Bình Định: Đẩy mạnh nuôi tôm công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nuôi trồng thủy sản nhằm góp phần tạo ra con giống và sản phẩm đạt chất lượng, có giá trị gia tăng cao và phương thức sản xuất thân thiện môi trường.

Bước đầu, mô hình nuôi tôm công nghệ cao góp phần tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, bảo vệ môi trường nuôi theo hướng ổn định, bền vững. Mặc dù hiện nay tại Bình Định việc ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều trong thực tế sản xuất nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên cũng đã mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao được triển khai tại Bình Định tập trung vào 2 lĩnh vực: sản xuất giống thủy sản và nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm.

Về sản xuất giống thủy sản: hiện nay tại Bình Định có 2 công ty (Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam – CN Bình Định 3 và Công ty cổ phần Việt Úc – Bình Định) chuyên sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước, công nghệ men vi sinh, công nghệ PCR chẩn đoán chính xác mầm bệnh trên tôm ở mức độ gen (DNA/RNA) và ứng dụng máy đếm Postlarvae (tôm giống) tự động dùng để kiểm tra và đánh giá nhanh về số lượng, kích cỡ (chiều dài), độ phân đàn,… trong sản xuất. Tổng sản lượng hàng năm khoảng 7 tỷ con giống chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ao nuôi tôm thương phẩm CNC của Công ty TNHH Việt Úc. Ảnh minh họa

Ngoài ra, trong những năm qua tại Bình Định cũng đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá nước ngọt. Đó là ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá rô phi toàn đực bằng hormon 17α methyltestosterone, đã sản xuất tại chỗ con giống có chất lượng, giá thành giảm, tỷ lệ cá đực giống được sản xuất đạt 95%. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 01 cơ sở sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực là Trạm thực nghiệm Nuôi trồng thủy sản – Cơ sở Mỹ Châu thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, với sản lượng cá rô phi đơn tính đực 21 ngày tuổi khoảng 9 triệu con/năm.

Về nuôi tôm thương phẩm: Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ đã giúp cho người nuôi chủ động trong việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh của thủy sản nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả về sản lượng và chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí đầu tư, đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh-bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao như: tự động hóa tất cả các hệ thống bơm điều khiển trong trại nuôi tôm thương phẩm; tự động hóa việc thu thập và giám sát dữ liệu nhiệt độ, độ mặn, độ pH của nguồn nước biển đầu vào làm cơ sở để phân tích dữ liệu nước biển đầu vào theo từng ngày, tháng, năm; tự động hóa mô hình điều khiển quạt oxi trong nước cho các ao nuôi; tự động hóa việc thu thập dữ liệu chất lượng nước nuôi như: nhiệt độ, độ mặn, độ pH, oxi hòa tan, kiềm,…. bằng các đầu dò cảm biến tự động trong quá trình sản xuất tôm. Dữ liệu chất lượng nước sẽ được lưu trữ, cảnh báo online các giải pháp kỹ thuật khi chất lượng nước không đạt theo yêu cầu.

Vì vậy, để ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, ngành nuôi trồng thủy sản Bình Định cũng đã có những giải pháp như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành, xác định phát triển NTTS ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; ứng dụng chuyển đổi số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu về nuôi trồng thủy sản nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong quá trình sản xuất./.

NTN @ntn

Tepbac.com