Trà Vinh khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm mật độ cao an toàn

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích nông dân vùng ven biển mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao an toàn thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải. Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN

Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục trưởng Chi Cục Thuỷ sản Trà Vinh cho biết, trong 4 năm gần đây, tỉnh đã có hơn 200 hộ nông dân và tổ chức doanh nghiệp đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 1.000 ha mặt nước.

Từ đầu mùa vụ nuôi tôm 2023 đến nay, diện tích nuôi tôm mật độ cao đã được nông dân thả nuôi gần 543 ha và dự kiến sẽ tăng mạnh trong 2 tháng tới khi thời tiết, môi trường nước ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, trong những năm qua, mô hình này đều đạt thành công và cho hiệu quả kinh tế rất cao. Năng suất bình quân đạt từ 50 – 55 tấn/ha/vụ, cao gấp khoảng10 lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh bình thường.

Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này, cần điều kiện là phải có diện tích ít nhất 1 ha và vốn đầu tư khoảng 3 tỉ đồng để xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng, trang thiết bị, máy móc phục vụ cho nuôi tôm.

Cụ thể, để xây dựng 1 ha nuôi tôm thẻ mật độ cao, người nuôi phải đầu tư xây dựng hệ thống ao gồm: ao nuôi, ao lắng nước đầu vào, ao chứa và xử lý nước thải, nhà lưới bao che các ao tôm, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống phao, ôxy đáy, máy cho thức ăn tự động, thuốc thủy sản, con giống sạch bệnh.

Với phương cách này đạt tối ưu tính an toàn, môi trường nước rất ít bị ô nhiễm, tôm lớn đồng đều và chất lượng tôm nuôi vượt trội so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất.

Ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cho biết, hiện nay, nông dân có đủ nguồn vốn và diện tích đất dễ dàng chọn phương pháp tôm mật độ cao an toàn.

Hiện tại, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường là mô hình đã được thực hiện hiệu quả tại xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang và xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải. Mô hình nuôi tôm này được bố trí gồm ao ương, ao lắng, ao xử lý nước thải và ao nuôi có diện tích 1.500m2/ao, mật độ thả tôm nuôi 200 con/m2.

Điểm ưu thế của mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ 4.0 là ao nuôi được che phủ lưới với độ che nắng 65% và có lắp đặt hệ thống xi-phong, quạt nước, sục ô-xy đáy, có hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động cùng hầm biogas để thu gom và xử lý chất thải giảm ô nhiễm môi trường nước. Nhờ có hệ thống này sẽ giám sát tự động các chỉ số về ô-xy hòa tan, nhiệt độ, độ pH, độ mặn nước trong ao nuôi,..

Về qui trình kỹ thuật nuôi tôm trải qua 2 giai đoạn, gồm: tháng nuôi đầu tiên tôm được ương nuôi hoàn toàn trong nhà kính để quản lý, chăm sóc tốt hơn so với ao nuôi nên tỉ lệ tôm sống trong giai đoạn ương đạt 100%. Giai đoạn 2 kể từ tháng thứ 2 trở đi, tôm được đưa ra ao nuôi, tỉ lệ tôm sống bình quân đạt trên 94%.

Sau khoảng 70 – 75 ngày nuôi, tôm nuôi đạt kích cỡ bình quân 55,5 con/kg, tương đương năng suất đạt trên 34 tấn/ha/vụ, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 1-1,5 tỉ đồng/ha/vụ.

Ông Nguyễn Văn Phùng cho biết thêm, việc ứng dụng các công nghệ số vào nuôi tôm giúp giám sát, cảnh báo các chỉ số bất lợi được kết nối wifi và phần mềm theo dõi điều khiển trên điện thoại thông minh với thời gian cập nhật dữ liệu 2 phút/lần.

Các dữ liệu này sẽ giúp người nuôi tôm giám sát từ xa, kịp thời xử lý nhanh chóng các yếu bất lợi. Đây là qui trình kỹ thuật quan trọng, an toàn, quyết định đến hiệu quả và giúp người nuôi tôm trong tỉnh sản xuất bền vững.

Phúc Sơn

Nguồn Dantocmiennui.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024