Tiền chất axit formic gây khó cho doanh nghiệp

[Tạp chí Người nuôi tôm] – Thời gian qua, một số doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản chứa tiền chất axit formic đã gặp không ít khó khăn. Về phía cơ quan Hải quan cũng ở trong tình huống khó xử khi chính sách chưa rõ ràng.

Được biết, axit formic là một trong các giải pháp sử dụng các chất không kháng sinh (non-antibiotic) hiệu quả, như một sự thay thế cho việc sử dụng thuốc kháng sinh trong phòng bệnh để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và cải thiện hiệu suất tăng trưởng cho tôm nuôi. Bổ sung axit formic vào thức ăn có thể dẫn đến pH thấp ở tá tràng, cải thiện việc giữ lại nitơ và làm tăng độ tiêu hóa các chất dinh dưỡng.

Theo Tổng cục Hải quan, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu dùng trong thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có thành phần axit formic thuộc Danh mục tiền chất IVB ban hành kèm Nghị định 57/2022/ NĐ-CP quy định Danh mục chất ma túy và tiền chất. Tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP, cơ quan được phân công quản lý là Bộ Công thương.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP không áp dụng với thức ăn chăn nuôi (không phân biệt có hay không chứa tiền chất), do đó Bộ Công thương không đủ cơ sở pháp lý thực hiện thủ tục cấp phép nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi có chứa tiền chất.

Căn cứ Điều 19 Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy quy định: Bộ Công an cho phép cơ quan, tổ chức được tiến hành các hoạt động sau: nhập khẩu, xuất khẩu các chất ma túy, tiền chất tại các Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định (trừ các chất ma túy, tiền chất là nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt do Bộ Y tế cho phép và các tiền chất công nghiệp do Bộ Công thương quản lý và cho phép).

Danh mục tiền chất công nghiệp do Bộ Công thương quản lý và cho phép được quy định cụ thể tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP, trong đó “axit formic” thuộc tiền chất công nghiệp Nhóm 2.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 113/2017/ NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP, chỉ “Hỗn hợp chứa tiền chất công nghiệp nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng” sẽ được miễn trừ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu. Như vậy, hỗn hợp chứa tiền chất công nghiệp nhóm 2 có hàm lượng >=5% khối lượng thuộc đối tượng phải cấp giấy phép của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 113/2017/ NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP thì sản phẩm “thức ăn chăn nuôi” không thuộc đối tượng hóa chất được điều chỉnh của Nghị định này. Bộ Công thương cũng khẳng định các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP không áp dụng với thức ăn chăn nuôi (không phân biệt có hay không chứa tiền chất).

Như vậy, mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản có chứa tiền chất axit formic có thuộc đối tượng cần quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy hay không? Trong khi đó, theo quy định nếu thức ăn chăn nuôi có chứa tiền chất axit formic thuộc đối tượng quản lý theo Luật Phòng, chống ma túy sẽ do một trong ba Bộ: Công thương, NN&PTNT, Công an quản lý. Trường hợp không thuộc đối tượng quản lý của Bộ NN&PTNT (được phân công quản lý thuốc thú ý, nguyên liệu sản xuất thuốc thú y), không thuộc đối tượng quản lý của Bộ Công thương thì cơ quan nào quản lý và cấp phép nhập khẩu mặt hàng thức ăn chăn nuôi có chứa tiền chất axit formic theo Luật Phòng, chống ma túy?

P.V

Tin mới nhất

T5,21/11/2024