Giải pháp quản lý tốt ao tôm trong giai đoạn mùa mưa và dịch bệnh Covid-19

Sóc Trăng hiện nay đang trong thời điểm chính vụ của vụ nuôi tôm nước lợ, đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi 39.139 ha tôm nước lợ (tôm thẻ chân trắng 29.427 ha), thiệt hại 2.032 ha chiếm tỷ lệ 5,2% diện tích thả nuôi. Diện tích tôm trên đồng còn khoảng 20.163 ha (tôm thẻ chân trắng 12.967 ha, tôm sú 7.196 ha).

 

Hiện tôm nuôi đang phải đối mặt 02 vấn đề đó là tình hình thời tiết cực đoan của các tháng sắp tới được dự đoán là nhiều mưa và thậm chí có dông, bão; đồng thời dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những tác động làm ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển, thu hoạch và bán tôm. Do đó để quản lý ao nuôi tôm tốt hơn vừa đảm bảo các yếu tố kỹ thuật vừa đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 người nuôi cần phải áp dụng các giải pháp sau:

 

Tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật:
Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tôm đang nuôi được về size lớn. Quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi như độ mặn (≥5‰), pH (7,5-8,5), oxy (≥5 mg/l), kiềm (≥80 mg/l), độ trong (20-30cm), khoáng chất (Ca, Mg, Kali) … luôn nằm trong ngưỡng tối ưu và ổn định cho tôm nuôi. Đặc biệt, trong thời điểm mưa dầm kéo dài, thời tiết lạnh, nhiệt độ trong nước <26oC nên cắt cử tôm ăn hoặc giảm 30-50% lượng thức ăn, đồng thời tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi … Đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước luôn ≥5 mg/l để đảm bảo tôm tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn tốt hơn. Thường xuyên bổ sung các loại khoáng chất để tôm hấp thu tốt thức ăn và tăng cường sức đề kháng. Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước và đáy ao đặc biệt là các dòng Bacillus spp, Rhodobacter spp.

Nên gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở nuôi, đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến. Sau những trận mưa lớn, nên đo đạc môi trường và xử lý điều chỉnh môi trường về mức tối ưu cho tôm. Xả bớt nước trên tầng mặt, tăng cường chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước, nhất là đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao.

 

Tăng cường liên kết tiêu thụ tôm nuôi:
Người nuôi nên thống kê diện tích, sản lượng tôm dự kiến thu hoạch và báo cáo về xã hoặc Phòng Nông nghiệp/Phòng Kinh tế để hỗ trợ liên kết tiêu thụ, thường xuyên nắm bắt thông tin và liên hệ với các đại lý thu mua, tổ đội thu mua tại địa phương để nắm tình hình về giá cả và chủ động trong sản xuất. Hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm trong giai đoạn hiện nay để bán được tôm sạch có giá cao hơn.

Dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến hết sức phức tạp, thiết nghĩ hơn bao giờ hết người nuôi cần phải quản lý thật chặt chẽ ao tôm để giảm được chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh, đưa tôm về size lớn, có dự kiến kế hoạch thu hoạch và mua bán chủ động để tránh thiệt hại về kinh tế đồng thời không quên tuân thủ 5K để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong trường hợp người nuôi tôm cần trao đổi thêm thông tin có thể liên hệ với bà Quách Thị Thanh Bình, số điện thoại: 0919446134 hoặc bà Phan Bạch Vân, số điện thoại: 0988179171.

Võ Quốc Hào

Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng

 

 

Tin mới nhất

T6,22/11/2024