Tăng cường các biện pháp chống nóng trong nuôi trồng thủy sản
Trước tình hình thời tiết nắng nóng những ngày qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống nắng nóng, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra, bảo đảm cho sản xuất nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định.

Nông dân xã Đông Minh (Tiền Hải) kiểm tra sự phát triển của tôm trong mùa nắng nóng.

Tại vùng nuôi cá lồng xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) khi bà con nông dân đang tập trung chống nóng cho các lồng nuôi cá trên sông Luộc như: hạ thấp độ cao lồng cá, làm lưới che chống nắng, vệ sinh lồng bè sạch sẽ…

Anh Nguyễn Văn Thăng, thôn Tân Mỹ cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua đã gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Để chủ động phòng, chống nóng cho 10 lồng cá, tôi thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, giữ thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát.

Không chỉ các hộ dân nuôi cá nước ngọt mà nhiều hộ dân các địa phương ven biển cũng đã triển khai các biện pháp chống nóng cho diện tích nuôi ngao, tôm, cua.

Ông Bùi Văn Sáng, thôn Ngải Châu, xã Đông Minh (Tiền Hải) cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài, tôi rất lo lắng cho 9ha nuôi ngao tại bãi triều. Để bảo đảm sản xuất với ngao đạt cỡ thu hoạch, tôi đã khẩn trương thu hoạch, tránh thiệt hại xảy ra khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đối với ngao chưa đạt kích cỡ thu hoạch thì chủ động san thưa không để mật độ nuôi quá dày.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Quyết, xã Thái Thượng (Thái Thụy) đã có giải pháp chống nóng cho 1ha nuôi tôm bằng cách chăng bạt, đầu tư thêm máy sục khí, nâng cao mực nước trong ao.

Ông Quyết chia sẻ: Hiện nay, diện tích nuôi tôm của gia đình còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch. Khi nắng nóng kéo dài, tôi đã triển khai các biện pháp để bảo vệ diện tích nuôi tôm. Con tôm rất mẫn cảm với nhiệt độ thay đổi đột ngột, do đó tôi tăng cường sục oxy, bổ sung các chất khoáng vào thức ăn, nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy các chất hữu cơ và hạn chế tảo phát triển.

Nông dân xã Thái Thượng (Thái Thụy) căng lưới chống nóng cho diện tích thủy sản.

Theo dự báo của ngành chuyên môn, tại khu vực miền Bắc từ cuối tháng 6 – 7 sẽ xảy ra các đợt cao điểm nắng nóng, có nơi trên 40 độ C. Nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước tăng lên, các chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao sẽ phân hủy mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ không chỉ tiêu hao nhiều oxy hòa tan trong nước mà còn thải ra các khí độc ở đáy ao, khuyếch tán vào nước gây ngộ độc cho động vật thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 15.665,11ha. Để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, ngành chuyên môn đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương chỉ đạo nông dân triển khai các biện pháp chống nóng trong nuôi trồng thủy sản như: đối với nuôi cá trong ao, các hộ nuôi thủy sản và các cơ sở sản xuất cá giống cần duy trì mức nước trong ao nuôi thường xuyên từ 1,5 – 2m để tăng khả năng ổn định nhiệt độ, pH ao nuôi, chủ động tích trữ nước vào các ao chứa, kênh mương tại các vùng sản xuất thủy sản. Nếu ao không đủ độ sâu, nguồn nước cấp khó khăn có thể thả bèo tây vào các khung lưới. Sử dụng máy sục oxy trong những ngày nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn có thể làm cá yếu, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây hại. Do đó, nên bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Đối với diện tích nuôi tôm, cá, cua nước lợ tăng cường bơm cấp nước cho đối tượng nuôi khi trời mát, vận hành hệ thống sục khí và sử dụng chế phẩm sinh học để bảo đảm môi trường ao nuôi. Đồng thời bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, nhằm tăng cường sức đề kháng cho thủy sản. Những bể nuôi với mật độ dày thì sẽ đánh bắt tỉa bán trước, nhằm giảm mật độ ao nuôi, giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Mặt khác, tăng cường theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để có biện pháp chủ động, ứng phó kịp thời…

Mạnh Thắng

Báo Thái Bình

Tin mới nhất

T7,12/10/2024