Sóc Trăng chuyển đổi, phát triển nghề nuôi thủy sản

Vừa trải qua giai đoạn thấp điểm, thị trường tôm cuối năm có dấu hiệu phục hồi. Nhưng một số người nuôi tôm tìm cách đổi sang nuôi cua, cá.

Ương nuôi cá giống cung cấp cho vùng nuôi thủy sản ở ÐBSCL.

Mùa tôm năm nay ở Sóc Trăng người nuôi tôm tính toán nếu nuôi đạt bình quân 1kg tôm cỡ nhỏ nhưng thời gian nuôi kéo dài có thể khó đạt điểm hòa vốn. Trong khi cao điểm thu hoạch mùa tôm chính vụ đã qua, giá tôm tăng chậm, nhỏ giọt.

Đồng hành cùng dõi theo mùa nuôi tôm từ đầu năm, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho rằng: Tình hình thị trường tiêu thụ tôm trong những tháng đầu năm 2023 không gặp thuận lợi, giá bán thấp khiến người nuôi tôm dè dặt, thận trọng. Còn một số trại nuôi tôm quy mô lớn tìm cách hạ giá thành và áp dụng biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy vậy, dù biết khó khăn chỉ tạm thời rồi sẽ qua, một số hộ nuôi tôm đã mở hướng chuyển đổi, vận dụng các mô hình nuôi loài thủy sản khác đáp ứng theo nhu cầu thị trường như cua biển, cá bông lau, cá dứa, cá chẽm…

Bên cạnh cua biển được nuôi thương phẩm phổ biến, có thị trường tiêu thụ khá tốt ở các tỉnh thuộc khu vực bán đảo Cà Mau, cá bông lau được xem là đặc sản, cao giá. Loại cá tươi từ 1-3kg đánh lưới bắt ngoài tự nhiên trên các nhánh sông lớn của hệ thống sông Cửu Long bán giá trên 150.000-300.000 đồng/kg.

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, ở huyện Cù Lao Dung từ mấy năm trước cá bông lau đã được một vài hộ dân nuôi thương phẩm thành công. Cho đến nay, vì là loài cá khó nuôi nên cá bông lau chỉ duy trì được chừng 5ha, chủ yếu cung cấp cho các chợ nội địa trong vùng.

Cùng loài cá da trơn, Sóc Trăng có diện tích ao nuôi cá dứa trên 50ha, cá tươi bán vào các quán ăn, nhà hàng các tỉnh trong vùng hoặc chế biến khô một nắng rất ngon. Một số người nuôi đạt hiệu quả, do cá ít bệnh, chi phí thức ăn rẻ hơn nuôi tôm. Cá chẽm được nuôi trên 68ha, từng được tăng diện tích ao nuôi khi có thị trường xuất khẩu. Ngoài ra vùng ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) còn nuôi artemia 285ha, cua biển trên 390ha, cá kèo 53ha… Năm nay nhiều đối tượng thủy sản được mở rộng khoảng gần 1.000ha, sản lượng khoảng 100 tấn.

Trong những năm qua nhiều địa phương ven biển vùng ĐBSCL người nuôi tôm đã vận dụng lợi thế gia tăng hiệu quả từ các mô hình nuôi luân canh hoặc lồng ghép các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế kết hợp nuôi nước tạo môi sinh tốt cho ao tôm. Các loài cá nâu, cá chình, cá đối, cá chốt, cá kèo… luôn được tiêu thụ nội địa khá mạnh. Các hộ dân nuôi thủy sản nước lợ thực hiện chuyển đổi sang nuôi cua biển, cá nước lợ thừa nhận đạt hiệu quả. Mặt lợi ích thấy rõ nhất là nuôi cá luân canh trong ao tôm góp phần cải tạo môi trường nước, giúp vụ sau nuôi tôm ít phát sinh dịch bệnh. Nhưng tâm lý người nuôi còn dè dặt nói chi tiết về mức lợi nhuận thu được. Đó là do nhu cầu thị trường tiêu thụ chưa được đánh giá đầy đủ, nếu mở rộng vùng nuôi ào ạt. Hơn nữa, phần nhiều các hộ dân nuôi tôm muốn chuyển đổi lại thiếu thông tin thị trường, chưa có đơn vị liên kết đầu mối tiêu thụ nên sẽ khó phát huy giá trị bền vững cho một số sản phẩm mới.

Sau hơn 9 tháng đầu năm 2023, ở vùng nuôi tôm nước lợ các tỉnh ven biển ĐBSCL đã tìm cách thích ứng, giảm dần khó khăn. Người nuôi tôm biết cách ứng phó linh hoạt hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm. Mùa vụ nuôi tôm vừa đi qua hơn 2/3 chặng đường, qua cao điểm thu hoạch tôm. Giá tôm còn duy trì mức thấp, tuy có lợi cho người tiêu dùng, nhưng người nuôi chưa hết bất lợi, khả năng tạo ra sự không đồng bộ chuỗi cung ứng khi thị trường phục hồi sau này. Qua đó, từ việc vận dụng lợi thế mở rộng sản xuất thêm các đối tượng nuôi thủy sản sẽ góp phần cộng hưởng, đa dạng hóa sản phẩm, giữ mạch phát triển chung của ngành kinh tế thủy sản.

Hữu Đức

Nguồn: Baocantho.com.vn

Tin mới nhất

T5,02/05/2024