Thái Đô (Thái Bình): Phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản

Cùng với thực hiện ngăn chặn dịch bệnh đốm trắng đang phát sinh trên tôm nuôi, hiện nay, xã Thái Đô (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) còn tích cực tuyên truyền, đôn đốc các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng, nhất là tại các diện tích nuôi ngao ngoài bãi triều.

Hộ nuôi trồng thủy sản xã Thái Đô rắc vôi bột xử lý ao nuôi tôm bị bệnh đốm trắng.

Trên địa bàn xã Thái Đô, từ cuối tháng 4 đến nay đã xuất hiện tình trạng tôm chết trên diện tích hơn 20ha/50 ao của 78 hộ nuôi. Ngay sau khi phát hiện tôm chết xảy ra, HTX SXKD DVNN xã đã báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân tôm chết là do mắc bệnh vi rút đốm trắng. Các hộ có tôm bị chết ở khu NTTS tập trung giáp đê biển, trong đó gồm cả những hộ nuôi quảng canh, bán thâm canh và công nghiệp.

Gia đình ông Giang Văn Doãn, thôn Đông Hải là một trong những hộ NTTS có tôm chết do mắc bệnh vi rút đốm trắng với số lượng tôm chết 80 vạn con trên diện tích ao nuôi hơn 2.000m2. Theo ông Doãn: Sau một thời gian thả giống được gần 2 tháng thì tôm nuôi của nhà tôi có biểu hiện yếu dần và chết vào đầu tháng 5, một tuần sau thì tôm bắt đầu chết hàng loạt. Thời điểm tôm chết đạt kích cỡ được 70 con/kg, nuôi một thời gian nữa có thể xuất bán nên khi tôm chết hàng loạt đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Tôi đã thông báo với xã về tình trạng tôm nuôi bị chết và tiến hành thu gom, tiêu hủy xác tôm để tránh dịch bệnh lây lan. Hiện nay, tôi đã xử lý ao nuôi bằng hóa chất, vôi bột để thực hiện nuôi thả trong thời gian tới.

Vụ xuân hè năm nay, xã Thái Đô có 522ha diện tích NTTS nước lợ với số lượng nuôi thả đạt gần 60 triệu con giống, trong đó hơn 400ha nuôi tôm sú và thẻ chân trắng, còn lại là nuôi các loại cá vược, cá song và các đối tượng thủy sản khác. Những ngày qua, thời tiết đang bước vào đầu mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch kèm theo các trận mưa rào đầu mùa làm môi trường ao nuôi biến đổi bất lợi khiến thủy sản giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, nhất là vi rút đốm trắng trên tôm nuôi.

Để ngăn chặn kịp thời không để vi rút đốm trắng bùng phát trên địa bàn, HTX SXKD DVNN xã đã tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, tại các ao nuôi có tôm chết yêu cầu chủ hộ nuôi phải thực hiện ngay việc thu gom và tiêu hủy tôm chết, không vứt xác bừa bãi, không xả nước tại ao nuôi ra môi trường bên ngoài làm ảnh hưởng đến các hộ nuôi xung quanh; xử lý triệt để mầm bệnh bằng hóa chất Chlorine nồng độ 30ppm, giữ nguyên mực nước trong ao từ 7 – 10 ngày mới xả ra ngoài. Đối với những ao nuôi chưa có hiện tượng tôm chết, trong thời gian này hạn chế lấy nước vào ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý, giữ ổn định môi trường nước trong ao nuôi; vào những ngày trời mưa nên dùng vôi bột rải xung quanh bờ ao trước khi mưa để ngăn nước mưa mang lượng phèn chua và các chất bẩn vào ao nuôi…

Ông Ngô Nam Khánh, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Mặc dù HTX đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và người dân chủ động các biện pháp ngăn chặn dịch, tuy nhiên hiện tượng tôm chết vẫn đang xuất hiện rải rác ở các hộ nuôi tôm trên địa bàn. Do đó, HTX đề nghị cấp trên hỗ trợ hóa chất để cấp cho các hộ có tôm chết xử lý nguồn nước tại ao nuôi của gia đình và các khu vực xung quanh.

Hiện nay đang bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao, tại các ao nuôi thủy sản, khu vực bãi nuôi ngao phơi nắng nhiều giờ trong ngày dễ làm cho thủy sản bị chết. Do đó, cùng với tăng cường phòng, chống bệnh đốm trắng, xã Thái Đô tích cực tuyên truyền, đôn đốc người NTTS thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng, nhất là tại các diện tích nuôi ngao ngoài bãi triều. Trong đó, xã tăng cường đôn đốc, hướng dẫn hộ nuôi trồng chủ động thực hiện các biện pháp để phòng bệnh cho thủy sản: Đối với diện tích nuôi ngao bãi triều cần tiến hành thu hoạch ngao đã đạt kích cỡ thương phẩm; hàng ngày kiểm tra, san lấp các vũng nước đọng trên mặt bãi tránh nhiệt độ tăng cao cục bộ gây chết ngao; san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây, vệ sinh vây, lưới tạo độ thông thoáng cho nước triều lên xuống cung cấp nguồn thức ăn cho ngao. Đối với diện tích nuôi tôm, cá nước lợ, để hạn chế nắng nóng, người nuôi sử dụng lưới đen che phủ 2/3 diện tích mặt ao; những ao nuôi nước ngọt có thể thả bèo tây chiếm 1/3 diện tích mặt ao làm chỗ trú nắng cho cá.

Trần Tuấn

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Tin mới nhất

T5,21/11/2024