hơn 102.000ha và được xem là “vương quốc” của con tôm công nghiệp và tôm – rừng.

Để phục vụ cho NTTS thuộc tiểu vùng sinh thái mặn và lợ, nguồn nước chủ yếu được lấy là triều biển Đông và triều biển Tây. Đối với tiểu vùng sinh thái mặn, việc cấp thoát nước thông qua lợi dụng thủy triều bằng hệ thống kênh mương hở, lấy nước vào ao đầm bằng tự chảy và bơm tát. Tuy nhiên ở vùng này, ngoài công trình đê biển Đông, kênh và cống qua đê thì chưa có công trình điều tiết hoặc kiểm soát nguồn nước mặn.

Ở vùng sinh thái lợ, hướng lấy nguồn nước mặn từ 3 phía: phía triều biển Đông qua các cống ngăn mặn Bắc QL 1A; phía từ Cà Mau qua các cống Tắc Vân, cống Cà Mau trên kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp và kênh Chắc Băng; phía triều biển Tây theo sông Cái Lớn từ hướng Kiên Giang chảy về.

Từ năm 2001, khi thực hiện chuyển đổi sản xuất, quy hoạch thủy lợi phục vụ NTTS đã được đặt ra. Thực tế đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đó là công trình phân ranh mặn – ngọt ở vùng Bắc QL 1A đã hình thành và thay thế cho hệ thống đập thời vụ để phân 2 vùng sinh thái riêng biệt: vùng sinh thái ngọt ổn định 80.600ha và vùng chuyển đối (sinh thái lợ) 75.600ha. Hay công trình phòng chống thiên tai bảo vệ vùng NTTS, đã xây dựng tuyến đê biển với đa nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ cho vùng NTTS phía Nam QL 1A.

Trước đây, tuyến đê biển được quy hoạch với 11 cống ngăn mặn. Sau đó, để phục vụ cho NTTS, quy hoạch 11 cống này đã được thay thế bằng xây dựng 24 cống kết hợp cầu qua đê. Nhờ sự điều chỉnh này, việc cấp thoát nước cho NTTS được bảo đảm và tuyến đê đã không bị chia cắt phân vùng. Đặc biệt là phù hợp với phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), góp phần xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước và đưa ngành Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 25 tổ chức, doanh nghiệp và hơn 830 hộ nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (TP. Bạc Liêu) xếp vào tốp đầu về mô hình nuôi tôm bền vững. Ảnh: Hoàng Huynh

Cảnh báo ô nhiễm và suy thoái môi trường

Cùng với những tiềm năng, lợi thế vốn có, hệ thống công trình thủy lợi phục vụ NTTS hiện cũng đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.

Đối với vùng phía Nam QL 1A, do giáp biển Đông nên độ mặn của nguồn nước vào mùa khô hàng năm thường tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của bà con nuôi tôm. Cụ thể, độ mặn cao dẫn đến tôm nuôi chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài làm tốn chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Parahemolycus phát triển và lây lan dịch bệnh. Cũng như, thiếu nước ngọt nuôi tôm trong mùa khô dẫn đến tình trạng người dân tự khoan giếng ngầm để pha loãng nước mặn phục vụ nuôi tôm và làm cho tình trạng mực nước ngầm xuống thấp dẫn đến sụt lún đất nền tự nhiên bình quân 1 – 2cm/năm. Từ đó, mỗi khi triều cường lên cao, diện tích ngập úng ngày một lớn hơn và lâu ngày sẽ dẫn đến sa mạc hóa cho toàn bộ khu vực nuôi tôm phía Nam QL 1A của tỉnh.

Ngoài các khó khăn về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, vùng này còn thường xuyên chịu tác động bất lợi từ biển như: ngập do triều cường dâng cao, xói lở bờ biển… đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất, đời sống và sinh kế của người dân trong vùng.

Bên cạnh đó, trừ hệ thống các kênh cấp cuối cùng (kênh nội đồng) có cống điều tiết nước của từng hộ dân thì toàn bộ hệ thống còn lại kênh mương đều thông với nhau và thông với nguồn cấp là biển Đông. Từ đặc điểm của hệ thống này là “vừa cấp vừa thoát” kết hợp, không hoàn chỉnh và không đồng bộ nên việc kiểm soát nguồn nước luôn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, do gần biển nên tốc độ bồi lắng nhanh và hầu hết các kênh cấp 2, cấp 3 và cấp 3 vượt cấp sau 2 – 3 năm đều bị bồi lắng dẫn đến phải phân bổ nhiều nguồn kinh phí, mất nhiều thời gian để đầu tư nạo vét. Đáng quan tâm nhất là tình trạng môi trường nước không đảm bảo do các chất thải rắn, lỏng, các hóa chất dùng trong sản xuất và sinh hoạt đều thải trực tiếp vào môi trường nước làm nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nặng nề…

Tất cả những khó khăn trên rất cần một giải pháp về hạ tầng và tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa cho thủy lợi phục vụ NTTS ở Bạc Liêu.

Tú Anh

Báo Bạc Liêu

Tin mới nhất

CN,12/05/2024