Chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống Tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei Bone,1931) tại Nghệ An”

Nghệ An là tỉnh có tiềm năng lớn về diện tích nuôi trồng thủy sản với 21.479 ha (năm 2020) diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh chiếm 2.227 ha chủ yếu tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh ở Nghệ An với nhiều phương thức nuôi như nuôi trong ao đất, trong ao lót bạt, nuôi trong bể…nuôi với hình thức nuôi thâm canh, nuôi với mật độ cao, nuôi nhiều vụ trong năm nên nhu cầu con giống ngày càng lớn.

Theo dự báo nhu cầu con giống tôm thẻ chân trắng hàng năm tại Nghệ An cần khoảng trên 2.000 triệu con. Tuy nhiên, nguồn giống tôm thẻ chân trắng tại Nghệ An hiện nay chủ yếu được nhập từ các tỉnh như: Quảng Bình, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng…nên chất lượng rất khó kiểm soát, không chủ động được thời gian, mùa vụ, giá con giống cao, vận chuyển xa nên chất lượng con giống thương không đảm bảo dẫn đến nhiều hộ nuôi hiệu quả kinh tế chưa cao thậm chí thất bài hoàn toàn.

Nghệ An hiện đã có một vài cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng cung cấp cho phong trào nuôi như: Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH Hải Tuấn nhưng sản lượng sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu con giống cho người nuôi trên địa bàn, sản lượng giống tôm thẻ chân trắng cung cấp cho phong trào nuôi đang thiếu hụt rất lớn. Vì vậy, để chủ động sản xuất giống Tôm thẻ đảm báo số lượng, có chất lượng tốt, sạch bệnh, tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm cho người nuôi tỉnh nhà góp phần phát triển kinh tế biển, giải quyết việc làm, ổn định an ninh, trật tự xã hội vùng ven biển là cần thiết, cần phái có thêm nhiều cơ sở sản xuất để đáp ứng nhu cầu con giống.

Hình 1: Tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei Bone,1931)

Xuất phát từ thực tế trên, chuyên đề: Ứng dụng công nghệ hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống Tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei Bone,1931) tại Nghệ An”, đã được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An triển khai thực hiện là cơ sở để hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống Tôm thẻ chân trắng trong điều kiện khí hậu tại Nghệ An từ đó tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho các cơ sở sản xuất mặn lợ trên địa bàn, góp phần chủ động sản xuất con giống, đáp ứng được nhu cầu về con giống đảm bảo chất lượng, số lượng cung cấp cho nhu cầu nuôi của người nuôi trong và ngoài tỉnh. Góp phần chuyển đổi đối tượng sản xuất giống có giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập và đặc biệt là gải quyết được vấn đề mùa vụ sản xuất, đối tượng sản xuất có hiệu quả cho các cơ sở sản xuất giống mặn lợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

II. Kết quả thực hiện chuyên đề

1. Vệ sinh trại phục vụ sản xuất

– Vệ sinh hệ thống bể lọc, bể chứa: Cần phải ngâm tẩy rửa hệ thống bể lọc, ngâm và rửa cát, đá, ráp tầng lọc và thực hiện khử trùng tầng lọc.

– Vệ sinh hệ thống bể ương nuôi: Bể ương nuôi được lau rửa bằng xà phòng sạch sẽ, lắp hệ thống sục khí cho từng bể, sau đó dùng formol (2lít/bể) pha với 5 lít nước ngọt tạt mặt trong của bể rồi đậy kín bạt lại.

– Tất cả các dụng cụ như lưới, vợt, thau, chậu phục vụ cho sản xuất đều phải ngâm Chlorine hoặc formol, nồng độ 100 ppm, rửa sạch bằng nước ngọt và phơi khô trước khi đưa vào sử dụng cho đợt sản xuất mới.

Vệ sinh trong và ngoài trại cho sạch sẽ nhằm tránh lây lan mầm bệnh. Trong quá trình sản xuất thì vệ sinh ít nhất ngày 1 lần. Dùng Chlorine tạt vào các hố ga, các góc ẩm thấp do nước tồn đọng.

2. Chuẩn bị nước

Nước được bơm từ ngoài biển đảm bảo chỉ số của nguồn nước biển thích hợp như sau: độ mặn: 28 – 32 ‰; nhiệt độ: 27 – 30 0C; pH: 7,5 – 8,5; DO: >4
mg O2/lít; NH3: <0,1 ppm; NO2: <0,02 ppm.

Kỹ thuật xử lý nước:

– Xử lý bằng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 0,5 – 1ppm nhằm lắng bớt chất hữu cơ và kim loại nặng, sục khí liên tục đến khi mất màu thuốc tím, nước lúc này đã trong hơn.

– Tiếp tục xử lý bằng ChlorineA với liều lượng 30 ppm. Sục khí mạnh, liên tục đến khi bay hết Chlorine. (trung hòa Chlorine nếu còn dư bằng Thiosulfat). Kiểm tra dư lượng Chlorine bằng test Clo. Tắt sục khí, sau 12h có thể bơm nước lên bể lọc thô. Nước qua bể lọc thô sẽ qua bình lọc tinh vào bể chứa, nước thu được sẽ được bơm vào bể ương nuôi.

3. Kỹ thuật nuôi vỗ tôm bố mẹ

Tôm bố mẹ được nhập về ngày 12/5/2020 qua công ty Hải Tuấn đã được kiểm tra kiểm dịch kỹ lưỡng không mang các bệnh nguy hiểm và đạt tiêu chuẩn:

– Đối với tôm đực: Tuyển chọn những con có chiều dài 16 – 18cm, khối lượng từ 45 – 50 gam, khỏe mạnh, có màu sắc sáng bóng, không bị trắng cơ, các phần phụ còn nguyên vẹn (không bị mòn đuôi, mòn chân, không bị cụt râu), petasma không bị tổn thương.

– Đối với tôm cái: Tuyển chọn những con có chiều dài từ 18 – 20 cm, khối lượng từ 55 – 60 gam/con, khỏe mạnh, có màu sắc sáng bóng, không bị trắng cơ, các phần phụ còn nguyên vẹn, Thelycum không bị tổn thương.

Trước khi nhập tôm bố mẹ về trại một ngày, bể nuôi vỗ được vệ sinh bằng xà phòng và cấp nước đã qua xử lý đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trước khi thả tôm vào bể tiến hành cân bằng nhiệt độ để tránh làm tôm bị sốc.

Bảng 1: Các yếu tố môi trường trong bể nuôi thành thục

Nhiệt độ nước(0C) Mực nước (m) Độ mặn (‰) pH
28 ÷ 31 0,4 ÷ 0,7 30 ÷ 32 7,8 ÷ 8,5

Các yếu tố môi trường nước trong quá trình nuôi thành thục tôm bố mẹ luôn trong ngưỡng thích hợp, đảm bảo cho tôm thành thục tốt nhất.

*  Kỹ thuật nuôi thành thục tôm bố mẹ.

– Tôm bố và tôm mẹ được nuôi riêng trong các bể có thể tích 10 m3.

– Chế độ cho ăn: Thức ăn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ thành thục, chất lượng trứng cũng như chất lượng ấu trùng. Vì vậy, phải lựa chọn thức ăn có thành phần dinh dưỡng phù hợp để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho tôm bố mẹ.

Bảng 2Chế độ cho tôm bố mẹ ăn trong ngày

Thời gian 0h 4h 8h 12h 16h 20h
Thức ăn Mực Giun biển Hàu Mực Giun biển Hàu
Lượng(kg) 1kg 1kg 1kg 1kg 1kg 1kg

– Khẩu phần cho ăn từng giai đoạn:

+ Giai đoạn nuôi vỗ thành thục cho ăn với khẩu phần như sau: Giun biển 12%; Mực tươi 10 % và Hàu tươi 10 % khối lượng thân.

+ Giai đoạn nuôi vỗ tái thành thục cho ăn với khẩu phần như sau: Giun biển 15%; Mực tươi 12 % và Hàu tươi 12% khối lượng thân.

– Quản lý thức ăn: Các loại thức ăn tươi được bảo quản lạnh trong tủ cấp đông để đảm bảo thức ăn luôn tươi sống, không bị ươn thối.

Lượng thức ăn cho hàng ngày được lấy ra rã động trước khi cho ăn, thức ăn dư thừa được vớt bỏ, không để ôi thúi trong bể cũng như không sử dụng lại làm thức ăn cho tôm bố mẹ.

– Chế độ siphon thay nước: Siphon 1 lần/ngày vào lúc 7 giờ sáng, trước lúc cho tôm ăn. Kết hợp siphon với thay nước, thay nước 2 lần một ngày, mỗi lần thay 30 – 50 % lượng nước trong bể.

– Vệ sinh phòng bệnh:

+ Hàng ngày lau thành bể bằng nước ngọt và formalin, làm vệ sinh đáy vào buổi sáng.

+ Từ 7 – 10 ngày dùng formalin 1 lần với liều lượng 25 – 30 ppm để tắm, vệ sinh cho tôm.

4. Kỹ thuật cho đẻ

4.1. Kỹ thuật cắt mắt tôm cái:

Tôm mẹ sau khi nuôi thuần hóa được trên 15 ngày tùy thuộc vào sức khỏe của tôm là có thể cắt mắt. Kết quả quá trình cắt mắt nhằm thúc đẩy nhanh sự chín muồi tuyến sinh dục, tăng số lượng trứng. Thao tác cắt mắt như sau:

– Dùng panh y tế hơ trên ngọn lửa đèn cồn hoặc bếp ga để khử trùng dụng cụ trước khi cắt. Dùng tay khóa tôm theo chiều cong của tôm sau đó dùng panh cắt mắt tôm.

– Với phương pháp này tôm cái hồi phục rất nhanh, không gây nhiễm trùng, ít ảnh hưởng đến sức khỏe vì sau khi cắt mắt tôm mẹ vẫn bắt mồi bình thường, tỷ lệ sống cao

4.2. Tuyển chọn tôm cho giao vĩ.

– Chọn tôm mẹ thành thục: Tuyển chọn những con có buồng trứng ở giai đoạn IV. Buồng trứng to không bị đứt quảng và kéo dài đến tận cuối đuôi. Tôm khỏe mạnh: màu sắc sáng tự nhiên, không ửng đỏ, mang tôm trắng và sạch, tôm không lật nghiêng, đứng vững chãi, các đôi chân ngực choãi ra, các đôi phần phụ, đặc biệt là các đôi chân bò phải còn nguyên vẹn, đốt bụng thứ 3 không bị tổn thương, thelycum không bị thâm đen, không bị rách.

Sau khi tuyển chọn xong, tiến hành thả tôm cái vào bể tôm đực để cho giao vĩ. Thông thường tôm được bắt để cho giao vĩ vào khoảng 15 giờ chiều. Sau khi thả tôm đực và cái vào chung 1 bể thì tắt đèn và giữ yên tĩnh cho tôm giao vĩ. Đến tối, tiến hành tuyển chọn tôm cho đẻ.

– Tuyển chọn tôm cho đẻ: Thời gian tiến hành vào khoảng 19 giờ tối

Sau khi chuẩn bị dụng cụ đầy đủ thì tiến hành bắt tôm cho đẻ, tuyển chọn tôm cái đã giao vĩ (có túi tinh gắn vào thelycum). Tuy nhiên, cần kiểm tra túi tinh có được gắn chính xác vào thelycum hay không. Nếu không đúng vị trí, ta gỡ bỏ và thả lại bể cho tôm giao vĩ lần sau. Khoảng 2 tiếng sau sẽ kiểm tra lại. Nếu có túi tinh, chuyển sang bể đẻ. Cứ cách 2 tiếng kiểm tra 1 lần (18h, 20h, 22h). Những tôm cái có túi tinh được chuyển sang bể đẻ.

– Chuẩn bị bể cho tôm đẻ: Nước chuẩn bị từ trước được cấp vào bể qua túi siêu lọc. Thể tích bể là 5 m3 nhưng chỉ cấp đủ 4 m3 nước. Dùng EDTA 10 ppm để xử lí, sục khí trong bể đẻ 24/24 giờ nhưng ở mức độ nhỏ lăn tăn.

– Cho đẻ: Sau khi tuyển chọn tôm cái đạt yêu cầu thì thả vào bể đẻ với mật độ khoảng 1 – 2 con/m2. Trước khi thả, cần kiểm tra tôm còn túi tinh hay không. Nếu không thả trở lại bể tôm giao vĩ lần sau sẽ bắt tiếp.

– Ấp trứng: Sau khi đẻ trứng được ấp ngay trong bể đẻ và được sục khí liên tục 24/24 giờ. Trong thời gian ấp, cách 1 giờ phải đảo trứng 1 lần để tránh hiện tượng trứng bị lắng đáy. Sau khi tôm đẻ khoảng 13 – 14 giờ, trứng bắt đầu nở. Sau khi trứng nở hoàn toàn, tiến hành thu Nauplius.

Bảng 3: Kết quả sinh sản qua 6 đợt cho đẻ

TT Ngày tháng năm Số lượng tôm cho giao vĩ (con) Số lượng tôm được giao vĩ (con) Tỷ lệ giao vĩ (%) Số lượng trứng (vạn) Số lượng Naupius (vạn) Tỷ lệ nở (%)
1 17/6/2020 9 5 56 86 47 55
2 26/6/2020 7 4 57 68 38 56
3 12/7/2020 10 5 50 91 54 59
4 18/7/2020 14 8 57 128 78 61
5 18/8/2020 12 7 58 114 76 67
6 28/8/2020 8 4 45 64 51 79

Qua các đợt sản xuất, tỷ lệ giao vỹ đạt thấp 45 – 58%, trung bình đạt 53,8% và tỷ lệ nở đạt mức khá từ 55 – 79%, trung bình đạt 62,8%. Với các tỷ lệ đạt được củ chuyên đề so với quy trình chung là chưa cao nguyên nhân có thể do điều kiện chăm sóc tôm bố mẹ còn chưa đáp ứng tối đa yêu cầu kỹ thuật. Thức ăn chủ yếu, quan trọng nhất cho nuôi vỗ tôm mẹ lên trứng là Giun biển phải cấp đông vận chuyển từ Nha Trang ra nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, độ tươi chưa đảm bảo và có lúc bị gián đoạn nên đã ảnh hưởng đến kết quả nuôi tôm mẹ.

4.3. Kỹ thuật thu Nauplius.

Sau khi trứng nỏ hết, chiếu sáng trong phạm vi giữa bể, kết hợp với tắt sục khí. Sau 15 – 30 phút ấu trùng Nauplius tập trung lại khu vực nguồn sáng. Sử dụng vợt đánh Nauplius chuyên dụng hớt nhẹ nhàng Nauplius chuyển sang 1 xô lớn 120 lít có sục khí. Thu cho đến khi hết Nauplius tập trung gần nguồn sáng thì dừng lại. Sau đó, định lượng và chuyển sang bể ương nuôi ấu trùng.

5. Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng từ Nauplius đến Post larvae.

5.1. Công tác vệ sinh và chuẩn bị bể ương.

Bể dùng để ương ấu trùng phỉ được vệ sinh kỹ lưỡng trước khi chuyển ấu trùng vào ương bằng cách ngâm Chlorine 100 ppm trong 2 ngày, sau đó, xả bỏ rồi rửa lại bằng xà phòng, dùng nước ngọt vệ sinh lại nhiều lần rồi mới cấp nước. Các ống khí và đá bọt đều được ngâm qua formol và rửa lại bằng nước ngọt rồi mới lắp vào bể ương. Sau khi hoàn thiện công tác vệ sinh, lắp đặt xong sục khí tiến hành cấp nước biển đã được xử lý vào bể để ương nuôi ấu trùng. Ấu trùng sau khi được định lượng xong thì chuyển sang bể ương.

– Mật độ thả: 350 – 400 (Naupius/lít nước).

– Tắm cho ấu trùng: Trước khi thả vào bể tiến hành tắm cho ấu trùng qua formalin, nồng độ 100 ppm trong thời gian 30 giây.

5.2. Chế độ chăm sóc và quản lý

– Thức ăn

+  Artemia: Được sử dụng như một loại thức ăn không thể thiếu vì chúng có hàm lượng dinh dưỡng cao và rất ưa thích của ấu trùng tôm. Chỉ cho ăn ở giai đoạn Mysis và Post khi ấu trùng đã bắt mồi chủ động.

+ Thức ăn tổng hợp: Sử dụng Tảo Spirulina, Lansy – ZM, Frippak I-II, P.monodon N 0,1 và Play để làm thức ăn ương nuôi ấu trùng.

– Chế độ cho ăn: Chế độ dinh dưỡng thích hợp giúp cho ấu trùng tăng trưởng tốt, sức khỏe ổn định, trong đó thành phần tảo và định mức ấu trùng Artemia là bắt buộc phải có không nên thay bằng các loại thức ăn khác. Ngoài ra việc bổ sung các loại men tiêu hóa, vitamin tổng hợp (ZP 25, ET800, Shrim favour …) là hết sức cần thiết.

+ Giai đoạn Nauplius: Giai đoạn này ấu trùng dinh dưỡng bằng noãn hoàng vì vậy chưa cần cho ăn thức ăn ngoài.

+ Giai đoạn Zoea: Việc đón đầu để cung cấp thức ăn cho giai đoạn Zoea 1 rất quan trọng và yêu cầu mức độ chính xác cao, tránh trường hợp tôm đã chuyển giai đoạn nhưng trong bể chưa có thức ăn làm cho ấu trùng đói và lắng đáy. Đồng thời cũng phải tránh việc đưa thức ăn vào quá sớm làm ấu trùng bị dính chân. Khi Nauplius chuyển được trên 90% sang Zoea 1 là có thể cung cấp thức ăn cho ấu trùng. Lần cho ăn đầu tiên sử dụng tảo Tảo Spirulina. Sau khi đón tảo 2 lần thì tiến hành cho Zoea ăn thức ăn tổng hợp với tỷ lệ được cho như bảng 5 và được chia đều 3 giờ đồng hồ lần : 0h, 3h, 6h, 9h…Tuy nhiên, liều lượng thức ăn phụ thuộc vào sức ăn của ấu trùng Zoea để tăng giảm.

Bảng 4: Thành phần và khẩu phần thức ăn cho các giai đoạn Zoea.

Giai đoạn
 ấu trùng
Loại và lượng thức ăn sử dụng (gr/m3)
Tảo khô Lansy Frippark I, II ET800 Khoáng ZP25
Zoea1 2 1,5 1,5 1 0,2 0,5
Zoea2 2 1,5 1,5 1 0,2 0,5
Zoea3 3 2 2 1 0,5 1

+ Giai đoạn Mysis: Khi ấu trùng chuyển sang giai đoạn Mysis thì bắt đầu cho ăn Artemia bung dù, cho ăn xen kẽ với thức ăn tổng hợp. Ở các giai đoạn ấu trùng Mysis thức ăn tổng hợp được cho ăn chỉ 4 lần/ ngày, còn lại là cho ăn Artemia (4 lần/ngày). Lượng thức ăn cho ăn cũng tùy thuộc vào tình trạng bắt mồi của ấu trùng để tăng giảm được thể hiện ở bảng sau:

Bảng 5: Thành phần và khẩu phần thức ăn cho các giai đoạn Mysis.

Giai đoạn ấu trùng Mysis Loại và lượng thức ăn sử dụng (gr/m3)
N0 Lansy Frippark (II) ET800 Khoáng ZP25 Artemia
Mysis 1 3 2 3 1 0,5 1 5
Mysis 2 3 3 3 1 0,5 1 5
Mysis 3 4 4 4 1 0,5 1 7

+ Giai đoạn Post larvae: Khi ấu trùng chuyển sang giai đoạn Post larvae thì bắt đầu cho ăn Nauplius của Artemia sống, cho ăn xen kẽ với thức ăn tổng hợp. Ở giai đoạn này ấu trùng có khả năng bơi lội chủ động ngược dòng để bắt mồi. Trước mỗi lần cho ăn kiểm tra bể ương nuôi, nếu trong bể còn dư lượng thức ăn thì giảm lượng thức ăn tổng hợp hoặc giảm lượng Artemia cần ấp cho lần tiếp theo. Nếu trong bể đã hết thức ăn tức là ấu trùng ăn đủ hoặc thiếu, nên kết hợp với quan sát đường phân của ấu trùng để tăng hay giảm lượng thức ăn cho phù hợp đảm bảo cho ấu trùng sinh trưởng, phát triển tốt nhất.

Bảng 6: Thành phần thức ăn giai đoạn Post larvae

Thành phần thức ăn tổng hợp (gr) N1 Lansy Post Frippark II Play ET800 Khoáng ZP25
Tỷ lệ pha trộn (%) 20 20 20 20 10 5 5

Bảng 7: Chế độ cho ăn ở giai đoạn Post larvae

Các giai đoạn Post Thức ăn tổng hợp (gr/m3) Artemia (gr/10 vạn ấu trùng)
P1 – P4 7 – 10 g/m3, 4 lần/ngày 5 – 7, cho ăn 4 lần/ngày
P5 – P12 >10 g/m3, 4 lần/ngày 7 – 10, cho ăn 4 lần/ngày

– Chế độ sục khí: Cường độ sục khí trong bể ương nuôi ấu trùng mạnh dần từ Nauplius → Zoea → Mysis → Post larvae.

– Chế độ siphon, thay nước: Trong quá trình phát triển, ấu trùng thải phân và lột xác làm bẩn môi trường nước nuôi. Khi siphon đáy cần giảm nhẹ sục khí, dùng ống siphon hút loại bỏ cạn bã, thức ăn thừa, vỏ và xác chết ấu trùng tích tụ ở đáy bể ra ngoài thau. Khi siphon dùng ống hút có bao lưới 200 microns để hút nước từ thau ra ngoài sau đó dùng vợt thu ấu trùng còn sống thả lại vào bể nuôi.

+ Giai đoạn Zoea: Khi ấu trùng chuyển sang Zoea 2, đây là thời điểm ấu trùng ăn mạnh biểu hiện là đuôi phân nhiều, lượng phân thải ra lớn nên cần phải siphon đáy bể khi quan sát đáy bể nếu thấy nhiều phân vón chụm lại ở đáy thì tiến hành siphon. Cuối giai đoạn Zoea 3 tiến hành siphon đáy và thay nước 30 – 40% lượng nước trong bể kết hợp dùng lưới treo phân làm sạch môi trường nước trong bể ương nuôi.

+ Giai đoạn Mysis: Từ giai đoạn Mysis 2, Mysis 3 và thời điểm chuẩn bị chuyển sang Post larvae khi siphon đáy có thể kết hợp thay 30 – 40% lượng nước trong bể.

+ Giai đoạn Post larvae: siphon kết hợp thay nước 30 ÷ 40% lượng nước, thay nước 2 ngày/1lần.

– Xử lý môi trường nước trong quá trình nuôi: Hàng ngày sử dụng men vi sinh EM với liều lượng 5ppm đánh xuống bể vào lúc 22 giờ.

6. Kết quả sản xuất.

– Ngày 12/5/2020 nhập 30 cặp tôm bố mẹ từ công ty Hải Tuấn được Trại Diễn Hải thuần hóa và nuôi vỗ theo đúng quy trình đề ra.

– Ngày 2/6/2020 Kiểm tra thấy tôm bố mẹ được thuần hóa ổn định, tôm hoạt động bắt mồi mạnh, đã có 5 – 7 % lượng tôm cái lên trứng đạt giai đoạn 2. Tôm đực kiểm tra đã thấy có dấu hiệu túi tinh già (theo cảm quang), đảm bảo cho việc cho sinh sản. Nhóm thực hiện chuyên đề đã tiến hành cắt mắt tôm mẹ kích thích thành thục sinh dục.

– Kiểm tra độ thành thục sinh dục của tôm bố mẹ đạt được 30% tổng đàn, đã tiến hành cho đẻ. Quá trình thực hiện, đã cho tôm sinh sản 6 đợt chính, kết quả được thể hiện ở bảng sau:

Bảng 8: Kết quả ương nuôi từ Nauplius đến Post larvae qua các đợt.

TT Ngày cho sinh sản Số lượng Nauplius lúc thả (vạn con) Số lượng Post thu được Tỷ lệ sống (%)
1 17/6/2020 47 30 63,8
2 26/6/2020 38 20 52,6
3 12/7/2020 54 30 55,5
4 18/7/2020 78 54 69,2
5 18/8/2020 76 36 47,3
6 28/8/2020 51 30 58,8

– Tỷ lệ sống ấu trùng giữa các đợt ương không đều nhau. Nhìn chung, tỷ lệ sống của ấu trùng là không cao, tỷ lệ sống của giai đoạn Zoea cao hơn các giai đoạn Mysis và Post larvae. Ấu trùng thường bị chết nhiều ở giai đoạn chuyển từ Zoea 2 sang Zoea 3 và từ Zoae3 sang Mysis do đó trong các giai đoạn này cần theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.

– Thời gian biến thái của ấu trùng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và nhiệt độ nước trong bể ương. Nếu tình trạng sức khỏe tốt và nhiệt độ môi trường nước cao trong khoảng thích hợp thì thời gian chuyển giai đoạn càng ngắn.


Hình 2: Định lượng tôm giống trước khi đóng bao vận chuyển

7. Kỹ thuật thu hoạch và vận chuyển.

Trước khi đóng tôm, cần định lượng để biết được số lượng và xác định mật độ vậnchuyển tôm. Dựa vào kích thước của tôm và quảng đường vận chuyển ta lựa chộn mật độ chophù hợp. Mật độ vận chuyển từ 2.000 đến 4.000 con/túi nilon. Túi nilon có kích thước dài 65 cm, rộng 22 cm, được cấp 2 lít nước và đóng Oxy. Nước dùng để vận chuyển tôm được hạ nhiệt độ nước giảm xuống còn 18 – 20 0

III. Kết luận

– Chuyên đề đã được Trại sản xuất giống thủy sản Diễn Hải triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng mục tiêu, nội dung và tiến độ của chuyên đề. Qua 6 đợt cho sinh sản và ương nuôi đã sản xuất được trên 2 triệu Post 12 – 15, cơ bản đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

– Thông qua việc thực hiện chuyên đề đã xây dựng, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật sản xuất giống Tôm thẻ chân trắng phù hợp với điều kiện Nghệ An.

– Đào tạo được 3 cán bộ kỹ thuật nắm vững, vận hành thành thạo quy trình kỹ thuật sản xuất giống tôm thẻ để áp dụng vào thực tiễn sản xuất của đơn vị, cung cấp con giống cho phong trào nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Qua kết quả của chuyên đề, khẳng định được việc sản xuất giống tôm thẻ chân trắng hoàn toàn thực hiện được ở Nghệ An, con giống sản xuất ra đảm bảo chất lượng, sinh trưởng và phát triển tốt khi đưa vào nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, để sản xuất con giống đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả cao cần:

+ Cần có giải pháp về thức ăn tươi sống (Giun biển), để luôn chủ động, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ nuôi vỗ tôm bố mẹ thành thục sinh dục một cách hiệu quả nhất.

+ Cần bố trí bể nuôi tôm bố mẹ, bể cho đẻ đảm bảo kích thước cũng như các tiêu chí kỹ thuật liên quan để tôm giao vỹ, sinh sản tốt nhất./.

TRUNG TÂM GIỐNG THỦY SẢN NGHỆ AN