Hồi hộp chờ cái kết đẹp của vụ tôm năm 2022

Dù có những thời điểm tăng, giảm do biến động thị trường, nhưng nhìn chung, giá tôm từ cuối năm 2021 đến nay vẫn luôn ở mức cao, tạo sự an tâm cho người nuôi tôm. Đây cũng được xem là quãng thời gian giữ giá cao lâu dài nhất của con tôm nước lợ trong những năm gần đây.

Mọi năm, thường giá tôm chỉ tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm do nguồn tôm nguyên liệu chưa nhiều và sau đó giảm lại từ tháng 4 đến hết tháng 8. Năm nay lại khác. Xuyên suốt từ tháng 11-2021 đến cuối tháng 5-2022 này, giá tôm ở Sóc Trăng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn duy trì ở mức khá cao trên hầu hết các kích cỡ tôm. Cũng có một số thời điểm giá tôm có xu hướng giảm nhẹ, nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó ổn định trở lại. Đó là thời điểm trước và sau tết Nguyên đán 1 tuần, Giỗ tổ Hùng vương, tết cổ truyền của đồng bào Khmer, lễ 30-4 và 1-5…

Các mô hình nuôi công nghệ cao thả giống sớm đều thu hoạch bán được giá cao

Theo ghi nhận của người viết, thị trường tôm thẻ cỡ trung đến lớn ở khu vực ĐBSCL chịu tác động khá lớn từ mặt bằng giá thu mua của các doanh nghiệp chế biến ở tỉnh Sóc Trăng, còn tôm sú, mặt bằng giá thường được quyết định tại vùng nuôi tôm sú trọng điểm tỉnh Cà Mau. Điều này cũng không khó để lý giải, bởi các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng hầu hết đều chuyên tôm thẻ với các sản phẩm chế biến sâu phục vụ phân khúc thị trường cao cấp và đa số họ thuộc top 10 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tôm lớn của cả nước. Chỉ cần 1 – 2 doanh nghiệp lớn ở Sóc Trăng ngưng mua hoặc giảm lượng mua thì gần như ngay lập tức giá tôm thẻ cỡ trung đến lớn trong khu vực ít nhiều bị tác động.

Trở lại với thời điểm cuối năm 2021 khi giá tôm phục hồi lại mức cao, cùng với đó là những dự báo sáng về thị trường tôm trong năm 2022 của Vasep (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) và các doanh nghiệp đã kích thích nhiều trang trại nuôi tôm thâm canh tiến hành thả nuôi sớm để đón giá. Phía doanh nghiệp cũng có lượng tôm dự trữ tương đối đối khá, nhất là những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn. Sự cộng hưởng từ 2 nguồn tôm nguyên liệu trên đã đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động khá thuận lợi trong 3 tháng đầu năm, nên tình trạng thiếu hụt nguyên liệu như mọi năm hầu như không xảy ra. Tuy nhiên, có điều khá bất ngờ là dù cung vẫn đáp ứng cầu nhưng giá tôm nguyên liệu vẫn đứng vững xuyên suốt từ đầu năm đến nay.

Người viết đã từng đem thắc mắc trên trao đổi với các doanh nghiệp chế biến tôm hàng đầu của tỉnh, thì được giải thích là nhờ công tác dự báo thị trường được các doanh nghiệp làm rất tốt ngay từ khi kết thúc các đơn hàng của năm 2021. Ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ: “Từ quý IV năm 2021, chúng tôi đã nhận định tình hình dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn trong năm 2022 và thị trường các nước sẽ mở cửa mạnh trở lại ở tất cả các phân khúc. Do đó, bên cạnh lượng tôm dự trữ, công ty còn tiến hành thả nuôi tôm sớm để có đủ lượng tôm phục vụ chế biến, xuất khẩu trong những tháng đầu năm”.

Giá tôm giữ được mức cao bên cạnh sự thuận lợi về thị trường còn phải kể đến hiệu quả của công tác chỉ đạo sản xuất của Tổng cục Thủy sản và các địa phương. Dù giá tôm cuối năm cao và dự báo sẽ còn cao trong những tháng đầu năm, nhưng chỉ có những trang trại lớn, mô hình nuôi hiện đại và những vùng nuôi thuận lợi, người nuôi mới thả nuôi. Điều này giúp cho lượng tôm thu hoạch được phân bố đều ra các thời điểm trong năm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như thu mua, chế biến xuất khẩu. Một điểm thuận lợi nữa là hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đều có trình độ chế biến khá cao, đủ sức chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, xâm nhập được vào phân khúc thị trường cao cấp có giá bán cao tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… giúp nâng giá thu mua tôm nguyên liệu lên cao hơn so với một số nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới.

Người nuôi tôm đang rất phấn khởi khi giá tôm giữ ở mức cao trong thời gian dài, nhưng cũng có đôi chút lo lắng vì chưa biết đến thời điểm toàn vùng bước vào thu hoạch rộ (từ tháng 6 đến tháng 8), giá tôm có còn giữ được như hiện nay không. Chưa hết, tình hình dịch bệnh vi bào tử trùng cũng bắt đầu xuất hiện tại hầu hết các vùng nuôi tôm trong khu vực cũng khiến người nuôi tôm thêm lo. Giá tôm có giảm hay vẫn còn cao trong thời gian tới vẫn rất khó có thể khẳng định ngay trong lúc này, nhưng theo quy luật hàng năm, giá tôm ít nhiều đều biến động giảm khi vào thu hoạch rộ và chỉ tăng mạnh trở lại từ đầu quý IV. Hy vọng thị trường xuất khẩu của tôm Việt Nam vẫn sẽ tốt, giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ đủ để đảm bảo cho người nuôi mức lợi nhuận khá để có cái kết đẹp cho vụ tôm nước lợ năm 2022 này.

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng