Giá tôm lao dốc, nông dân gặp khó

Giá tôm tại các tỉnh phía Nam đang ở mức thấp nhất so với nhiều năm gần đây, hiện trung bình đã giảm tới 30% so với cùng kỳ mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến người nuôi gặp rất nhiều khó khăn, không ít hộ đã tính đến việc ‘treo ao’.

Tình hình kinh doanh gặp khó khăn khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc thu mua.

Có thâm niêm 15 năm nuôi tôm, chứng kiến nhiều lần giá cả biến động nhưng chưa bao giờ ông Trần Bá Dũng (xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lại thấy tình hình giá tôm ảm đạm như lúc này. Ông Dũng chia sẻ, gia đình ông có 3ha, với 12 đầm nuôi, trung bình những năm trước, trừ hết chi phí cũng thu về từ 400-500 triệu đồng, cá biệt có năm lãi cả tỷ đồng. Kể từ năm 2023 đến nay giá tôm liên tục giảm sâu. Hiện tôm sú loại 30 con/kg đang ở mức 120 nghìn đồng, giảm 40 nghìn đồng so với năm ngoái và 70 nghìn đồng so với thời điểm tôm được giá. Ông Dũng ước tính, với giá bán trên, ông bù lỗ 8 nghìn đồng/kg, tính chung cả thuê nhân công, mùa thu hoạch năm nay, gia đình ông bù lỗ khoảng 600 triệu đồng. “Cả gia đình 4 người quần quật vào sản xuất, xem như không có đồng thu nhập nào. Tôi phải đi mượn tiền để đáo hạn vay ngân hàng. Hai năm nay làm ăn khó khăn, gia đình đang tính phương án ngưng nuôi hoặc giảm diện tích nuôi xuống còn một nửa” – ông Dũng lo lắng.

Do giá bán thấp nên hộ ông Vũ Văn Kiên (Phan Rí, Tuy Phong, Bình Thuận) phải ngưng thu hoạch, chờ giá ổn định mới bán nhưng việc này cũng không mấy khả thi, tiềm ẩn nhiều rủi do chi phí nuôi tăng lên, chất lượng tôm giảm, dẫn đến thương lái “kén” mua. Đặc biệt là thời gian chờ nếu tôm bị bệnh xem như thiệt hại nặng. Bên cạnh đó, hiện Nam bộ vào mùa mưa, khí hậu thất thường, mưa xong lại nắng ngay, làm cho hệ miễn dịch của tôm yếu đi nên đã xuất hiện nhiều ổ dịch.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Hải Biên (Trà Vinh) đánh giá, việc giá tôm thấp không chỉ tác động đến người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu ở thời điểm hiện tại mà ảnh hưởng đến mùa vụ tiếp theo. “Nông dân không còn vốn, cũng không dám đầu tư tái sản xuất, đến mùa tiếp các nhà máy có thể sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu để chế biến. Điều này có thể đoán được nhưng khó khắc phục vì người nuôi không thể mạo hiểm vì ngành tôm thường có vốn đầu tư lớn, trong khi rủi ro cũng rất cao” – ông Nghĩa nhận định.

Theo ông Nghĩa, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng ảm đạm là giá cước vận tải tăng cao do các biến động về xung đột vũ trang, nhất là tỉnh hình tại biển Đỏ; khách hàng đang thay đổi theo xu hướng bên bán chịu trách nhiệm vận chuyển và cước phí nên tình hình đã khó khăn lại thêm khó khăn.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe thừa nhận, ngành tôm cả nước đang gặp nhiều khó khăn, những thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đang giảm nhập khẩu khiến sản lượng xuất của Việt Nam cũng giảm. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay lượng nhập khẩu cũng giảm mạnh.

Đại diện VASEP cho rằng, các phương án phòng vệ thương mại của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ đang làm cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu toàn cầu bị ảnh hưởng nặng khiến hoạt động này bị chùng xuống, việc thu mua cũng giảm theo. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá mua trong nước bị giảm liên tục.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, giá tôm liên tục sụt giảm do đang vào vụ thu hoạch chính cả ở trong nước cũng như các quốc gia cung cấp tôm nguyên liệu chính như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador. Bên cạnh lượng tôm nuôi theo phương thức truyền thống, nuôi theo công nghệ cao cũng đang phát triển mạnh nên lượng cung ngày một nhiều, trong khi cầu không tăng, giá tôm có xu hướng giảm.

Quốc Định

Báo Đại Đoàn Kết

Tin mới nhất

T5,19/09/2024