Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam nhận định dịch Covid-19 khiến giá tôm sụt giảm so với hàng năm khoảng 20-30%, tiêu thụ khó khăn.
Nhiều ngày qua ông Nguyễn Tâm (ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) vì 3 tấn tôm thẻ chân trắng chưa thể xuất hồ được.
Theo thường lệ, thời điểm này tôm đã được thương lái từ khắp nơi mà chủ yếu ở TP Đà Nẵng đến thu mua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng, các địa phương bị phong tỏa, giãn cách xã hội nên việc xuất bán tôm gặp khó khăn.
Ông Tâm cho hay hiện gia đình có 6.000 m2 diện tích mặt nước nuôi tôm, mỗi ngày ông phải chi số tiền gần 2 triệu đồng để mua thức ăn duy trì hồ tôm.
“Việc tôi lo ngại nhất là kéo dài thời gian xuất hồ dễ khiến tôm sinh bệnh chết, lây lan sang các hồ khác”, ông Tâm nói.
Tồn đọng hàng chục tấn tôm
Ông Huỳnh Xuân Tranh, Trưởng ban Nông nghiệp UBND xã Cẩm Thanh, cho biết tại địa phương tôm được nuôi 2 vụ chính, thời gian mỗi vụ kéo dài từ 2,5 – 3 tháng. Riêng vụ 2 này, diện tích nuôi ít hơn, mật độ tôm thả cũng thưa hơn so với vụ 1 do thời tiết thất thường.
“Xã Cẩm Thanh có khoảng 380 hộ nuôi tôm, diện tích gần 40 ha. Vụ tôm này toàn xã có khoảng 60 tấn, thị trường tiêu thụ chính là TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, Đà Nẵng siết chặt giãn cách xã hội, tôm tiêu thụ chậm, giá bán cũng thấp hơn khiến nhiều hộ gia đình lo lắng”, ông Tranh cho hay.
Người dân nuôi tôm tại Quảng Nam gặp khó khăn do dịch Covid-19 do vận chuyển tiêu thụ gặp khó. Ảnh: Tuấn Nam.
Theo ông Tranh, cũng vì dịch Covid-19 khiến giá tôm có phần sụt giảm vì việc vận chuyển tiêu thụ gặp khó khăn. “Trước đây giá bán cho thương lái khoảng 100.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), tuy nhiên giờ còn khoảng 70.000-80.000 đồng/kg. Số lượng tôm tồn đọng tại địa bàn khoảng 10 tấn”, ông Tranh nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết năm 2021 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP.Hội An đạt khoảng 200 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi hàng năm từ 200-250 tấn và tập trung ở các xã Cẩm Thanh, phường Cẩm Châu.
Ông Hùng nhận định do dịch Covid-19 khiến việc di chuyển khó, nên tiêu thụ tôm nuôi gặp bất lợi. “Đối với nuôi trồng thủy sản tại Hội An, thị trường tiêu thụ sản phẩm chính chủ yếu tại địa bàn TP Đà Nẵng. Ngoài ra, có các địa phương phía Nam nhưng không nhiều. Việc Đà Nẵng giãn cách xã hội khiến thương lái không tiếp cận thu mua được khiến người nuôi gặp khó”, ông Hùng nói.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hội An, thời gian qua địa phương đã có văn bản gửi đến Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đề nghị hỗ trợ thông tin, kết nối tiêu thụ thủy sản nhằm giúp đỡ người dân.
Giá tôm giảm 20-30%
Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết về tình hình nuôi tôm trên địa bàn không gặp nhiều khó khăn.
“Tôi có đi thực tế, đối với việc nuôi tôm của người dân không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhiều. Tôm giống cũng như thức ăn được các đơn vị có luồng xanh vận chuyển nên người dân không gặp khó. Tuy nhiên, có một số hộ dân trên địa bàn tỉnh thất bát do tôm gặp bệnh”, ông Tấn nói.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, ông Ngô Tấn cho hay do dịch Covid-19 nên giá tôm sụt giảm khoảng 20-30%. Ảnh: Tuấn Nam.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay việc xuất bán tôm gặp khó khăn do dịch Covid-19. Dù nhu cầu của người dân cao, nhưng không nhiều so với nhà máy thu mua xuất khẩu.
“Đầu ra của người dân nuôi tôm có một phần ảnh hưởng bởi sức mua do dịch Covid-19 nên không di chuyển được. Các nhà máy tại TP Đà Nẵng họ thu mua để xuất khẩu, nhưng do dịch bệnh nên ngừng sản xuất, công nhân nghỉ việc khiến tôm còn tồn đọng tại các hồ. Sở vẫn đang cố gắng tháo gỡ, liên tục kết nối các đơn vị thu mua. Hiện tại cũng sắp cuối vụ tôm thứ 2, nên việc tồn đọng số lượng cũng không quá nhiều”, ông Tấn cho hay.
Ông Tấn nhận định dịch Covid-19 khiến giá tôm sụt giảm so với hàng năm khoảng 20-30% là điều dễ hiểu vì các địa phương khác cũng như vậy.
Về giải pháp, Sở Nông nghiệp cũng thông tin cho người dân cơ sở thu mua. “Nhưng việc này mang tính thị trường, chủ yếu người dân kết nối thương lái. Sở thường khuyến cáo kỹ thuật nuôi, lịch mùa vụ cho phù hợp”, ông Tấn nói.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, đơn vị thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương đưa thông tin xuất bán thủy sản lên sàn thương mại điện tử để bán.
Ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi nhận được văn bản của UBND TP Hội An, đơn vị đã đưa thông tin sản phẩm lên các trang mạng bán hàng. Sở cũng thông báo đến các ban quản lý chợ, các siêu thị, cửa hàng thương mại… trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng có công văn gửi đến Sở Công Thương, phòng kinh tế các quận, huyện tại TP Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ, thông tin đến người dân, doanh nghiệp để kết nối nông dân tiêu thụ thủy sản.
Thanh Đức
Nguồn: Zingnews