Xuất khẩu tôm, điểm sáng của ngành thủy sản

Cả năm 2020, xuất khẩu của ngành thủy sản đạt kim ngạch 8,6 tỷ USD, trong đó riêng mặt hàng tôm xuất khẩu đạt 3,78 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hơn 12,4%. Như vậy, mặc dù có những thời điểm trồi sụt thất thường trong năm vì dịch bệnh, thị trường xuất khẩu tôm đã trở thành điểm sáng của ngành xuất khẩu thủy sản năm 2020.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lĩnh vực xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay hoạt động tốt mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, ở cả các nước nhập khẩu và các nước nguồn cung. Nhưng đến cuối năm, đã có cú nước rút ngoạn mục.

Trong năm 2020, Mỹ là thị trường dẫn đầu và có sự tăng trưởng ổn định bậc nhất về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%. Mặc dù Mỹ là tâm dịch Covid-19 của thế giới, xuất khẩu tôm Việt Nam sang quốc gia này vẫn tăng trưởng dương trong cả 11 tháng năm 2020 với tổng kim ngạch đạt 806,6 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019.

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ tư của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước ta. Điều đáng lưu ý là xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6, nhưng từ tháng 7 và 8-2020 bắt đầu bật tăng so với những tháng trước đó. Cụ thể, tháng 7-2020 đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7-2019; tháng 8-2020, đạt 394,6 triệu USD, tăng gần 12% so với tháng 8-2019, và tăng 7,2 lần so với tháng 7-2020. Điều này được cho là nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8-2020.

Đối với thị trường Trung Quốc, sau khi tăng trưởng hai con số trong tháng 9 và 10-2020 thì tháng 11-2020 lại giảm 21%, đạt 42,8 triệu USD. Tính trong 11 tháng của năm 2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 496,8 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh các thị trường tăng trưởng ổn định, VASEP cũng cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các quốc gia ASEAN lại có sự giảm tương đối. Xin-ga-po và Cam-pu-chia là hai thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối ASEAN, lần lượt chiếm 48% và 19% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang ASEAN. Tính tới tháng 10-2020, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Xin-ga-po đạt 18,2 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi tôm xuất khẩu sang Cam-pu-chia đạt 7,2 triệu USD. Về mặt hàng sản phẩm, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang ASEAN tôm chân trắng tươi đông lạnh, tôm chân trắng PDTO tươi đông lạnh, tôm chân trắng PD tươi đông lạnh, tôm sú HOSO tươi đông lạnh, tôm chân trắng lột vỏ còn đuôi đông lạnh, tôm thẻ tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng lột vỏ bỏ đầu chừa đuôi đông lạnh, tôm chân trắng sushi luộc đông lạnh, tôm viên phô-mai tẩm bột…

Nhìn chung xuất khẩu tôm Việt Nam sang ASEAN từ đầu năm 2020 đến nay không ổn định, chỉ tăng trưởng dương trong các tháng 2, 3 và 4-2020; các tháng còn lại đều giảm. Trong khi đó, tôm xuất khẩu sang Cam-pu-chia tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên doanh nghiệp chọn xuất theo đường chính ngạch nhiều hơn thay vì xuất theo đường biên mậu như trước đó.

Như vậy, trong một năm 2020 đầy biến động về thị trường và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nối tiếp nhau, cùng với ngành nông nghiệp và thủy sản vẫn cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, ngành tôm đã thật sự là điểm sáng trong xuất khẩu thủy, hải sản. Kết quả tốt đẹp ấy trước hết nhờ sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam đã năng động tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch Covid-19, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp từng phân khúc khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường khu vực và quốc tế…

Nguồn tin: Nhân dân