Xuất khẩu tôm sẽ ảm đạm dịp đầu năm

Bóng đen lạm phát đang làm lu mờ triển vọng ngành thủy sản nước ta trong năm 2023, đặc biệt với ngành hàng tôm.

Xuất khẩu có xu hướng giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính chung cả năm, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10,25% so với năm 2021. Trong đó, tôm chân trắng đạt 3,1 tỷ USD, tôm sú đạt gần 570 triệu USD, tôm hùm 278 triệu USD, còn lại là các loài tôm sông và tôm biển khác.


Năm 2023, xuất khẩu tôm sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn: ITN

Kết quả tích cực này có sự đóng góp của nhiều địa phương nuôi tôm. Đơn cử, Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm gần 40% và sản lượng chiếm khoảng 22% so với cả nước, lần thứ 3 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD/năm. Sóc Trăng cũng thông báo năm thứ hai liên tiếp vượt mốc xuất khẩu thủy sản 1 tỷ USD, chủ yếu là tôm nước lợ đạt 1,05 tỷ USD; tăng 6,49% so với 2021.

Diễn biến đáng chú ý là lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm đã vượt kim ngạch của cả năm 2021, đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sang tháng 12.2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ đạt 260 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường đồng loạt giảm, trong đó sang Mỹ và châu Âu (EU) giảm mạnh nhất xấp xỉ 50%, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 16%, sang Hàn Quốc chỉ còn tăng 2%. Duy nhất thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Lý giải sự sụt giảm này, bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, cho rằng, Mỹ đang có lượng tồn kho nhiều, khiến doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm đều chậm, các hãng bán lẻ đôi khi còn yêu cầu hoãn giao hàng; giá tôm lại không giảm. Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.

Với thị trường Trung Quốc, bà Thu nhận định, chính quyền nước này đã có những động thái nới lỏng chính sách “zero Covid”, ví dụ như hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu. Điều này giúp rút ngắn thời gian chờ thông quan và chi phí nhập khẩu cho các nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng dù các thị trường khác đồng loạt giảm.

Cạnh tranh gay gắt

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh nhận định, so với cá tra thì xuất khẩu tôm đầu năm 2023 sẽ ảm đạm hơn.

Nguyên nhân chủ quan là vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn. Vùng nuôi tôm hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; có đến 80 – 90% nguyên liệu phụ thuộc vào nông hộ. Tỷ lệ nuôi tôm thành công chỉ ở mức thấp (dưới 40%) khiến giá thành sản xuất luôn cao hơn các nước khác khoảng 1 – 2 USD/kg. Nguyên nhân khách quan là bóng đen lạm phát ở Mỹ và EU khiến đồng tiền mất giá, người dân thắt chặt chi tiêu khiến các sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Các nước cạnh tranh với ta là Ấn Độ, Ecuador cũng đang tích cực nuôi tôm và đầu tư cho chế biến sâu.

Với những thách thức luôn thường trực, ông Lĩnh cho hay nhiều doanh nghiệp thủy sản mong muốn cơ quan Nhà nước sớm có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp. Theo đó có thể áp dụng song song chính sách tài chính và tài khóa, tập trung vào giải pháp hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp, giảm hoặc hoãn nghĩa vụ thuế. Về dài hạn, để phát triển ngành tôm cần quy hoạch lại vùng nuôi, đầu tư vào con giống nhằm giảm chi phí sản xuất và cải thiện biên lợi nhuận.

Cùng quan điểm, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, tôm là ngành xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, mỗi năm đều thu về vài tỷ USD, do đó Nhà nước cần phải có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chủ lực; tạo điều điện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tăng hạn mức tín dụng.

Ông Hòe nhắc lại, năm 2023 ngành hàng tôm sẽ đối mặt với các thách thức lớn như tình hình nuôi không ổn định, nguồn nguyên liệu không bảo đảm; giá thành nuôi tôm cao và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ tôm của Ấn Độ và Ecuador. Vì vậy, nếu doanh nghiệp ngành tôm Việt không nâng cấp sản phẩm thì ngành này khó cạnh tranh được với các đối thủ. Bên cạnh đó, cần sớm ổn định vùng nuôi nguyên liệu, phát triển thêm các vùng nuôi tiềm năng, đặc biệt phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trong thời gian sớm. Cần có chính sách khuyến khích người nuôi tiếp tục nuôi nhằm chủ động nguồn nguyên liệu trong nước cho chế biến xuất khẩu. Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát, các doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động quảng bá hình ảnh thủy sản theo quy mô quốc gia, phát triển các thị trường nhỏ, những thị trường chưa được quan tâm trước đó.

Trúc Oanh

Daibieunhandan.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024