Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến: Vốn ít, lời nhiều

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là phương thức nuôi giúp tiết kiệm nhiều chi phí, từ khâu cải tạo ao nuôi, chọn thả giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch so với nuôi tôm theo hướng công nghiệp.

Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến mang lại thu nhập cao cho người nông dân

Cải tiến phương thức nuôi mang lại hiệu quả cao

Trong khi nhiều địa phương ven biển đang phát triển nhiều hơn các mô hình nuôi tôm theo hướng thâm canh thì tại vùng ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, trên 90% hộ nuôi tôm vẫn đang nuôi tôm theo hướng quảng canh cải tiến.

Ông Phạm Văn Diệm, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong nuôi trồng thủy sản để phát triển hơn 2ha tôm sú theo hướng quảng canh cải tiến. Theo đó, mỗi năm ông Diệm phơi đầm một lần vào khoảng tháng 10 âm lịch. Ngoài việc xử lý môi trường ao nuôi, hiện ông chỉ thả từ 15-20 con tôm/m2 mặt nước, thay vì thả dày tới 50 con tôm/m2 như trước. Thức ăn cho tôm chủ yếu là dắt và cá mồi thay vì sử dụng cám công nghiệp.

“Thức ăn chính của tôm phần lớn là cá mồi và dắt. So với cá mồi thì con dắt không gây ô nhiễm nguồn nước sau khi cho ăn. Nguồn dắt được cho ăn là dắt còn sống, nên nếu ăn thừa thì nó sẽ tiếp tục sống tiếp ở dưới đáy ao, không gây ô nhiễm”, ông Diệm chia sẻ.

Mặc dù số lượng thả không lớn, nhưng nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi. Mật độ thả nuôi tôm không quá dày, vì vậy tôm của gia đình ông Diệm phát triển khỏe mạnh, ít xảy ra dịch bệnh do môi trường không ô nhiễm. Hiện, giá tôm sú dao động từ 290.000 – 400.000 đồng/kg, tùy loại. Trừ chi phí nuôi, mỗi năm gia đình ông Diệm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. So với các hộ nuôi tôm công nghiệp, nguồn thu này chưa lớn, nhưng đối với những nông dân như ông Diệm, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, dựa vào biển để tạo ra sinh kế đã giúp hàng nghìn hộ dân vùng ven biển Kim Sơn thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hay như ở Cà Mau, một trong những tỉnh đi đầu trong nuôi tôm sú hiện nay cũng xác định mục tiêu phát triển nghề nuôi tôm sú quảng canh cải tiến gắn với bảo vệ môi trường. Hơn 2 năm qua, ông Lương Thế Tân, 66 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm trên phần đất gần 4 ha.

Theo ông Tân, mỗi năm đều tiến hành thuốc cá, xử lý vôi rồi tiến hành thả tôm. Trung bình mỗi lần ông thả từ 10.000 – 15.000 con sú giống đã qua dèo hầm đất từ 10 đến 15 ngày, định kỳ mỗi tháng ông rãi chế phẩm sinh học 2 lần. Tôm nuôi khoảng 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng từ 25 – 30 con/kg. Trung bình mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

“Trước đây nuôi tôm theo truyền thống hiệu quả thấp, tôm nuôi chậm phát triển, chưa có kinh nghiệm nên thả nuôi mật độ con giống rất cao. Nhờ được tập huấn kiến thức cơ bản của ngành chuyên môn, tôi áp dụng thực hiện thấy rất hiệu quả so với trước”, ông Lương Thế Tân chia sẻ.

Tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến

Nuôi tôm quảng canh cải tiến là hình thức nuôi dựa vào nền tảng nuôi tôm quảng canh, tuy nhiên có cải tiến là quản lý được lượng tôm giống thả nuôi, bổ sung thức ăn cho tôm nuôi, cải thiện được môi trường. Bổ sung thức ăn cho tôm bằng hình thức tạo thức ăn tự nhiên hoặc cung cấp thức ăn trực tiếp cho tôm. Ngoài ra, cần định kỳ bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh và áp dụng một số biện pháp kỹ thuật quản lý nhằm cải thiện môi trường nước. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để tôm nuôi có năng suất, sản lượng cao hơn.

Hiện nay, nguồn thức ăn tự nhiên trong ao tôm đã không còn dồi dào, phong phú như trước do đất đai bạc màu qua nhiều năm sản xuất. Bên cạnh đó, nước thải không qua xử lý từ các khu nuôi tôm công nghiệp, các nhà máy chế biến, khu dân cư thải ra môi trường làm cho nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm. Điều đó dẫn đến tôm kém phát triển do thiếu thức ăn tự nhiên, dễ bị nhiễm bệnh. Thức ăn tự nhiên trong ao nuôi có vai trò vô cùng quan trọng, bao gồm: thực vật phù du (tảo) cho tôm giai đoạn ấu trùng; động vật phù du là thức ăn trực tiếp cho tôm từ giai đoạn còn nhỏ; động vật đáy là thức ăn tự nhiên cho tôm trưởng thành. Trong ao nuôi tôm, mật độ tảo rất quan trọng. Tảo không được quá dày hoặc quá thưa bởi nếu tảo thưa thì nước ao sẽ trong, hệ thống tảo độc ở tầng đáy sẽ phát triển và ngược lại, khi tảo dày, nước sẫm màu sẽ dẫn tới thiếu oxy cho tôm nuôi vào ban đêm. Màu nước trong ao nuôi chủ yếu là do mật độ và loài tảo phát triển nhiều nhất quy định. Vì vậy, chúng ta phải tạo điều kiện cho các loài tảo có lợi phát triển tốt thông qua cách gây màu nước.

Có thể gây màu nước bằng nhiều cách như bón phân vô cơ, hữu cơ, vi sinh hữu cơ để tạo chuỗi thức ăn trong ao nuôi. Sau khi sên, vét kênh mương, kết hợp với phơi đáy ao từ 5-7 ngày có thể kết hợp cày, xới và lấy nước trở lại, tiến hành bón phân trước từ 1-2 tuần trước khi thả giống.

Sử dụng phân vô cơ: NPK kết hợp Ure từ 2-3kg/1.000m3 nước, tạt lúc 8-9h sáng, lặp lại từ 3-5 ngày. Đối với phân hữu cơ, có thể sử dụng phân trùn đỏ, trùn chỉ, phân gà hay bột cám gạo, đạm mía đường, rơm cuộn đã qua xử lý. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đối với lần đầu có thể sử dụng từ 50-70kg phân/ ha, sau đó giảm 50% cho lần bón thứ 2. Sử dụng men vi sinh định kỳ để tạo vi sinh vật có lợi lấn át các vi sinh vật có hại, phân hủy mùn bã hữu cơ, khí độc dưới nền đáy. Sau khi nước đã chuyển màu vàng nâu của tảo khuê, hoặc màu xanh nhạt của tảo lục thì kiểm tra thức ăn tự nhiên bằng cách múc nước trong ao nuôi ở tầng giữa bằng ly thủy tinh và dùng kính lúp để quan sát sự hiện diện của các vi sinh vật phù du, động vật đáy có chân vuông.

Đây là loại hình nuôi phù hợp với điều kiện của nhiều nông dân hiện nay do không đòi hỏi cao về kỹ thuật, vốn liếng, đồng thời cho hiệu quả kinh tế khá và bền vững. Phương thức nuôi tôm quảng canh cải tiến sử dụng chế phẩm sinh học đã được nhiều nông dân sử dụng vì mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, không làm suy thoái vùng nuôi, giúp người dân sản xuất liên tục lâu dài nhiều năm với hiệu quả ổn định; bên cạnh đó nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường cộng đồng.

Vũ Hải (Tổng hợp)

Tin mới nhất

T4,26/06/2024