Phát huy lợi thế, đưa nuôi trồng thủy sản lên bước tiến mới

Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm.

Giảm cường lực khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản là hướng đi tất yếu để phát triển thủy sản bền vững. Nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.

Để thực hiện Chương trình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi có thế mạnh cũng như các hình thức nuôi: tôm, cá tra, nhuyễn thể…; nuôi hồ nước, nuôi biển…

Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm. Đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm.

Sở hữu 50.000 ha eo biển, bãi triều, đường bờ biển dài, Quảng Ninh có thế mạnh nuôi tôm, nuôi biển. Cùng với đó, Quảng Ninh còn có thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủy sản khá thuận lợi khi có các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, các cảng biển, cửa ngõ ASEAN.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, sản xuất tôm và nuôi biển của tỉnh tuy đã phát triển nhiều so với trước đây, nhưng chưa tương xứng so với tiềm năng, thế mạnh. Năng suất nuôi biển của

Quảng Ninh chưa được cao, đặc biệt là tính liên kết yếu, hạ tầng các vùng nuôi trồng thuỷ sản khi vẫn tồn tại tình trạng tự phát. Sản phẩm nuôi biển mới phát triển ở bước đầu.
Phát huy thế mạnh của mình, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi biển Quảng Ninh đạt trên 8.800ha (chiếm 33% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản), sản lượng nuôi biển chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (khoảng hơn 59.500 tấn).

Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp tăng trưởng sản xuất tôm và nuôi biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng cường hàm lượng khoa học, kỹ thuật trong mỗi mô hình; hiện đại hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý, sản xuất tập trung, quy mô lớn. Cùng với đó, hoạch định hướng sản xuất lớn, chuyển từ nuôi gần bờ ra xa bờ, quy hoạch vùng nuôi, mật độ nuôi hợp lý để các loại thủy sản phát triển tốt nhất.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường thẩm định, cấp các mã vùng nuôi, mã cho cơ sở chế biến an toàn, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nuôi trồng làm nền tảng để sản phẩm thủy sản có thể tiếp cận các thị trường có giá trị cao. Song song với đó là xử lý nghiêm các vi phạm trong quy hoạch thủy sản, chấm dứt nuôi trồng thủy sản tự phát.

Không chỉ Quảng Ninh, nhiều địa phương có thế mạnh về ven biển, diện tích mặt nước… đều hướng tới đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cần tiếp tục đầu tư để phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, các loài thủy sản có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái. Hướng chỉ đạo của ngành thủy sản là sẽ tận dụng các khu vực đất nông nghiệp hoang hóa, nhiễm mặn, các khu vực mặt nước lớn như: hồ chứa, hồ tự nhiên, sông, ven bờ, ven các đảo… để phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp.

Cùng với đó, phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao để chủ động cung cấp cho các vùng nuôi thương phẩm. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng phát triển sản xuất.

Chẳng hạn như với nghêu hiện là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu nhuyễn thể, đây cũng là sản phẩm luôn có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu.

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, trước đây, giống nhuyễn thể tại Việt Nam hầu hết được khai thác tự nhiên sau đó đưa vào vùng nuôi. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã có thể sản xuất giống nhuyễn thể nhân tạo và cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng của bà con.

Cùng với đó, vấn đề kỹ thuật nuôi nhuyễn thể cũng được ngành chức năng và người nuôi quan tâm với những mô hình nuôi mở có thể giúp kiểm soát môi trường.

Với mục tiêu đến năm 2030 diện tích mặt nước nuôi nhuyễn thể cả nước đạt 43.000 – 45.000ha, sản lượng đạt 500.000 – 520.000 tấn, ông Trần Công Khôi cho rằng, cần có quy hoạch không gian biển một cách rõ ràng và phải đảm bảo các hợp phần kinh tế trong quy hoạch không bị chồng lấn lên nhau, đồng thời kết hợp hài hòa lợi ích giữa các lĩnh vực.

Song song việc phát triển hệ thống, cơ sở vật chất nghiên cứu, sản xuất giống, cần áp dụng khoa học công nghệ trong quy trình nuôi để kiểm soát tốt vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm để sản phẩm đảm bảo xuất khẩu sang các thị trường.

Hiệu quả nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng nhờ áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến. Nhưng những mối nguy từ dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, và đặc biệt là yêu cầu chặt chẽ của thị trường nhập khẩu về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc… là những thách thức mà ngành thủy sản đang phải đối mặt.


Thu hoạch tôm công nghệ cao tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: TTXVN

Ông Trần Đình Luân cho biết, ngành đang tập trung nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi trồng và quy trình xử lý chất thải, nước thải. Tiến tới hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, áp dụng công nghệ thông tin để chuyển tải số liệu quan trắc, cảnh báo môi trường cho người nuôi ở các vùng nuôi trồng để chủ động, kịp thời xử lý các sự cố về môi trường và dịch bệnh nếu có.

Để xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn thực phẩm, theo ông Trần Đình Luân, vai trò của doanh nghiệp và khoa học công nghệ trong phát triển nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Doanh nghiệp là những đơn vị trực tiếp sản xuất cũng như định hướng tốt nhất về kỹ thuật và tiêu chuẩn sản xuất cho các thành viên liên kết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì xây dựng để trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó có chính sách hỗ trợ hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển.

Đây sẽ là một động lực lớn, là cú hích để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, góp phần thực hiện có kết quả Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 cũng như Chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Bích Hồng

TTXVN

Tin mới nhất

T5,21/11/2024