Phát triển mạnh các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh

So với các địa phương khác, TP. Bạc Liêu giàu tiềm năng, thế mạnh cho phát triển các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh (STC, TC, BTC). TP. Bạc Liêu hiện đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển các mô hình này gắn với hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu.

Mô hình nuôi tôm thâm canh của nông dân xã Vĩnh Trạch Đông.

Giữ vững diện tích

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình nuôi tôm STC, TC, BTC có nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhau. Về thuận lợi là ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất và ban hành nhiều giải pháp gỡ khó cho người nuôi tôm.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong phát triển các mô hình nuôi tôm hiện nay chính là giá tôm giảm mạnh so với cùng kỳ. Cùng với đó, một số công trình thủy lợi do Ban quản lý dự án các công trình thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư thi công chậm tiến độ, dẫn đến thiếu nước phục vụ nuôi tôm vùng ven biển gây bức xúc trong Nhân dân. Trước thực trạng trên, Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm ứng dụng khoa học – công nghệ tiết kiệm nước sử dụng trong nuôi tôm STC. Đặc biệt, các hộ nuôi tôm phải liên kết cùng nhau trong bảo vệ môi trường, khơi thông dòng chảy các con kênh thủy lợi nội đồng và sử dụng nguồn nước hợp lý theo hướng tiết kiệm tài nguyên nước và tuần hoàn nước.

Song song đó, UBND TP. Bạc Liêu đã chỉ đạo Phòng Kinh tế tiến hành sên vét một số tuyến kênh tạo nguồn nội đồng, cơ bản cấp nước kịp thời cho các hộ dân nuôi tôm vùng ven biển. Tiến hành cấp mã số xác nhận cho cơ sở nuôi các đối tượng chủ lực theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025 được hơn 4.310 hộ, với gần 844ha.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và ý thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nên diện tích sản xuất được giữ vững với hơn 3.840ha. Trong đó, áp dụng mô hình nuôi tôm TC, BTC chiếm hơn 3.000ha. Riêng mô hình nuôi tôm STC, đến nay TP. Bạc Liêu đã phát triển diện tích nuôi với 139 khu nuôi. Trong đó, có 9 công ty, 2 HTX và 130 hộ dân, với tổng diện tích 872ha, sản lượng đạt 166 tấn và cho năng suất bình quân đạt gần 15 tấn/ha.

Yếu kém về hạ tầng

Có thể nói, cùng với những thuận lợi thì mô hình nuôi tôm STC, TC, BTC cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là chi phí vật tư đầu vào khá cao, trong khi giá tôm luôn biến động tăng giảm bất thường, nhất là những tháng gần đây giá tôm tụt giảm mạnh gây tâm lý lo lắng và hoang mang cho người nuôi tôm, nhất là các hộ áp dụng theo mô hình nuôi tôm STC và TC. Do vậy, đã có một số hộ nuôi tôm chuyển sang mô hình nuôi thủy sản khác như: nuôi cá, lươn, ốc hương… Vì thế, khả năng chỉ tiêu sản lượng tôm nuôi năm nay có thể không đạt kế hoạch đã đề ra.

Thêm vào đó, tình trạng mua bán hóa chất xử lý môi trường, thuốc thú y, thủy sản kém chất lượng tại các cửa hàng kinh doanh hoặc bán qua mạng khá phổ biến, chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ và rất khó đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả và năng suất nuôi trồng, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi tôm. Đáng quan tâm nhất là hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển và phục vụ tốt cho sản xuất nuôi trồng thủy sản (NTTS). Cụ thể như, một số vùng nuôi tôm STC, BTC đến nay vẫn chưa có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt nên dễ gây ô nhiễm chéo và khó xử lý nguồn nước ô nhiễm khi có sự cố. Một số tuyến kênh, nhất là các tuyến kênh dọc theo kênh 30/4 và các tuyến kênh dọc theo tuyến ven biển thuộc địa bàn phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông (vùng nuôi tôm TC và STC ứng dụng công nghệ cao của thành phố) bị bồi lắng quá nhanh, trong khi nguồn kinh phí để sên vét kênh mương của tỉnh và thành phố thì có hạn.

Mặt khác, một số công trình thủy lợi do tỉnh làm chủ đầu tư tiến độ thi công chậm (cống Trường Sơn 1, các cống dọc theo đường Hoàng Sa) gây thiếu nước phục vụ nuôi tôm trong thời gian qua… Ngoài ra, TP. Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp chế biến và cần tăng cường đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy khi các khu, cụm công nghiệp sẽ được hình thành trong tương lai.

Để giải quyết những khó khăn hiện nay và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển sản xuất của năm 2023, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm thành lập HTX NTTS, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cùng mua, cùng bán để giảm chi phí đầu vào.

Khuyến khích các cơ sở sản xuất – kinh doanh, tổ hợp tác, HTX và hộ nuôi tôm theo mô hình STC, TC, BTC đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động NTTS; tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng. Tích cực quảng bá sản phẩm và tham gia thị trường tiềm năng.

Tiếp tục phối hợp với sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND phường, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ hợp tác, HTX, công ty và các hộ nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về hoạt động NTTS, nhất là Quyết định 104 của Sở NN&PTNT về Ban hành hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động NTTS gây ô nhiễm nguồn nước, làm suy giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ kiểm tra liên ngành về kiểm soát thị trường kinh doanh mua bán, gian lận thương mại, hàng giả và ngành nghề kinh doanh trên địa bàn TP. Bạc Liêu theo Quyết định 239 của UBND thành phố; góp phần hạn chế kinh doanh các loại thuốc thú y, thủy sản kém chất lượng, giúp người chăn nuôi yên tâm khi sử dụng. Để thực hiện tốt công tác này, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, sự quan tâm của chính quyền địa phương và đặc biệt là ý thức của người kinh doanh.

Phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan thực hiện Kế hoạch 26 về việc cấp mã số xác nhận cho cơ sở nuôi các đối tượng chủ lực theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi từ nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phí 2023 đáp ứng cung cấp đủ nguồn nước phục vụ NTTS nói chung và nuôi tôm nói riêng.

Đề nghị Ban quản lý dự án các công trình thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn thành phố: cống Trường Sơn 1, các cống qua đê biển Đông đường Hoàng Sa. Các công trình này hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ phục vụ tốt cho hoạt động NTTS trên địa bàn thành phố…

NGUYỄN ĐÀO

Nguồn tin: Baobaclieu.com.vn

Tin mới nhất

CN,28/04/2024