Thị trường đang rất cần tôm cỡ lớn

[Người Nuôi Tôm] – Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian vừa qua giá tôm giảm mạnh so với thời điểm trước giãn cách. Tôm cỡ nhỏ từ 60 con/kg trở xuống có giá bán thấp hơn từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, tôm cỡ lớn giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, mức giá tôm cỡ lớn được cho là ổn định hơn, và được các nhà máy chế biến sản xuất tập trung thu mua, bởi vậy nhu cầu trên thị trường đối với loại tôm này là rất lớn

Các doanh nghiệp chế biến hiện đang tập trung thu mua tôm kích cỡ lớn, với giá ổn định  – Ảnh minh họa: Hoàng Diệu

 

Thời điểm hiện tại, hoạt động thả nuôi của người dân đang có chiều hướng giảm, do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Điều này dự báo tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu những tháng cuối năm là rất cao, trong khi đó, nhu cầu của thế giới về sản phẩm tôm, nhất là tôm cỡ lớn đang tăng mạnh.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông lớn trong ngành chế biến thủy sản cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng, hiện tại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội, lượng nhân công phục vụ cho sản xuất ‘3 tại chỗ’ của công ty giảm mạnh, chỉ chiếm khoảng 25% nhân công, tuy nhiên vẫn duy trì được sản lượng đạt 50%.

Chia sẻ tại một Diễn đàn tôm Việt, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, nhà máy không sản xuất được hết công suất nên việc thu mua tôm cũng bị ảnh hưởng. Chính vì lý do này khiến giá tôm giảm sâu, bà con e dè trong việc xuống giống. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu những tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm tiêu thụ tôm mạnh của thị trường. Đối mặt với những thách thức trên, Minh Phú đã quyết định đầu tư tập trung vào tôm cỡ lớn, gia tăng sản lượng sản xuất. Khi nhà máy thu mua tôm ổn định, hi vọng bà con sẽ yên tâm xuống giống phục vụ cho thị trường tôm cuối năm.

“Thời điểm hiện tại, giá tôm size lớn đang rất ổn định, nhu cầu cao, các đơn hàng tôm kích cỡ lớn đổ về nhiều. Khách hàng muốn ký hợp đồng rất nhiều nhưng doanh nghiệp không dám ký, chỉ dám ký khoảng 50-70% công suất nhà máy. Doanh nghiệp không lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến được. Nhu cầu thị trường đang tăng, đặc biệt thị trường Mỹ có nhu cầu tôm cỡ lớn rất mạnh. Để tăng công suất nhà máy ở thời điểm hiện tại, khi nguồn nhân công bị hạn chế, Minh Phú đã chọn biện pháp tăng cường tập trung thu mua tôm cỡ lớn (từ 10-40 con/kg)”, ông Quang chia sẻ thêm.

Ông Quang cũng khuyến cáo, bà con cần nuôi để thu hoạch chậm nhất trong tháng 11, kịp chế biến bán cho thị trường châu Âu cuối năm. Thời gian chế biến 3kg tôm lớn bằng 1kg tôm nhỏ, bà con nên tập trung nuôi về size lớn trong thời điểm này. Bên cạnh đó, đại diện Minh Phú cũng đưa ra lời khuyên cho bà con nông dân nên tiếp tục thả nuôi tôm vụ mới, nhưng duy trì ở mật độ thưa hơn để đảm bảo năng suất. Đối với nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao, nên giảm mật độ nuôi từ 250 -300 con/m2 về 100-150 con/m2, và nuôi về size từ 10-30 con/kg sẽ cho giá bán rất tốt.

Một số công ty lớn như C.P cũng khuyến khích người nuôi nuôi mật độ thưa, duy trì tôm về kích cỡ lớn. Nhằm khuyến khích khách hàng của mình đạt được mục tiêu, CP đã đưa ra những chính sách khuyến mại cũng như phần thưởng dành cho những trang trại nuôi đạt kích cỡ từ 15 con/kg trở về lớn.

Thời điểm hiện tại, Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đối với toàn ngành tôm. Đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các khâu như nuôi trồng, chế biến, sản xuất… Các chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra đánh giá, nếu chúng ta không nhanh chóng có những giải pháp mạnh tay, thức thời thì đến giai đoạn những tháng cuối năm, việc thiếu tôm nguyên liệu là điều chắc chắn.

Phạm Huệ

 

 

Tin mới nhất

T6,22/11/2024