Ở Bến Tre nuôi tôm kiểu gì mà lời 700-800 triệu/ha/vụ?

Từ diện tích nuôi tôm công nghệ ban đầu 550ha năm 2018, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh Bến Tre đạt 2.567ha, năng suất tôm đạt bình quân 60-70 tấn/ha, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu đồng/vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân…

Bến Tre xác định tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản ưu tiên để phát triển. Ảnh: Tép Bạc

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao nên phương thức nuôi truyền thống dần được thu hẹp. Qua đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao được nâng lên qua các năm, cho thấy mục tiêu 4.000ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt được sớm hơn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre đề ra vào cuối năm 2025.

Nuôi tôm công nghệ cao-tăng hiệu quả kinh tế

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Ngành thủy sản của tỉnh trong những năm qua có bước phát triển khá tốt, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Năm 2022, diện tích nuôi thủy sản đạt trên 47.590ha, với sản lượng đạt hơn 310.015 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh xoay vòng đạt hơn 12.500ha, với sản lượng tôm nước lợ nuôi đạt trên 83.100 tấn.

Theo ông Cảnh, các tổ chức, cá nhân nuôi tôm nước lợ thâm canh đã từng bước áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình, hình thức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành… đã được hình thành và phát triển. Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành thủy sản.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển về loại hình nuôi tôm nước lợ là sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Từ diện tích nuôi tôm công nghệ cao ban đầu 550ha năm 2018, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh đạt 2.567ha, năng suất bình quân 60-70 tấn/ha, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu đồng/vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

“Ưu điểm của mô hình nuôi tôm công nghệ cao là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi”, ông Đảnh đánh giá.

Liên kết mở rộng vùng nuôi tôm công nghệ cao

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, để mở rộng diện tích vùng nuôi trong điều kiện tự nhiên, đất đai có giới hạn, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra của tỉnh, thì phải đầu tư khoa học – công nghệ nhằm nâng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm. Việc phát triển nuôi tôm phải theo kế hoạch, quy hoạch, quy mô phát triển phải tập trung thì mới đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng ổn định và bền vững.

Một mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bến Tre

Để làm được điều này, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: “Nuôi tôm muốn thành công phải có hệ thống cấp nước, thoát nước riêng. Nếu các hộ nuôi nhỏ lẻ thì không làm được điều đó vì chi phí đầu tư lớn, cho nên cần phải hợp tác liên kết đầu tư tạo vùng nuôi lớn thì mới có khả năng. Đây là mấu chốt thành công trong nuôi tôm. Mục tiêu là quy hoạch thành các vùng tôm lớn để đầu tư hệ thống cấp, thoát nước riêng, đầu tư hạ tầng chi phí thấp. Khi chi phí đầu tư thấp thì hiệu quả kinh tế mang lại mới cao”.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) Nguyễn Văn Dũng cho biết, địa phương rất tích cực trong việc mời gọi nhà đầu tư, triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tại các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận, Bình Thắng.

Trong đó, xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thạnh Phước với quy mô 100ha để nhân rộng ra toàn huyện. Xây dựng chuỗi liên kết nuôi tôm biển gắn với truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận theo yêu cầu của thị trường. Đây là những bước đi đầu tiên nhằm thúc đẩy và tạo sự bền vững cho con tôm trong những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo lộ trình từng năm, Bình Đại sẽ nỗ lực phát triển đạt 2.000ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào năm 2025; đẩy mạnh phát triển các hình thức sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, liên kết các doanh nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm…

Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, đối với phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, Chính phủ đã có chính sách tín dụng khuyến khích tại Nghị định số 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Tỉnh ủy Bến Tre xác định thủy sản là một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tôm sú, tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản ưu tiên để phát triển.

Gần đây nhất là Nghị quyết số 09-NQ/ĐH của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 đã chọn việc phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre đến năm 2025 là 1 trong 11 công trình trọng điểm để chào mừng đại hội.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ yêu cầu các ngành liên quan quan tâm công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, trong đó có quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao tập trung được tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện.

Nghiên cứu chọn lọc, cải tiến và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện vùng nuôi nhưng phải đảm bảo giữ tốt môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất giống tôm sạch bệnh, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản, đặt biệt là quan tâm đầu tư các vùng quy hoạch nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tập trung, làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và bà con có hướng sản xuất hiệu quả.

Phan Huy

Nguồn: Sggp.org.vn

Tin mới nhất

CN,28/04/2024