Báo động môi trường nuôi trồng thủy sản nước lợ bị suy thoái

Nuôi trồng thủy sản nước lợ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân vùng Nam Trung bộ, thế nhưng nguồn thu nhập này đang bị ‘tước’ mất do suy thoái môi trường.

Cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản chưa phù hợp

Hiện nay, hàng năm Bình Định có khoảng gần 2.500ha ao, hồ nuôi tôm; trong đó có 1.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bán thâm canh và thâm canh. Giai đoạn nửa sau của thập niên 80 (thế kỷ 20) nuôi tôm nước lợ rất “ngon ăn”, bởi khi ấy nguồn nước nuôi chưa bị ô nhiễm.


Dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến cho nhiều ao nuôi tôm ở Quảng Nam mất trắng, phải bỏ không 1 thời gian. Ảnh: L.K.

Những năm gần đây, tình trạng suy thoái môi trường nguồn nước nuôi đã khiến tỷ lệ tôm mắc bệnh ngày càng cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi. Có những năm người nuôi tôm ở vùng nuôi trọng điểm của huyện Tuy Phước (Bình Định) là xã Phước Hòa bị liên tục thua lỗ, tôm “ăn” cả đất đai, “ăn” cả nhà cửa, nhiều hộ lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do tại nhiều vùng nuôi, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ để phù hợp thả nuôi tôm chân trắng mật độ cao, nên gặp khó trong quản lý môi trường ao nuôi, dẫn đến bệnh có nguy cơ bùng phát.

Đáng quan ngại nhất là do một bộ phận người nuôi chưa chủ động trong việc bảo vệ môi trường, thiếu nhận thức về tính cộng đồng trong nuôi tôm, xả chất thải đã mang mầm bệnh trong ao nuôi của mình ra môi trường chung. Mặc dù chất lượng nước trong môi trường 1 số vùng nuôi tôm có nguy cơ ô nhiễm cao, nhưng vẫn còn nhiều diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh không có ao lắng, ao xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm.

Nhiều hộ nuôi chỉ thấy lợi ích trước mà không thấy được lợi ích lâu dài về môi trường, thiếu nhận thức về tính cộng đồng trong nuôi tôm, thả nuôi trái lịch thời vụ, tăng vụ, tăng mật độ làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.


Môi trường nguồn nước nuôi quyết định thành bại của nghề nuôi tôm. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Lê Thanh Tâm, người đang nuôi 3 ao tôm, mỗi ao rộng 5.000m2 ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định), những năm gần đây, nghề nôi tôm ở địa phương này chẳng cho người nuôi đồng tiền nào bỏ vào “hầu bao”, bởi, ai may mắn lắm là huề vốn, ai kém may thì bị thua lỗ.

“Vùng nuôi tôm Đông Điền có 25ha, vụ 1 năm 2022 toàn bộ diện tích nói trên bị tôm chết sớm ráo trọi. Tôm giống mới thả chỉ 1 tháng sau là tôm lờ đờ, đỏ thân rồi chết. Người nuôi tiếp tục thả giống vụ 2 nhưng tình hình chẳng khá hơn, tôm cũng đang lần lượt chết khiến ai cũng rầu lòng. Vụ 1 người lỗ ít nhất cũng 50 triệu đồng, vụ này lỗ nữa thì kể như năm nay trắng tay”, ông Tâm than thở.

Suy thoái môi trường hại tôm
Ở Quảng Nam, khoảng 5 năm trở về trước, nghề nuôi tôm nước lợ đã mang lại thu nhập rất lớn cho các hộ dân. Hầu hết tôm thả nuôi đều sinh trưởng, phát triển tốt, giá cả ổn định, có thể nói là “nuôi đâu trúng đó”. Nhiều gia đình thu lãi hàng tỷ đồng qua 3 đến 4 vụ tôm mỗi năm. Hiệu quả trông thấy, nên nhiều hộ gia đình đã không ngừng mở rộng diện tích, ao nuôi. Từ đó, nghề nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam phát triển rất nhanh. Tính đến cuối năm 2021, diện tích nuôi tôm của tỉnh này đã đạt gần 3.100ha, sản lượng trung bình hàng năm trên 18.000 tấn.

Việc ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cộng thêm nhiều yếu tố tác động khác đã khiến cho nghề nuôi tôm nước lợ của ở tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều hệ lụy. Những năm qua, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường chết hàng loạt, lây lan thành dịch khiến nghề nuôi tôm thất bát, thua lỗ.


Nghề nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam hiện nay chủ yếu là nuôi trong ao đất ở vùng triều. Ảnh: L.K.

Ông Nguyễn Văn Lên ở xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết, gia đình ông có 15 sào (500m2/sào) nuôi tôm thẻ chân trắng. 2 năm trở về trước, nhìn chung việc nuôi tôm của gia đình ông tương đối thuận lợi, có nguồn thu. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, hầu như vụ nuôi nào gia đình ông cũng thua lỗ, may mắn lắm cũng chỉ lấy lại được vốn.

“Trước đây, tôi cũng đầu tư nuôi tôm rất bài bản, tuy nhiên không hiểu sao mấy vụ vừa qua, tôm nuôi liên tục xuất hiện dịch bệnh, tôm chết như rạ mà điều trị bằng cách nào cũng không khỏi. Tính trung bình, mỗi sào nuôi như vậy cũng bỏ ra chi phí hết 30-40 triệu đồng. Trong khi tôm chết thường ở giai đoạn mới thả giống được hơn 1 tháng, kích thước nhỏ, không bán được. Vậy nên không thể thu hồi được đồng vốn nào”, ông Lên nói.

Tại Khánh Hòa, “bức tranh” nuôi tôm nước lợ cũng “ảm đạm” không kém. Ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), hiện hầu hết các ao nuôi đều thả theo kiểu quảng canh tôm-cua.

Ông Phạm Văn Chương, một người nuôi ở thôn Tân Phú, xã Ninh Ích cho biết, môi trường trong nuôi trồng thủy sản ngày càng suy thoái, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, bởi rác rưởi, súc vật chết, tôm chết…thứ gì cũng vứt xuống mương. Trong khi đó nhiều năm nay, người dân địa phương đặt nò dày đặt trên kênh mương để bắt cá, tôm khiến lưu thông nguồn nước rất kém. Dù người dân đã có ý kiến với chính quyền địa phương nhưng chưa giải quyết.

Ông Chương cho rằng, nguồn nước là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại trong nuôi tôm. Nhưng giờ quá ô nhiễm, nuôi tôm vì thế không còn hiệu quả, cứ thả gần 1 tháng là chết như ngả rạ. “3 năm gần đây, gia đình dù nuôi tôm quảng canh nhưng toàn thất bát, chẳng có đồng thu dính túi. Vì cứ thả nuôi chưa đầy một tháng là tôm đã chết hàng loạt”, ông Chương buồn bã nói.

“Tất cả các hệ thống nước thải chỉ ra tới cửa biển rồi quay lại ao đìa. Nên từ 2004 trở về sau, các hộ nuôi khó dần, ít lãi. Từ năm 2010-2012 trở lại đây, dường như đa số bà con nuôi không còn hiệu quả. Đặc biệt 5 năm trở lại đây, người nuôi không còn nuôi theo hình thức quy mô nữa, mà nuôi theo quảng canh, thả theo tự nhiên, hiệu quả thấp”, ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích chia sẻ.

Nhóm PV Nam Trung bộ

Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T3,07/05/2024