Nuôi tôm: Sinh kế phải gắn với kinh tế

[Người Nuôi Tôm] – Tìm giải pháp cân bằng giữa sản lượng và lợi nhuận cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trước áp lực cạnh tranh đến từ các nước là một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay trong ngành tôm.

Dù thu hoạch có sản lượng nhưng lợi nhuận của người nuôi ở vụ tôm năm nay là không cao

 

Đây cũng là nội dung được quan tâm nhiều nhất tại “Hội nghị tham vấn giải pháp nuôi tôm hiệu quả và kết quả đánh giá sơ bộ triển khai Quyết định 79/QĐ-TTg giai đoạn 2018-2023”, do Cục Thuỷ sản phối hợp cùng Sở NN&PTNT Cà Mau và Tổ chức GIZ tổ chức tại tỉnh Cà Mau, ngày 31/10/2024.

 

Nuôi tôm vẫn là sinh kế chứ chưa thực sự là một khoản đầu tư kinh tế

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, kế hoạch sản lượng tôm nuôi và kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2024 của tỉnh có khả năng đạt được rất cao. Còn trên bình diện chung của cả nước, xuất khẩu tôm trong 10 tháng qua cũng đã đạt 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trong toàn chuỗi thì lại không đạt như kỳ vọng. Nhiều hộ nuôi, trang trại và doanh nghiệp thậm chí đã phải chịu thua lỗ do giá tôm giảm mạnh kéo dài và tình trạng dịch bệnh khiến tôm chậm lớn. Đây thật sự là thách thức, là khó khăn mà ngành tôm đang đối mặt và rất cần có giải pháp để hoá giải vấn đề này.

Nhìn nhận ngành tôm vẫn còn quá khó, ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, chỉ rõ, điểm yếu lớn nhất của ngành tôm chúng ta hiện nay chính là đa số lấy nghề nuôi tôm làm sinh kế chứ không phải đầu tư nuôi tôm để làm kinh tế. Mà đã là sinh kế thì kiểu gì họ cũng phải thả nuôi, bởi không nuôi thì cũng không biết làm gì để sống. “Ngành tôm là một trong những ngành lớn nhưng với tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay thì chỉ có nước chết! Do đó, tôi đề nghị, Cục Thuỷ sản phải là nhạc trưởng, lấy 4 tỉnh nuôi tôm trọng điểm là: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và Sóc Trăng làm trung tâm liên kết để hình thành nên một chuỗi liên kết hoàn chỉnh giữa tất cả các bên liên quan và giữa các tỉnh với nhau”, ông Thao đề xuất.

Phân tích thêm về cơ cấu giá thành và hiệu quả của các mô hình nuôi tôm, TS. Phan Thanh Lâm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến, phần chi phí lớn nhất chủ yếu là con giống và cải tạo ao. Tuy nhiên, do nguồn thức ăn tự nhiên không đủ cho suốt thời gian nuôi nên năng suất tôm nuôi đạt thấp, lợi nhuận không cao. Vì vậy, người nuôi cần sử dụng vi sinh để ổn định môi trường và tạo thức ăn tự nhiên mới có thể nâng cao được năng suất và lợi nhuận.

 

Nhận thức rõ tiềm lực cá nhân, hiểu biết ngành nghề trước khi quyết định đầu tư

Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản sạch Việt Nam, đã làm nghề nuôi tôm thì người nuôi cần hiểu thiên nhiên, đất đai, nguồn nước tại vùng nuôi của mình và đặc biệt là phải hiểu nguồn lực của mình đang ở đâu, bởi nếu không sẽ rất dễ thua lỗ trong điều kiện giá tôm như vừa qua. “Thời gian qua chúng ta du nhập một số mô hình nuôi của nước ngoài mà theo giới thiệu ban đầu là rất “ngon”, nhưng theo tôi thấy, chi phí đầu tư, vận hành đều cao nhưng lại không nuôi được với mật độ cao. Trong khi đó, những người nuôi tôm chuyên nghiệp của Việt Nam đã nghiên cứu đưa vào sản xuất một số mô hình của riêng mình rất hiệu quả, có khả năng cạnh tranh được với các nước nuôi tôm mới nổi”, ông Phục dẫn chứng.

Cũng theo ông Phục, giá tôm tới đây sẽ khó có khả năng quay về mức cao như trước, nên người nuôi cần có kiến thức, khoa học công nghệ để làm sao đưa giá thành tôm cỡ trung về mức 90.000 – 100.000 đồng/kg thì mới cạnh tranh được. Chúng ta không thể đòi hỏi giá tôm cao được vì giá tôm được hình thành theo cung – cầu thị trường. Ví dụ như năm nay, khủng hoảng kinh tế thế giới, xung đột giữa các quốc gia, dịch bệnh làm cho sức tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung thế giới lại tương đối cao nên giá tôm phải thấp không thể nào khác được. Hiện nay, giá tôm tăng cao một phần là do người nuôi giảm sản xuất trong khi nhu cầu chế biến xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao. Đây là quy luật tự nhiên của thị trường mà chúng ta cần chấp nhận. Người nuôi tôm cũng cần nắm vững quy luật này để biết được mùa nào chúng ta nên thả giống nhiều, mùa nào nên thả ít.

Trong khi đa phần người nuôi đều cho rằng, tỷ lệ tôm nuôi thành công thấp có nguyên nhân lớn nhất từ tôm giống nhiễm bệnh thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy có đầy đủ cơ sở khoa học để giải thích cho người nuôi tại sao mùa này, tháng này lại có nhiều EHP, EHP đến từ đâu… “Thực tế, tôi nuôi vụ thuận gần như không có EHP, cho đến tận tháng 4 – 5 mới bắt đầu xuất hiện thì tôm đã lớn rồi. Ngược lại, vụ nghịch EHP rất nhiều, theo thống kê thì trên 95% người nuôi bị nhiễm EHP. Vì vậy, ngành chức năng cần có giải pháp kiểm soát chất lượng con giống tốt hơn vì hiện nguồn giống ra khỏi trại đều có giấy kiểm dịch đạt nhưng khi về tới ao nuôi thì lại có bệnh. Nếu để tình trạng này kéo dài, người nuôi sẽ còn khổ dài dài, nhất là mô hình nuôi siêu thâm canh một khi con giống nhiễm bệnh thì thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Phục nêu thực trạng.

Giá tôm tới đây sẽ khó có khả năng quay về mức cao như trước

 

Cần tận dụng lợi thế để phát triển

Cùng trăn trở cho tính hiệu quả của ngành tôm trong những năm gần đây, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, cho rằng trên thế giới, ngoài xăng dầu thì chỉ có con tôm là hầu như tất cả các nước đều có sử dụng. Hay nói một cách khác, đây là sản phẩm lợi thế khi Việt Nam là một trong những nước có sản lượng tôm lớn trên thế giới. Ông Hoàng Anh trăn trở đặt câu hỏi: “Việt Nam là một trong những nước có lợi thế về sản xuất tôm. Thương hiệu đã có, sản phẩm thế giới luôn cần, sản lượng đứng trong top đầu thế giới… nhưng vì sao cứ lẹt đẹt ở con số xuất khẩu trên 3 – 4 tỷ USD mỗi năm”?

Cũng theo ông Hoàng Anh, mấy năm nay, ngành tôm không mấy sáng sủa dù về tổng thể vẫn có sự tăng trưởng. Đơn cử như vụ tôm năm nay, dù đến giờ phút này, sản lượng và giá trị xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận thì chưa song hành, thậm chí là có nhiều hộ nuôi thua lỗ đến mức ngưng nuôi, kéo theo thiếu tôm nguyên liệu như hiện nay.

Làm rõ thêm vì sao xuất khẩu tôm 10 tháng vẫn tăng 13% so với cùng kỳ, ông Phục phân tích: “Nguyên nhân là do vụ 1 nuôi rất dễ, tôm nuôi mau lớn và nuôi được về size to. Do đó, mặc dù giá xuất khẩu chưa cao, nhưng nhờ vào sản lượng dồi dào, đặc biệt là tôm cỡ lớn được tiêu thụ với giá cao hơn, kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 10 tháng qua vẫn có sự tăng trưởng. Đến mùa nghịch này, tình hình nuôi tôm rất khó nên dẫn đến thiếu tôm. Do đó, dưới góc độ là người nuôi, chúng tôi rất cần các giải pháp để nuôi tôm mùa nghịch, nếu thành công ở cả mùa nghịch thì nghề nuôi sẽ rất hiệu quả và chúng ta không ngại cạnh tranh với tôm thế giới”.

Theo TS. Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), đây là hội thảo mở nhằm tìm kiếm giải pháp nuôi tôm hiệu quả trong những tháng cuối năm cũng như chuẩn bị tốt hơn cho vụ nuôi năm 2025. Ngành tôm chúng ta đang khó, nên rất cần có sự chia sẻ của tất cả các bên liên quan để cùng nhau đưa ngành tôm đi xa hơn.

Cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng, để đi cùng nhau thì các bên liên quan đều phải thấy trong mỗi mắt xích của chuỗi con tôm luôn có hình ảnh của mình trong đó. Chỉ có như vậy, mỗi khi con tôm gặp khó tất cả mới có thể ngồi lại với nhau để cùng nhau tháo gỡ, cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng dắt tay nhau đưa ngành tôm một ngày một tiến xa hơn.

Hoàng Nhã

TS. Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)

Cần đẩy mạnh liên kết hợp tác, đưa công Nnghệ vào sản xuất

Ngành tôm hiện có nhiều mô hình, giải pháp và công nghệ tiên tiến, nhưng tất cả đều không thể phát huy hiệu quả nếu con giống không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, với quy mô nuôi nhỏ lẻ từ các hộ gia đình, chiếm tới 80% và chủ yếu ở các mô hình nuôi cấp thấp, việc giảm giá thành và chi phí sản xuất là một thách thức lớn, vì nuôi nhỏ lẻ thường phải chịu chi phí đầu vào cao. Chỉ thông qua hợp tác, chúng ta mới có thể áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó giảm chi phí, giá thành và nâng cao hiệu quả trên từng diện tích nhỏ lẻ của nông hộ.

P.V (Ghi)