Tôm rũ càng, người nuôi… rũ ruột

Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Tôm càng xanh ở vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) rũ càng chết do vuông nuôi thiếu nước, độ mặn tăng cao. Ảnh: Thành Nhơn

Lỗ nặng

Giữa tháng 4, trời nắng gay gắt, ông Nguyễn Chí Hiển (ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) lội ra thăm vuông tôm sau nhà. Cả tháng nay ông “đứng ngồi không yên” do vuông tôm thiếu nước, tôm chết nhiều dạt vào mé bờ.

Lội xuống vuông vớt tôm chết, ông Hiển than thở: “Do thời tiết nắng nóng, vuông tôi lại khá cao nên dễ thiếu nước. Tôi canh có nước bơm vào nhưng tình hình vẫn không cải thiện”. Tương tự, nhiều nông dân nuôi tôm trong vùng sau khi thu hoạch lúa xong thì tiến hành cải tạo và thả tôm. Tuy nhiên, do thả trễ, gặp lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường ao nuôi biến đổi đột ngột, dẫn đến tôm bị bệnh, chết hàng loạt.

Tại Kiên Giang, hàng trăm người nuôi tôm càng xanh tại vùng đệm U Minh Thượng cũng đang “rũ ruột” bởi nắng hạn kéo dài, nhiều kênh rạch trong vùng bị khô cạn, trơ đáy không còn nước dẫn vào ao nuôi.

Anh Lê Văn Thức (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) kể, hơn 10 ngày qua, gia đình anh liên tục “mót” nước ngọt dẫn vào vuông nuôi tôm càng xanh nhưng… không ăn thua. Mực nước trong vuông nuôi xuống quá thấp, độ mặn trong nước tăng cao khiến tôm rũ càng từ từ rồi chết. “Với 2ha diện tích tôm nuôi hiện tại, dự kiến chỉ thu về được khoảng 500kg. Với giá bán 85.000-90.000 đồng/kg hiện nay, tôi cầm chắc lỗ”, anh Thức nói với giọng buồn rượi.

Theo thống kê của UBND huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), vùng đệm U Minh Thượng có gần 750ha/274 hộ nuôi tôm càng xanh. Trong đó, tập trung nhiều ở xã An Minh Bắc (109ha/50 hộ) và xã Minh Thuận (640ha/224 hộ). Hầu hết diện tích nuôi tôm gặp tình trạng thiếu nước do kênh mương cạn kiệt, tôm chậm lớn, chết nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân.

Hỗ trợ liên kết đầu ra nhanh

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, thông tin, để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm trong tình trạng hạn mặn gay gắt hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trước mắt, liên kết với doanh nghiệp, giới thiệu giúp người nuôi bán nhanh số tôm chưa bị bệnh. Đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, cấp phát Chlorine để bà con xử lý vuông nuôi, giảm tác nhân gây bệnh. Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang đề nghị các đơn vị quản lý cống điều tiết nước vận hành hợp lý để đảm bảo nước sản xuất. Về lâu dài, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang sẽ tranh thủ các nguồn lực hoàn thành hệ thống cống ngăn mặn trên tuyến đê biển Tây.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, hiện trên địa bàn có trên 8.520ha tôm (cùng kỳ có 5.760ha) nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh, mức độ thiệt hại khoảng 35-75%. Nguyên nhân do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, làm độ mặn trong vuông cao, chiều cao cột nước trên vuông thấp dẫn đến một số chỉ số môi trường dễ biến động.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời hướng dẫn, xử lý nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền các tác nhân gây bệnh và giải pháp khắc phục đồng bộ trước mắt để người dân nắm, chủ động triển khai thực hiện, hạn chế lây lan dịch bệnh, đồng thời có giải pháp hỗ trợ những chủ vuông tôm, cua bị thiệt hại nặng.

Tấn Thái – Thành Nhơn

Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin mới nhất

T7,05/10/2024