Xuất khẩu thủy sản sang EU giảm mạnh vì thẻ vàng IUU

[Người Nuôi Tôm] – Sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

 

Ngày 10/8, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) đồng tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo đánh giá tác động việc không tuân thủ quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo VASEP, thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

 

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản thứ 3 trên thế giới (8,5-9 tỉ USD/năm), trong đó thủy sản nuôi trồng chiếm 60 – 65%.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết ngay sau khi bị EC phạt thẻ vàng IUU vào năm 2017, Việt Nam đã có nhiều biện pháp quyết liệt để cải thiện theo khuyến cáo từ châu Âu.

Các cơ quan Chính phủ cao nhất đến các địa phương đã hành động và đã tạo ra những thành quả nhất định được EC ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn có một số địa phương chưa kiên quyết khiến Việt Nam chưa được EC rút thẻ vàng IUU.

“Tôi cho rằng nguy cơ bị EC rút thẻ đỏ IUU trong 1-2 năm tới là khó xảy ra. Sắp tới Chính phủ và bộ sẽ có thêm thay đổi về chính sách và sự quyết liệt từ các địa phương về vấn đề này”, ông Tiến nói.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

 

Báo cáo công bố cũng ghi nhận, trước khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của hàng thủy sản Việt Nam. Sau đó, Việt Nam tìm cách đa dạng thị trường để thay thế. EU từ vị trí thứ 2 đã xuống vị trí thứ 5 trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất từ Việt Nam (tính từ năm 2018), sau các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.

Báo cáo này cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 16 – 18 tỉ USD vào năm 2030; tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 7 – 9% trong 10 năm tới.

HẠ NHIÊN (Tổng hợp)

Tin mới nhất

T5,21/11/2024