Người nuôi tôm đã vui trở lại

Là sản phẩm chủ yếu của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời điểm này, các loại thủy sản như tôm cua đều đồng loạt tăng giá, mang tới tín hiệu tích cực cho người nông dân.

Nông dân vui mừng vì giá tôm tăng cao. Ảnh: Đoàn Xá

Là một trong những địa phương có diện tích ao nuôi tôm lớn nhất vùng ĐBSCL, những tháng vừa qua nhiều nông dân nuôi tôm (chủ yếu tôm thẻ) ở Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ… (tỉnh Long An) rất lo lắng vì giá tôm giảm trong khi nguồn giống, thức ăn, điện lại tăng. Thậm chí một số hộ dân ở đây đã quyết định “treo ao” vì lo thua lỗ.

Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 10 tới nay, giá tôm tăng trở lại đã giải tỏa rất nhiều áp lực với nông dân. Ghi nhận tại một số ao nuôi đang thu hoạch cho thấy giá tôm được thương lái thu mua ở mức 110.000 tới 120.000 đồng/kg loại 30 con/kg, mức 90.000 tới 100.000 đồng/kg loại 60 con/kg, cao hơn khoảng 15.000 đồng mỗi kg so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng. Trong khi đó, giá tôm sú cùng kích thước được thương lái thu mua cao hơn tôm thẻ khoảng 40.000 đồng mỗi kg.

Anh Nguyễn Văn Hiệu (44 tuổi) – một nông dân nuôi tôm ở xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước) cho biết, giá tôm đang tăng khiến nông dân rất mừng. “Giá tôm đã nhích lên. Theo dự đoán giá tôm sẽ còn tăng hơn nữa vì thời điểm tới là cuối năm nên chắc chắn nhu cầu sẽ tăng. Tôi mới đầu tư gần 1 trăm triệu đồng để cải tạo ao, mua bạt, máy bơm quạt và tôm giống đầu tư cho đợt tới. Nếu thời điểm này thả con giống sẽ kịp cho vụ thu hoạch Tết” – anh Hiệu tính toán.

Ông Nguyễn Thanh Toàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An cho biết, thời gian vừa qua nông dân Long An tăng cường thả nuôi tôm vì giá tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay đang là thời điểm giao mùa nên ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo nông dân thận trọng, thường xuyên theo dõi diễn biến ao tôm để kịp thời xử lý dịch bệnh phát sinh. Ngoài ra ông Toàn cũng khuyến cáo nông dân cần chọn loại tôm giống tốt, đảm bảo sức khỏe khi thả nuôi vụ mới. Thống kê cho thấy tỉnh Long An hiện có gần 5.700ha ao nuôi tôm, chủ yếu là tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh.

Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, địa phương có 36.000ha nuôi tôm, việc giá tôm tăng trở lại sau nhiều tháng giảm đã giúp cho nông dân có niềm tin để tiếp tục thả giống.

Cũng như ở Long An, nông dân ở Bến Tre chủ yếu nuôi tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh. Trong đó các địa phương như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm… là những địa phương có nhiều ao nuôi vì giáp biển. Anh Trần Lâm Trình, chủ một ao nuôi tôm ở Lương Quới (Giồng Trôm) cho biết từ cuối năm ngoái giá tôm càng xanh ở Bến Tre giảm mạnh khiến nhiều hộ để trống ao nuôi. “Nhà tôi có 4 ao nuôi tôm càng xanh tổng diện tích 0,6ha. Đáng lẽ phải thu hoạch hồi giữa năm nhưng giá tôm thấp nên tôi không thu hoạch. Đợt vừa rồi giá tôm tăng và trọng lượng cũng loại nhất (từ 10-12 con/kg) nên được thương lái trả mua với giá 300.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn so với hồi đầu năm. Dự kiến cuối năm tôm loại nhất có thể tăng tới 500.000 đồng/kg” – anh Trình cho biết.

Với môi trường sinh trưởng là nước lợ, các địa phương như Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh… là các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với hàng nghìn nông dân tham gia. Giá loại thủy sản này tăng sẽ mang tới niềm vui cho rất nhiều hộ nuôi tôm.

Tương tự cua biển cũng đang tăng đều đặn thời gian qua, chủ yếu là do thị trường Trung Quốc tăng mua. Hiện nay, cua biển được nuôi chủ yếu tại Trà Vinh, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Theo ghi nhận thì giá cua thịt được thương lái thu mua từ 300.000 tới 350.000 đồng/kg loại 2 con/kg, từ 200.000 tới 250.000 đồng/kg loại 4 con/kg. Trong khi đó giá cua gạch khoảng 450.000 đồng/kg loại 3 con/kg. Nếu so với cùng thời điểm này năm trước, đây là mức giá khá thấp nhưng cũng đã tăng đáng kể so với khoảng 4-5 tháng trước.

Đoàn Xá
Nguồn: baomoi.com

Tin mới nhất

T2,29/04/2024