Xuất khẩu thủy sản bội thu

Những ngày cuối năm 2022, mặc dù đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, song các doanh nghiệp thủy sản vẫn tràn đầy niềm vui vì lần đầu tiên XK thủy sản vượt mốc 10 tỷ USD, về đích sớm hơn một tháng.

Xuất khẩu về đích sớm

Chúc mừng kết quả đạt được của ngành Thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đây là kết quả của cả quá trình vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức với ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Từ khó khăn về chi phí vận tải logistics; chí phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, đến khó khăn về lao động, huy động vốn sản xuất… nhưng các doanh nghiệp đều nỗ lực vượt qua, gia tăng xuất khẩu, đưa nhiều mặt hàng thủy sản chiếm thị phần trên thể giới. “Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên tại Lễ mừng xuất khẩu thủy sản cán mốc 10 tỷ USD mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, năm nay là năm khá thành công của các doanh nghiệp ngành thủy sản, khi đạt được kết quả rất tốt trong đầu năm 2022. Đây sẽ nguồn động lực để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu của mình trong thời gian tới. Riêng với Công ty TNHH Hải Nam, bà Thu Sắc cho biết, công ty tập trung đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tạo ra giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính…

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong đó, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt kim ngạch xuất khẩu rất cao, như: Tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, tăng 30%; cá tra đã vượt 2 tỷ USD tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021 và có thể đạt mức 2,5 tỷ USD; sản phẩm cá ngừ lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD.

Cùng chung niềm vui này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, năm 2022 đi qua, để lại cho ngành thủy sản bao vui buồn lẫn lộn. Vui vì đầu năm với những con số tăng trưởng bất ngờ đầy phấn chấn, tự hào. Buồn vì cuối năm khi sản xuất, tiêu thụ giảm quá lớn, cũng có phần bất ngờ và đáng lo hơn là hệ quả chưa dừng lại. Tuy nhiên, các DN tự biết điều chỉnh sách lược hoạt động, sách lược kinh doanh cho mình làm sao linh hoạt vượt qua chông gai với chi phí thấp nhất. Trong đó, chú trọng lớn nhất là làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao; chú trọng nâng cao năng suất thông qua trang bị các công cụ hỗ trợ; đồng thời coi trọng sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường từng giai đoạn, đi liền là sản phẩm tập trung tương ứng cũng như chọn lọc lại các khách hàng phù hợp.

Kỳ vọng điểm sáng trong năm mới

Đưa ra hướng đi trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông Hồ Quốc Lực nhận định, trong bối cảnh hiện nay khi người tiêu dùng ngày càng thông minh và sự đòi hỏi ngày càng khắt khe, các DN cũng không thể đi theo lối mòn cũ. Bây giờ là cạnh tranh quốc tế, đầy cam go, không thể chậm chân hay chủ quan. “Doanh nhân chúng ta phải có đủ hành trang cho mình. Hành trang đó là biết coi trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bởi các giá trị cốt lõi hình thành từ văn hoá DN sẽ là nền tảng vững chắc nhất cho phát triển bền vững; song song đó chú trọng đạo đức kinh doanh. Đó là hồn cốt của văn hoá doanh nghiệp. Bây giờ các doanh nhân phải thuộc làu nội dung trắc nghiệm xã hội (CSR), tạo lập giá trị chung (CSV), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phải quan tâm xây dựng thương hiệu; phải coi trọng xây dựng chiến lược hoạt động”- ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.

Chỉ ra vướng mắc cần tháo gỡ cho nguồn nguyên liệu sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng, ngoài nguồn nguyên liệu nuôi trồng trong nước, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu còn phải nhập khẩu nguyên liệu, nếu được hỗ trợ nguồn vốn từ nhà nước doanh nghiệp sẽ giảm bớt khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có hệ thống nhà máy chế biến, nhà xưởng khá chuyên nghiệp. Hiện có hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc. USDA công nhận tương đương cho ngành xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu. “Hy vọng nếu được hỗ trợ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ đưa doanh số xuất khẩu về tương đương năm 2022”- bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định.

Đánh giá về những tác động hiện tại của ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe cho rằng, thực tế đối với doanh nghiệp thủy sản hiện khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023. Thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào. “Kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt nên sẽ không bị tác động nhiều bởi vấn đề bên ngoài như năm 2008. Ngoài ra, sức khoẻ của doanh nghiệp hiện nay không thể nói là mạnh nhưng chắc chắn sẽ vững hơn giai đoạn 2008. Trên cơ sở đó, chúng ta không nên quá bi quan mà doanh nghiệp phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới”- ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Đưa ra dự báo với ngành thủy sản trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, quý 1/2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, đến hết quý 4/2022 hệ thống ngân hàng thương mại sẽ ổn định, đến quý 1/2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tốt trở lại. Lãi suất cho vay hết quý 1/2023 sẽ hạ nhiệt, còn khoảng 10-14%, nguồn vốn vào sản xuất từ quý 1/2023 bắt đầu tốt và quý 2 sẽ tăng mạnh. Riêng ngành thủy sản là ngành vốn lưu động, nghĩa là luôn được ngân hàng ưu tiên cho vay, trong khi đó doanh thu ngành này vẫn tốt, nên dự báo năm tới, dòng vốn vào ngành thủy sản sẽ thuận lợi hơn những ngành khác.

Nguồn: Haiquanonline

Tin mới nhất

T6,22/11/2024