Tôm giống Ninh Thuận: Khẳng định thương hiệu nhờ được bảo hộ sở hữu trí tuệ

[Người nuôi tôm] – Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất giống thủy sản, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn giữ vị trí đứng đầu trong cả nước về sản xuất tôm giống chất lượng cao, cung cấp 40% nhu cầu con giống cho cả nước. Cũng vào ngày 29/8/2018, tại thành phố Phan Rang -Tháp Chàm, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm “Tôm giống Ninh Thuận”.

NÂNG TẦM THƯƠNG HIỆU

Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 299521 cho sản phẩm/dịch vụ tôm sú giống PL15 và tôm thẻ chân trắng giống PL12 được sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tại Quyết định số 32270/QĐ-SHTT ngày 15/5/2018 của Cục Sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” được bảo hộ với thời hạn là 10 năm. Chủ Giấy chứng nhận là Chi cục Thủy sản Ninh Thuận.

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không ngừng phát triển, được thị trường trong cả nước đánh giá cao về sản lượng, lẫn chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 498 cơ sở với 1.200 trại hoạt động sản xuất tôm giống với năng lực sản xuất hàng năm trên 30 tỷ con tôm giống (chủ yếu tôm sú và tôm thẻ chân trắng) cung cấp cho khoảng 35% nhu cầu nuôi của cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh , hiện nay trên địa bàn tỉnh
có 3 vùng sản xuất tôm giống tại xã An Hải (Ninh Phước), xã Tri Hải và Nhơn Hải (Ninh Hải) và xã Cà Ná (Thuận Nam). Từ những trại nuôi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, toàn tỉnh đã có 498 đơn vị,
cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất tôm giống với 1.200 trại sản xuất, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 24 tỷ con tôm giống.

Tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 sản xuất, cung cấp cho thị trường khoảng 36 tỷ con tôm giống, phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

Ông Dư Ngọc Tuân, Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho biết, đơn vị này hiện đang quản lý chất lượng tôm giống với 3 nội dung là: Điều kiện sản xuất kinh doanh của cơ sở (cơ sở vật chất hạ tầng, con người, bằng cấp, nhà xưởng …); kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ; kiểm tra chất lượng con tôm post.

KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Sau lễ công bố cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm “Tôm giống Ninh Thuận”, Chi Cục Thủy sản Ninh Thuận đã phối hợp với Hiệp hội giống thủy sản tổ chức triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc cấp tem, nhãn chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”, bảo vệ uy tín, chất lượng cho hình ảnh tôm giống Ninh Thuận.

Giấy chứng nhận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc sản xuất tôm giống của tỉnh Ninh Thuận. Đây là bằng chứng hết sức cụ thể để giới thiệu với người nuôi tôm cả nước và khẳng định được thương hiệu, uy tín tôm giống Ninh Thuận.

Không chỉ đầu tư mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như: nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn khép kín, công nghệ lắng lọc nước, xử lý bằng ozone, tia cực tím, ương nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh. Các doanh nghiệp trang bị phòng Lab, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại nhất như PCR, Realtime- PCR (phát hiện và định lượng trực tiếp), kiểm đếm tôm bằng máy tự động.

Để tiếp tục phát huy ngày càng tốt hơn tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ tôm giống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống mở rộng quy mô sản xuất, các trung tâm kiểm định chất lượng tôm giống đã thường xuyên theo dõi, hỗ trợ các đơn vị nuôi trồng trong việc kiểm soát chất lượng con giống, xử lý môi trường, đảm bảo an toàn cho các khu vực nuôi trồng thủy sản.

Ông Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, tại các khu vực sản xuất trọng điểm, lực lượng kiểm dịch viên được bố trí thành 3 điểm kiểm dịch thủy sản trực thuộc các Trạm huyện đặt tại các vị trí gần khu vực sản xuất để thuận tiện cho công tác giám sát và quản lý cơ sở. Mỗi điểm kiểm dịch này chia làm 2 nhóm: Một nhóm thường trực làm công tác xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Nhóm thứ hai gồm các kiểm dịch viên được phân công đến các địa bàn sản xuất, có nhiệm vụ theo dõi, giám sát hoạt động, quy trình sản xuất, duy trì các điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của cơ sở; nắm lịch sản xuất từng trại từ khi bắt tôm giống bố mẹ đến khi xuất giống; kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng của đàn thủy sản ngay tại hồ nuôi nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

B.C.T

Tin mới nhất

T5,21/11/2024