Ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong nuôi tôm

Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm thâm canh hiện nay đã phá vỡ cân bằng sinh thái và tác động xấu đến môi trường, chất lượng sản phẩm kém và tồn lưu các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng đang tạo nên rào cản trong việc xuất khẩu tôm Việt Nam ra thị trường thế giới. Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nuôi tôm thương phẩm hiện nay được coi là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm vi sinh với nhiều thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng cả một số hộ nuôi tôm thành công cho thấy chế phẩm vi sinh được dùng phổ biến nhất, giá thành thấp, hiệu quả sử dụng cao và dễ áp dụng cho các hộ nuôi tôm là chế phẩm EM (Efective Microorganism = Vi sinh vật hữu hiệu).

* Vai trò của chế phẩm EM trong nuôi tôm:

– Tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu của tôm nuôi với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi;

– Tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn của tôm nuôi;

– Tăng kích thích sinh sản của tôm nuôi;

– Tăng sản lượng và chất lượng tôm nuôi;

– Ức chế các vi sinh vật có hại;

– Hạn chế ô nhiễm môi trường.

Sau đây xin giới thiệu với bà con về cách sử dụng chế phẩm sinh học EM và cách hoạt hóa vi sinh EM gốc thành EM thứ cấp trong nuôi tôm.

1. Giai đoạn chuẩn bị ao nuôi

– Lấy nước vào ao, sau đó chạy quạt nước liên tục trong 2 – 3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng.

– Dùng EM gốc để xử lý và gây màu nước. Với công thức sau (còn gọi là quá trình sinh khối, ủ, hay hoạt hóa vi sinh EM gốc thành EM thứ cấp): 1 lit EM gốc + 1,2 kg mật rỉ đường + 2 kg cám gạo + 46 lit nước sạch = 50 lit EM thứ cấp

– Đánh 100 lit EM thứ cấp đánh cho 1ha (10.000 m2). Hai ngày đánh 1 lần, chạy quạt liên tục. Đến khi đạt được màu nước đẹp thì bắt đầu thả post (thường khoảng 20 ngày).

­- EM thứ cấp sau khi ủ có màu nâu đặc trưng. Tạt EM thứ cấp xuống ao nuôi tôm đều đặn để cải thiện môi trường nước ao nuôi tôm.

GIAI ĐOẠN LIỀU LƯỢNG CHU KỲ SỐ LẦN ĐÁNH TỔNG LƯỢNG DÙNG
10 – 30 ngày cấp nước, gây màu 100 lit EM thứ cấp 2 ngày 1 lần 10 1.000 lít
TỔNG CỘNG 1.000 lít

2. Giai đoạn thả nuôi

Công thức ủ EM gốc để xử lý ao trong giai đoạn thả nuôi: 1 lít EM gốc + 1,2 kg mật rỉ đường + 18 lít nước sạch = 20 lít EM thứ cấp

Liều lượng và cách sử dụng chế phẩm sinh học EM ở bảng dưới áp dụng cho diện tích 1 ha (10.000 m2).

GIAI ĐOẠN LIỀU LƯỢNG CHU KỲ SỐ LẦN ĐÁNH TỔNG LƯỢNG DÙNG
0 – 30 ngày nuôi 50 lit EM thứ cấp 4 ngày 1 lần 8 400 lít
30 – 45 ngày nuôi 80 lit EM thứ cấp 3 ngày 1 lần 5 400 lít
45 – 60 ngày nuôi 100 lit EM thứ cấp 2 ngày 1 lần 8 800 lít
60 – 100 ngày nuôi 100 lit EM thứ cấp 1 ngày 1 lần 40 4.000 lít
TỔNG CỘNG 5.600  t

Ngoài ra, bà con có thể tham khảo thêm cách tạo ra chế phẩm EM tỏi dùng trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng chống chịu được dịch bệnh tốt hơn cho đàn tôm nuôi như sau:

  • Cách sản xuất Chế phẩm EM tỏi

Từ 1 lít chế phẩm EM gốc + 1lít rượu 350 +1 lít dấm + 1lít rỉ đường = Chế phẩm EM rượu (sau 1 ngày đêm.)

Tiếp theo, lấy 1lít chế phẩm EM rượu +1kg tỏi xay nát + 8 lít nước = Chế phẩm EM tỏi. Để sau 1 ngày đêm (24h) chắt lọc lấy nước sử dụng.

  • Cách sử dụng Chế phẩm EM tỏi trong nuôi tôm:

Lấy 1 lít nước chắt Chế phẩm EM tỏi trộn với 10kg thức ăn của nuôi tôm để sau 4 – 5 giờ thì cho tôm ăn.

Để phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho tôm từ ngày đầu tiên cho ăn thức ăn thương phẩm trộn với Chế phẩm EM tỏi và cứ một tuần cho ăn 2 lần Chế phẩm EM tỏi cho đến trước khi thu hoạch.

* Cách bảo quản:

EM thứ cấp cần được bảo quản ở nơi tối, mát, có nhiệt độ ổn định, đồng nhất. Không được bảo quản trong tủ lạnh hoặc dưới ánh nắng mặt trời./.

Hoàng Than

Nguồn: Khuyennonghatinh.com

Tin mới nhất

T7,04/05/2024