Gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Với tâm niệm “Còn sức khỏe là còn lao động”, ông Đỗ Xuân Ngữ, thôn Bái Trung, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) không ngừng nỗ lực, gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Đỗ Xuân Ngữ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Với tác phong chuẩn mực, điềm đạm, nụ cười luôn hiện trên môi là cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với ông Đỗ Xuân Ngữ. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngữ cho biết: “Vợ chồng tôi tham gia phát triển sản xuất, công việc tuy khá vất vả nhưng vui vẻ và thấy người khỏe mạnh. Tôi nghĩ đơn giản rằng, hạnh phúc nhất của cuộc đời là tuổi cao nhưng vẫn được làm việc, cống hiến, được làm những việc có ích cho gia đình, cho con cháu và xã hội”.

Khi có chủ trương thực hiện chuyển đổi mô hình trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, ông Ngữ đã mạnh dạn đấu thầu 24 ha để nuôi trồng thủy sản. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, sau một thời gian tìm hiểu, ông đã quyết định đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng quảng canh. Nhờ những kiến thức được tích lũy từ các chuyến học tập kinh nghiệm, ông đã áp dụng vào quy trình nuôi tôm đạt hiệu quả cao, bình quân hằng năm trừ chi phí gia đình ông thu về lợi nhuận từ 200 đến 300 triệu đồng.

Năm 2012, sau khi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Cà Mau và có sự tham gia trực tiếp của con trai là Đỗ Văn Hải, kỹ sư nuôi trồng thủy sản, ông Ngữ quyết định ứng dụng công nghệ cao vào mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Ban đầu, ông đầu tư hệ thống nhà khung lưới, sục khí, lót bạt… trên diện tích 4.000m2, thả 3 vạn tôm giống, nuôi theo hướng dẫn của chuyên gia. Khi thu hoạch, kết quả thu về sản lượng 5,7 tấn tôm, trừ chi phí thu lãi hơn 300 triệu đồng. Sau đó ông thả tiếp vụ thứ hai, thu lãi hơn 600 triệu đồng. Từ mô hình thí điểm, ông quyết định đầu tư mở rộng thêm 5 khu trên diện tích 27 ha theo hướng ứng dụng công nghệ cao cùng các loại máy móc chuyên dụng để kiểm soát giống, thức ăn, nước, oxy trong nước… Nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất nên tôm không có dịch bệnh, nguồn giống, môi trường được bảo đảm, thức ăn, nguồn nước được kiểm soát nghiêm ngặt… do vậy nguồn lợi từ sản xuất không ngừng phát triển. Kết quả, năm 2022, sản lượng tôm đạt gần 100 tấn, thu lãi hơn 9 tỷ đồng; vụ xuân hè năm 2023 ông đã thu hoạch được 55 tấn, thu lãi 5 tỷ đồng. Sản phẩm được cung ứng cho các nhà máy chế biến thủy sản ở Hà Nội, Hải Phòng và cung cấp cho các khu du lịch, các nhà hàng. Với quy mô sản xuất hiện nay, gia đình ông Ngữ thường xuyên sử dụng 30 lao động là người địa phương, với mức thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/tháng/người.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ngữ còn giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, giống, thức ăn, kỹ thuật cho 20 hộ trong xã làm theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mang lại hiệu quả thiết thực. Ông còn thành lập và làm tổ trưởng tổ hợp nuôi trồng thủy sản xã Hòa Lộc để hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, vốn, giống, kỹ thuật nuôi, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, ông còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội và công tác từ thiện, như: trao xe đạp cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, trao quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, chúc thọ, mừng thọ các cụ cao tuổi, đóng góp xây dựng nông thôn mới… với số tiền hàng trăm triệu đồng.

 Thanh Huê

Báo Thanh Hóa

Tin mới nhất

T7,04/05/2024