‘Giải cứu’ giá tôm: Cần giải pháp căn cơ!

Chưa bao giờ đời sống, thu nhập của người nuôi tôm lại gặp khó khăn và bấp bênh như hiện nay. Giá tôm thay nhau giảm “không phanh” đã đẩy nhiều cánh đồng tôm vào cảnh “treo ao” chờ giá.

Giá tôm giảm đến chóng mặt

Nhìn lại hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) từ đầu năm đến nay cho thấy, sản lượng tuy có tăng so với cùng kỳ, nhưng lại không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể là trong 6 tháng đầu năm, sản lượng NTTS thu hoạch trên 134.856 tấn, nhưng chỉ đạt 34,7% so với kế hoạch. Trong đó, sản lượng tôm nuôi thực hiện 74.585 tấn, đạt 30,2% kế hoạch và đây thật sự đặt ra nhiều thách thức cho 6 tháng cuối năm trong việc góp phần đạt 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2023.

Sở dĩ sản lượng tôm tăng so với cùng kỳ, do các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đã và đang được nhân rộng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 tổ chức và hơn 830 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh 2 – 3 giai đoạn với diện tích trên 4.600ha. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 – 15 lần so với mô hình nuôi tôm truyền thống. Đặc biệt, trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, mô hình canh tác tôm – lúa không ngừng tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng. Đây là mô hình được nhiều tổ chức trong, ngoài nước đánh giá phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 – 30% so với độc canh cây lúa.

Phản ánh thực trạng này để thấy rằng, nếu giá tôm không bị rớt giá thì khả năng diện tích nuôi tôm năm nay sẽ được mở rộng và tạo ra một sản lượng lớn, thay vì chỉ đạt hơn 30% kế hoạch như hiện nay.

Có thể thấy từ đầu năm đến nay, giá tôm biến động bất thường và luôn theo chiều hướng giảm, nhất là đối với con tôm thẻ chân trắng đã tác động rất lớn đối với nghề nuôi tôm của tỉnh. Tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm từ 4 – 18%. So với quý 1/2023, giá tôm thẻ chân trắng trong quý 2/2023 tiếp tục giảm từ 18.000 – 49.000 đồng/kg và so với cùng kỳ năm trước giảm từ 11.000 – 36.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá tôm sú cũng giảm từ 35.000 – 55.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng/kg và loại 40 con/kg giảm 45.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tôm liên tiếp sụt giảm là do hiện tại đang vào mùa vụ nuôi tôm chính không chỉ ở Việt Nam mà còn tập trung ở các nước nuôi tôm khác như: Ecuador, Ấn Độ và Indonesia nên tạo ra một nguồn cung khổng lồ cho thị trường.

Bên cạnh đó, sau tác động của dịch bệnh COVID-19, cuộc chiến Nga và Ukraine đã làm cho các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái, lạm phát ở mức cao. Ảnh hưởng suy thoái kinh tế đã làm cho người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, kéo theo sức tiêu thụ hàng hóa giảm, dẫn đến cung vượt cầu. Vì vậy, xét theo quy luật thị trường thì giá tôm giảm là điều tất yếu.

Khi con tôm thay nhau giảm giá đã tạo ra tâm lý lo ngại và bất an cho người nuôi tôm, nên việc thả tôm nuôi mới có chiều hướng giảm trong những tháng cuối năm và tình trạng này nếu kéo dài thì khả năng kế hoạch NTTS năm nay với con tôm là mặt hàng chủ lực sẽ không hoàn thành kế hoạch đề ra và tác động không nhỏ đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Nông dân Nguyễn Văn Duy (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) than: “Với giá tôm như hiện nay nông dân thật sự “chóng mặt”, vì có trúng tôm thì cũng lỗ, do chi phí đầu tư cho nuôi tôm không ngừng tăng cao. Hiện tại tôi phải tạm “treo ao” để chờ giá chứ không dám thả nuôi vụ mới”.

Đâu là giải pháp?

Sản xuất – kinh doanh bị chi phối bởi quy luật cung – cầu của thị trường là tất yếu và không ai có thể đứng ngoài “cuộc chơi” này. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp hỗ trợ nhằm giúp người nuôi tôm giảm bớt các gánh nặng và có điều kiện duy trì sản xuất.

Một trong những giải pháp mang tính “giải cứu” ấy và cần cho cả trong tương lai để ngành tôm phát triển bền vững chính là bài toán giá thành sản xuất. Bởi qua thống kê của ngành quản lý và các tập đoàn xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thì giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam quá cao so với các nước khác. Chính bất cập này đã tạo ra áp lực cho con tôm Việt Nam không thể cạnh tranh về giá bán, thị trường tiêu thụ với các nước sản xuất tôm lớn và “ăn hết” lợi nhuận của nông dân. Đặc biệt, giá tôm nguyên liệu giảm nhưng thức ăn phục vụ con tôm chiếm gần 70% chi phí vật tư đầu tư vẫn không giảm. Cụ thể từ đầu năm đến nay, giá của thức ăn phục vụ tôm nuôi ít nhất đã trải qua 2 đợt tăng với mức cao nhất là 2.000 đồng/kg. Đó là chưa kể đến các loại thuốc thú y thủy sản cũng tăng giá và tạo nên những áp lực nặng nề cho người nuôi tôm. Chính thức ăn và giá vật tư thủy sản này đã tham gia “rút ruột” trực tiếp người nuôi tôm, nhất là các hộ nuôi tôm phải mua thức ăn, thuốc thú y thủy sản theo hình thức bán nợ từ các đại lý và phải đóng thêm những khoản lãi phát sinh. Vì vậy, sau một vụ tôm nuôi, lợi nhuận vất vả có được gần như phải trả cho chi phí đầu tư và tất cả đều được tính vào giá thành sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm cho giá thành sản xuất con tôm của Việt Nam cao hơn so với thế giới. Đơn cử giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của Ecuador đối với con tôm size 60 con/kg chỉ khoảng 2,3 – 2,4 USD/kg, hay con tôm của Ấn Độ cũng dừng ở mức từ 3,4 – 3,5 USD/kg, nhưng giá thành sản xuất của con tôm Việt Nam lại nằm ở mức 4,8 – 5 USD/kg. Do giá thành sản xuất thấp nên giá bán tôm nguyên liệu của các nước này cũng thấp hơn giá bán của con tôm Việt Nam từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Vì vậy, ngay từ khi nuôi tôm, bản thân con tôm Việt Nam đã mất đi lợi thế cạnh tranh mà nguyên nhân chính là chi phí đầu vào cho con tôm quá cao nhưng lại chưa có một chính sách đặc thù nào cho phát triển con tôm, nhất là chính sách về tín dụng.

Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm bán cho thương lái. Ảnh: L.D

Thế nhưng, muốn giảm giá thành sản xuất và tạo nên sức bật mới cho con tôm, giúp người nuôi tôm đảm bảo sản xuất có lợi nhuận thì việc đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Cùng với đó là có chiến lược trong phát triển ngành chế biến thức ăn, vật tư phục vụ cho NTTS, hướng đến tự chủ thay vì chiếm gần 90% lượng thức ăn nhập khẩu hiện nay phải lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Giải pháp này phải được coi là “giải pháp của giải pháp” khi phần lớn lợi nhuận của nông dân đều chạy sang túi các công ty nước ngoài. Đồng thời, không ngừng cải tiến quy trình nuôi, kiểm soát chặt chất lượng con giống, vật tư và nhất là quản lý tốt môi trường để hướng đến việc hình thành, xây dựng nên những mô hình nuôi tôm hiện đại, bền vững, giá thành sản xuất thấp và mang lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi tôm.

* Ông Nguyễn Hoàng Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh: Khuyến khích các công ty đồng hành, chia khó cùng người nuôi tôm:

Để giúp người nuôi tôm vượt qua những khó khăn do giá tôm nguyên liệu liên tiếp sụt giảm như hiện nay, Chi cục Thủy sản sẽ tích cực triển khai các giải pháp kế hoạch phát triển ngành tôm nước lợ năm 2023 tại Thông báo Kết luận 1626 của Bộ NN&PTNT. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân bổ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.

Song song đó, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, tôm – lúa, tôm – rừng, tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao… nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cỡ tôm thu hoạch size lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, từ đó tăng hiệu suất đầu tư. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất. Quản lý chặt chẽ trước hiện tượng đại lý thu mua tôm nguyên liệu tung tin thất thiệt về chất lượng (tôm nhiễm kháng sinh) nhằm ép giá người nuôi tôm phải bán tôm với giá thấp để mưu lợi bất chính.

Cùng với đó, tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cung cấp tín dụng qua liên kết chuỗi để triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm duy trì ổn định diện tích thả nuôi tôm sinh thái, tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh cải tiến kết hợp để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú. Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất. Hướng dẫn kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi thực hiện tốt việc cải tạo ao đầm nuôi đảm bảo thời gian ngắt vụ và mật độ thả nuôi hợp lý. Đặc biệt, khuyến khích các công ty thức ăn nuôi tôm, các công ty cung ứng vật tư đầu vào hãy đồng hành, chia khó cùng người nuôi tôm để giảm giá thành sản xuất trong nuôi tôm. Cụ thể, có một số công ty đã đăng ký tham gia và giảm giá thức ăn 500 – 1.000 đồng/kg hoặc có các chính sách khuyến mại để giúp nông dân giảm bớt khó khăn.

* Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS): Cần có ngay các giải pháp ngắn hạn và dài hạn:

Từ đầu quý 4/2022 đến nay, giá tôm nguyên liệu giảm sâu và chưa có dấu hiệu tăng giá trở lại. Đây có thể nói là lần giảm giá lâu và dài nhất trong những năm gần đây. Qua thống kê của chúng tôi, năm 2016 và năm 2017 tuy có những đợt tôm giảm giá nhưng không tác động sâu sắc đến ngành tôm như hiện nay. Thậm chí ngay cả năm 2021, tôm giảm giá do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng chu kỳ này chỉ kéo dài khoảng 3 – 4 tháng. Trong khi giá tôm giảm đến nay đã kéo dài hơn 9 tháng làm ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm. Nhiều hộ nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long đã “treo ao” ngừng nuôi và điều này có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn. Đó là làm hư hỏng hệ thống ao nuôi, máy móc thiết bị phụ trợ cho ao nuôi do tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời, thời tiết từ việc ngừng sản xuất. Đồng thời, kéo theo một hệ lụy khác cho nền kinh tế là tình trạng thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi.

Do đó, để người nuôi vượt qua những khủng hoảng như lần này, chúng ta cần có ngay các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn, các địa phương cần vận động người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi tôm, nhưng thả với mật độ thưa và tiến hành thu hoạch thành nhiều đợt để tranh thủ bán tôm vào thời điểm giá cao. Cũng như, góp phần giữ vững diện tích nuôi, chủ động tránh hư hỏng ao nuôi và trang thiết bị. Cần tổ chức thu hoạch nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu của thị trường và giảm bớt chi phí đầu tư thông qua các cỡ tôm từ trung bình về lớn, phương án có thể 50% thu ở cỡ vừa, 30 – 40% về cỡ trung và 10 – 20% nuôi lên cỡ lớn.

Về dài hạn, cạnh tranh về giá bán với Ấn Độ, Ecuador phải có chiến lược, tầm nhìn và lâu dài, do mô hình nuôi tôm của các nước này và Việt Nam là không tương đồng. Do vậy, cần tìm cách giảm giá thành sản xuất để đảm bảo người nuôi tôm sản xuất có lời và đầu tư vào khâu chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng mới là hướng đi hợp lý và đi dài.

Xây dựng các mối liên kết trực tiếp theo mô hình B2C (hình thức giao dịch giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng) giữa nhà máy sản xuất thức ăn, chế phẩm, con giống… và nhóm hộ nuôi tôm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, do đa phần người nuôi tôm hiện nay đều thiếu vốn, và để giảm bớt các rủi ro cho ngân hàng có thể đưa ra các gói tín dụng với chu kỳ ngắn hạn hoặc xoay vòng nhanh.

Đặc biệt, cần quan tâm đến chế biến sâu và đây cũng là xu thế chung của thế giới trong việc ưu tiên sử dụng các dòng sản phẩm sẵn sàng để nấu (ready to cook), sẵn sàng để ăn (ready to eat). Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư nghiên cứu chế biến các dòng sản phẩm này và đa dạng khẩu vị theo nhóm đối tượng khách hàng, theo các nhóm văn hóa, tôn giáo, vùng địa lý khác nhau. Khi giá trị gia tăng cao cũng kéo theo sự tăng giá cho thu mua con tôm nguyên liệu và giúp người nuôi tôm tăng thêm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu chế biến các sản phẩm phụ phẩm được thải ra từ con tôm như: đầu tôm, vỏ tôm, tôm vụn… để khai thác triệt để sản phẩm từ tôm, nâng cao giá trị của con tôm từ các doanh nghiệp sẵn sàng mua tôm với giá cao hơn cho người nuôi.

LƯ TRUNG – L.D (thực hiện)

Nguồn: Baobaclieu.vn

Tin mới nhất

CN,28/04/2024