Xuất khẩu thủy sản khởi sắc, ngành tôm tiếp tục dẫn đầu

[Người Nuôi Tôm] – Tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, mặt hàng tôm tiếp tục dẫn đầu với giá trị xuất khẩu đạt  273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đây đánh dấu một khởi đầu đầy triển vọng cho năm mới.Đây là tín hiệu khả quan, đánh dấu một khởi đầu đầy triển vọng cho năm mới.

 

Nguồn: VASEP

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù đối mặt với nhiều thách thức, năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Top 5 thị trường chính gồm: Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Nhóm này chiếm tới 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Xu hướng thị trường xuất khẩu

Tôm tiếp tục là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 300 triệu USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Báo cáo từ Rabobank chỉ ra rằng ngành tôm toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái cân bằng, với việc các nước sản xuất giảm tốc độ tăng trưởng để điều chỉnh cung cầu. Điều này giúp giá tôm dần phục hồi, nhất là khi nhu cầu từ Mỹ và EU tăng trở lại.

Các chuyên gia cũng lưu ý, thị trường Trung Quốc – một trong những đối tác lớn của tôm Việt Nam, đang đối mặt với sự giảm sút trong nhu cầu tiêu thụ. Sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu, cùng với áp lực thu nhập gia tăng, đã dẫn đến sự sụt giảm tiêu dùng tôm trắng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Sự cạnh tranh từ các sản phẩm thủy sản giá rẻ hơn và sự ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.

Với thị trường Nhật Bản, thị trường nhập khẩu nhiều nhất tôm từ Việt Nam trong năm 2024, nhưng có thể sẽ bị tôm Indonesia soán ngôi đầu do Indonesia bị áp thuế cao ở Mỹ và sẽ tìm cách chuyển đổi qua Nhật Bản. Thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam XK vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam.

Dự báo về thị trường

Năm 2025, VASEP đánh giá, thị trường thủy sản toàn cầu dự báo sẽ có nhiều biến động, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sự giảm trong nhu cầu tại thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn đối với sản phẩm như tôm, cá tra và cá ngừ.

Đề xuất chiến lược phát triển

Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho XK tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiềm năng từ các thị trường ASEAN, cùng các chính sách thuế quan thuận lợi, vẫn mở ra cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam. Việc đầu tư vào sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường mới và phát triển bền vững sẽ là những yếu tố quan trọng giúp ngành tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Do đó, ngành tôm cần chuyển đổi tư duy, thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, cần ưu tiên bền vững và hiệu quả, tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm.

Phương Nhung

Tin mới nhất

T4,19/02/2025