Quảng Nam: Thấp thỏm đầu tư nuôi tôm trên cát

Hầu hết diện tích nuôi thủy sản trên cát ở Quảng Nam chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, nên người dân không yên tâm khi đầu tư lớn cho sản xuất.

Phó Bí thư Thường trực TỈnh ủy Lê Văn Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Tỉnh ủy tham quan mô hình nuôi thủy sản của hộ ông Nguyễn Xuân Tuấn. Ảnh: Q.VIỆT

Thấp thỏm

Ông Nguyễn Xuân Cần (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) đang đầu tư 30 ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát với nguồn vốn 30 tỷ đồng. Nuôi tôm công nghệ cao, ngoài hệ thống điện, ông Cần đầu tư thêm 2 máy phát điện để sử dụng khi cần thiết; bố trí hệ thống xi phông, ao chứa lắng, xử lý nước, xử lý chất thải rắn…

“Tôi nuôi tôm công nghệ cao tuần hoàn nước nên phải đầu tư lớn. Cái khó lớn nhất là không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản (QSDĐNTTS). Nuôi tôm tạm thời nên không yên tâm, lỡ Nhà nước thu hồi đất khi đang đầu tư lớn thì làm sao thu hồi được vốn” – ông Cần nói.

Cũng ở thôn An Trân, hộ ông Nguyễn Xuân Tuấn đang đầu tư 3 ao nuôi ốc hương và 1 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với nguồn vốn 5 tỷ đồng.

Ông Tuấn cho rằng, nhiều năm trước nuôi tôm thua lỗ, may mà nuôi ốc hương thành công vài năm nay nên có thể trả nợ. Mong ước của ông Tuấn là được nuôi thủy sản lâu dài để có sinh kế ổn định.

“Tôi nhiều lần đến các cơ quan nhà nước để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS nhưng chưa được. Mong các cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc này giúp tôi yên ổn đầu tư” – ông Tuấn nói.

Thời gian qua, UBND các huyện Thăng Bình, Núi Thành đã tổ chức nhiều hoạt động kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các trường hợp nuôi thủy sản lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, không phù hợp quy hoạch vùng nuôi của UBND tỉnh; tổ chức cưỡng chế một số trường hợp nuôi tôm ven biển trái phép. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cố tình không chấp hành chủ trương của UBND tỉnh, UBND huyện và có hành vi tiếp tục nuôi thủy sản trái phép ven biển.

Theo ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, tổng số hộ dân đang nuôi thủy sản ven biển (nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi các loại cá và nuôi ốc hương) là 151 hộ (xã Bình Hải 64 hộ, xã Bình Nam 87 hộ).

Tổng diện tích đất sử dụng nuôi thủy sản ven biển là 265 ao nuôi với tổng diện tích 34,1ha (xã Bình Hải 178 ao nuôi với diện tích 21,9ha, xã Bình Nam 87 ao nuôi với diện tích 12,2ha).

Đến nay chưa có trường hợp nào được cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS. Trong khi đó, hộ ông Nguyễn Tri Phương (thôn Phương Tân, xã Bình Nam) và hộ ông Trần Tấn Hòa (thôn Phước An, xã Bình Hải) đã hết hạn thuê đất, huyện chưa cho thuê lại vẫn đang tiếp tục nuôi tôm.

Ở xã Tam Tiến (Núi Thành), ông Nguyễn Xuân Uy – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, các hộ dân trên địa bàn nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tạm thời, chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS chủ yếu do vướng quy hoạch. Khi nào Nhà nước, các tổ chức, cá nhân triển khai dự án thì thu hồi đất, người dân buộc phải dừng nuôi tôm.

“Chính quyền địa phương căn cứ vào các quy định của Nhà nước để thỏa thuận cho người dân nuôi tôm tạm thời làm sinh kế” – ông Uy nói.

Gỡ vướng

Quan điểm của UBND tỉnh về nuôi thủy sản ở vùng ven biển là giúp người dân yên tâm, đầu tư nâng cấp công trình ao nuôi nhằm sản xuất hiệu quả, bền vững. Tại Quyết định 2273 ngày 16/7/2019, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT hướng dẫn các địa phương kiểm tra, đo đạc cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS cho nhân dân theo quy định của Luật Đất đai đối với những vùng nuôi theo phê duyệt nuôi trồng thủy sản vùng Đông đến năm 2030.

Hầu hết diện tích nuôi thủy sản trên cát ở Quảng Nam chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS. Ảnh: Q.VIỆT

Theo phê duyệt này, diện tích nuôi thủy sản vùng cát ven biển huyện Thăng Bình là 70,5ha; diện tích điều chỉnh giảm, không đưa vào nuôi thủy sản đến năm 2030 là 65ha (gồm 17ha tại xã Bình Nam và 48ha tại xã Bình Hải).

Ông Võ Văn Hùng cho biết, qua sao lục hồ sơ, hiện nay không có bản đồ để xác định khu vực nuôi thủy sản đến năm 2030 và khu vực không đưa vào nuôi thủy sản đến năm 2030 của huyện Thăng Bình theo phê duyệt nói trên của UBND tỉnh.

Ngoài ra, xã Bình Hải có 100% diện tích đất tự nhiên thuộc quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai nhưng hiện nay chưa có quy hoạch phân khu được duyệt nên khó khăn trong xác định ranh giới khu chức năng để giải quyết thủ tục cho nhân dân.

Ông Hùng đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tháo gỡ các vướng mắc để đo đạc cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS cho nhân dân nuôi tôm lâu dài.

Hiện nay có nhiều khó khăn trong cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS ở các địa phương ven biển là người dân nuôi thủy sản trong phạm vi chiều rộng tối thiểu của hành lang bảo vệ bờ biển là 100m và xả thải nước nuôi tôm ra biển.

Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Sở TN-MT cho rằng, các địa phương ven biển cần căn cứ vào các quy định hiện nay của pháp luật để xử phạt các trường hợp nuôi thủy sản sai phạm.

Để cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS, các địa phương phải rà soát, căn cứ vào các quy hoạch của tỉnh, huyện, nếu phù hợp thì tiến hành thủ tục, hồ sơ theo quy định để đo đạc cấp giấy chứng nhận QSDĐNTTS cho người dân.

Việt Nguyễn

Báo Quảng Nam

Tin mới nhất

CN,24/11/2024