Thuế quan mới từ Hoa Kỳ: Tác động căn bản tới cục diện thương mại tôm toàn cầu

[Người Nuôi Tôm] – Mới đây, chính quyền Donald Trump đã ra sắc lệnh áp thuế từ 10 – 46% đối với các nước xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ.

Việt Nam, top 6 nhà cung cấp tôm lớn nhất Hoa Kỳ đang “gánh” mức thuế cao nhất nhóm, lên tới 46%

 

Thương mại tôm toàn cầu ‘dậy sóng’ vì thuế quan mới từ Hoa Kỳ

Vào ngày 3/4/2025, chính quyền Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã ban hành sắc lệnh áp đặt các mức thuế quan mới đối với các quốc gia cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường này. Động thái này, được Liên minh Tôm miền Nam Hoa Kỳ hoan nghênh với mục tiêu bảo vệ việc làm trong nước và đảm bảo an ninh lương thực, đã gây ra những phản ứng đáng chú ý trên thị trường tôm toàn cầu.

Ấn Độ, nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Hoa Kỳ với thị phần 42,3%, phải đối mặt với mức thuế suất 26%. Các nhà cung cấp lớn khác như Indonesia (15,4%) và Thái Lan (2,4%) cũng chịu mức thuế cao lần lượt là 32% và 36%, trong khi Việt Nam (7,2%) chịu mức thuế cao nhất là 46%.

Ngược lại, Ecuador (26,9%) và Argentina (2,1%) có mức thuế suất tương đối thấp hơn là 10%.

Quyết định này đã ngay lập tức tác động đến thị trường chứng khoán Ấn Độ, với cổ phiếu của các tập đoàn tôm lớn như Avanti Feeds và Apex Frozen Foods ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Các chuyên gia dự đoán rằng chính sách thuế quan mới này sẽ làm chậm quá trình nhập khẩu tôm vào Hoa Kỳ, có khả năng định hình lại cục diện thương mại tôm toàn cầu và buộc các quốc gia xuất khẩu phải tìm kiếm các thị trường thay thế hoặc điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh.

Quốc Gia AD CVD Đối ứng Tổng cộng
Việt Nam 25.76% 2.84% 46% 74.60%
Sri Lanka 0% 0% 44% 44.00%
Bangladesh 0% 0% 37% 37.00%
Thái Lan 0% 0% 36% 36.00%
Indonesia 3.90% 0% 32% 35.90%
Ấn Độ 2.49% 5.77% 26% 34.26%
Ecuador 0% 3.78% 10% 13.78%
Argentina 0% 0% 10% 10.00%
Honduras 0% 0% 10% 10.00%
Guatemala 0% 0% 10% 10.00%
Saudi Arabia 0% 0% 10% 10.00%
Mexico 0% 0% 10% 10.00%
Peru 0% 0% 10% 10.00%

Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế đối ứng tổng hợp áp dụng cho các quốc gia cung cấp tôm cho Hoa Kỳ (Nguồn dữ liệu: Shrimp Insights)

 

Cục diện thương mại tôm thay đổi

Theo phân tích của chuyên gia từ Shrimp Insights, Việt Nam và Indonesia dự kiến sẽ đối diện với những thách thức đáng kể trong bối cảnh thương mại tôm hiện tại. Các yếu tố như chi phí sản xuất lớn, áp lực từ thuế quan cao của Hoa Kỳ. Sự cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ trên các thị trường khác sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho tôm Việt Nam. Việc xây dựng và phát triển thị trường nội địa vững mạnh đòi hỏi thời gian, trong khi việc cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế cũng đặt ra những bài toán không nhỏ cho các nhà sản xuất của Việt Nam và Indonesia.

Các nhà cung cấp tôm quy mô nhỏ hơn tại châu Á, điển hình như Bangladesh và Sri Lanka, đang đối mặt với những tác động bất lợi nghiêm trọng hơn và nhiều khả năng sẽ gặp thách thức đáng kể trong việc duy trì quan hệ thương mại với thị trường Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Ecuador và một số nhà sản xuất quy mô nhỏ hơn như Argentina, Honduras, Mexico, Guatemala, Peru và Ả Rập Saudi sẽ có lợi thế cạnh tranh so với phần lớn các quốc gia châu Á. Họ có tiềm năng tận dụng tình hình thị trường hiện tại để gia tăng thị phần. Ecuador và các nhà sản xuất ở Mỹ Latinh khác có khả năng sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm đã bóc vỏ và giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu cao tại thị trường Hoa Kỳ. Đối với Ecuador, sự phát triển này diễn ra đúng lúc khi nhu cầu từ Trung Quốc đang trở nên không ổn định; việc củng cố vị thế tại Hoa Kỳ có thể giúp giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng này.

“Ấn Độ đang nắm giữ lợi thế cạnh tranh đáng kể trong khu vực châu Á so với các nhà cung cấp lớn khác như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Quốc gia này có thể tập trung vào việc chiếm lĩnh thị phần trong các phân khúc sản phẩm mà các nhà sản xuất từ Mỹ Latinh chưa sẵn sàng cung cấp. Trong khi đó, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ”, chuyên gia từ Shrimp Insights nhận định.

 

Sáu nhà cung cấp hàng đầu chiếm 96% tổng lượng tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ, với mức thuế quan tương ứng (Nguồn số liệu: Liên minh Tôm miền Nam Hoa Kỳ)

 

Theo thông tin từ New Delhi, mặc dù chứng kiến sự sụt giảm cổ phiếu sau một đêm, ngành tôm Ấn Độ, nổi tiếng với khả năng phục hồi, các nhà xuất khẩu Ấn Độ có khả năng sẽ tăng thị phần ở những phân khúc mà nguồn cung từ Mỹ Latinh chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ. Các nhà cung cấp Ấn Độ có thể sẽ củng cố mối quan hệ lâu dài với các nhà bán lẻ Hoa Kỳ và tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến sang Liên minh châu Âu (EU) cùng các thị trường tiềm năng khác. Họ cũng có thể đa dạng hóa sang các loài tôm khác và phát triển nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá để giảm rủi ro. Mặc dù việc xây dựng nhu cầu tiêu thụ nội địa vững chắc có thể mất thời gian, nhưng mạng lưới các bên liên quan trong ngành tôm Ấn Độ sẽ tập trung vào điều này.

Các chuyên gia Ấn Độ cho rằng, với thuế quan mới từ Hoa Kỳ, các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ có thể chuyển sang các thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Tây Á. Ông Nitin Awasthi từ InCred Equities, cho biết, mức thuế cao có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường tôm ở Hoa Kỳ, thậm chí gây thiếu hụt hàng hóa tại siêu thị. Tuy nhiên, khi các nhà bán lẻ hết hàng, giá tôm sẽ tự điều chỉnh. Ông cũng dự đoán sẽ có sự lo lắng và điều chỉnh ngắn hạn trên thị trường, nhưng về lâu dài, thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng.

Còn theo ông Gorjan Nikolik, chuyên gia tại Rabobank, cho biết tôm là mặt hàng hải sản được tiêu thụ nhiều nhất và có giá trị nhập khẩu lớn nhất tại Hoa Kỳ. Hai nhà xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ và Ecuador hiện có thặng dư thương mại nhỏ với Hoa Kỳ, giúp giảm nguy cơ bị áp thuế. Thêm vào đó, Ấn Độ là nhà cung cấp tôm số một cho Hoa Kỳ, cũng là đối tác địa chính trị quan trọng của Hoa Kỳ tại châu Á. Với nguồn cung tôm toàn cầu linh hoạt, nếu một số quốc gia như Việt Nam bị áp thuế, các nhà cung cấp khác có thể dễ dàng lấp đầy khoảng trống.

Mặc dù còn sớm để đưa ra những kết luận chắc chắn, nhưng rõ ràng chính sách thương mại mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gây ra những tác động đáng kể trong ngắn hạn, đồng thời có khả năng dẫn đến những hệ quả sâu sắc trong trung và dài hạn đối với dòng chảy thương mại tôm toàn cầu.

Phạm Huệ

Người nuôi tôm tại Hoa Kỳ có thể gia tăng sản lượng và thị phần nhờ vào khả năng cạnh tranh được cải thiện so với trước đây. Tuy nhiên, họ sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế một phần lớn tổng lượng tiêu thụ tôm do nhiều hạn chế trong sản xuất nằm ngoài khả năng cạnh tranh về giá cả.

Tin mới nhất

T7,05/04/2025