Nuôi tôm công nghệ cao vẫn là con đường đầy thách thức

Tôm công nghệ cao được kỳ vọng giúp ngành thuỷ sản chủ lực này của Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng gia tăng sản lượng, giảm giá thành sản xuất. Tuy nhiên, con đường hướng đến mục tiêu này vẫn đầy những khó khăn cần phải vượt qua…

Tôm công nghệ cao vẫn đầy khó khăn. Ảnh: Trung Chánh

 

Tôm là một trong những ngành hàng có đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp khi mang về 3,38 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái. Tuy nhiên, để có được kết quả này, Việt Nam đã phải huy động hàng chục ngàn hộ nông dân tập trung sản xuất với quy mô trên dưới 750.000 héc ta nhằm tạo ra khoảng 1 triệu tấn nguyên liệu cho chế biến…

 

Tôm công nghệ cao vẫn ẩn chứa rủi ro

Để giúp ngành tôm Việt Nam “bứt phá” mạnh mẽ, phát triển nuôi tôm công nghệ cao được xem là hướng đi nhằm hiện thực hoá đa mục tiêu, bao gồm gia tăng sản lượng, tiết kiệm diện tích nuôi và kéo giảm giá thành sản xuất.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thuỷ sản Cafatex cho biết, diện tích sản xuất tôm của Việt Nam đạt trên dưới 750.000 héc ta mỗi năm, cung cấp trên dưới 1 triệu tấn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông Kịch, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đầu tư chưa nhiều vì thiếu vốn lẫn công nghệ. “Thậm chí, hạ tầng chưa đồng bộ, đường kết nối xuống vùng nuôi yếu khiến chi phí vận chuyển cao, chất lượng sản phẩm không tốt”, ông Kịch cho biết.

Chẳng hạn, tỉnh Bạc Liêu- địa phương được Chính phủ chọn xây dựng thành “thủ phủ” tôm công nghệ cao của cả nước. Dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho thấy, đến hết năm ngoái, địa phương có 5.590 héc ta diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, tăng 56 lần so với con số được ghi nhận vào năm 2015. Tuy nhiên, kết quả này vẫn rất khiêm tốn nếu so với tổng diện tích sản xuất thuỷ sản của địa phương là khoảng 145.000 héc ta với cơ cấu phần lớn là tôm.

Có một điểm đáng lưu ý hơn, đó là năng suất tôm của mô hình nuôi công nghệ cao đang có xu hướng giảm dần. Trong đó, nếu năm 2015, năng suất bình quân đạt 20,66 tấn/héc ta, thì đến năm 2022 chỉ còn 17,47 tấn/héc ta và năm ngoái là khoảng 16,28 tấn/hé ta. Điều này phần nào cho thấy, việc phát triển mô hình tôm công nghệ cao vẫn ẩn chứa không ít thách thức.

Liên quan chủ đề tôm công nghệ cao, tại hội thảo “nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả” được tổ chức gần đây, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú thừa nhận, sau một thời gian “theo đuổi” mô hình nuôi mật độ cao (nuôi siêu thâm canh công nghệ cao), đơn vị này đã từ bỏ vì không hiệu so với mô hình nuôi mật độ thấp.

Cụ thể, cách đây 18 năm, tức vào khoảng năm 2006, Minh Phú nuôi tôm sú với mật độ thưa 30 con/m2 cho kết quả tốt. Điều này cũng diễn ra tương tự khi nâng mật độ thả nuôi lên 50-70 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng, thậm chí vẫn có lãi khi nuôi với mật độ 100-120 con/m2.

Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh, khi Minh Phú chuyển sang nuôi siêu thâm canh công nghệ cao thì kết quả thua lỗ và quyết định quay trở lại với hình thức nuôi ban đầu. “Trở về mô hình ban đầu, thì có hiệu quả nhất, lợi nhuận tốt nhất”, ông nói.

Tương tự, khi trao đổi với KTSG Online Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh  cũng thừa nhận, mô hình tôm công nghệ cao chưa phát triển như kỳ vọng vì suất đầu tư lớn, trong khi mức độ rủi ro vẫn không hề nhỏ, nhất là khi môi trường nuôi hiện không còn tốt. “Làm thành công thì phát triển nhanh, còn không thì sao phát triển được”, ông nói.

Cần giải pháp đồng bộ cho ngành tôm, bao gồm quy hoạch, con giống, công nghệ, quy trình nuôi. Ảnh: Trung Chánh

 

Cần giải pháp đồng bộ

Sau một thời gian loay hoay với tôm công nghệ cao, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cho rằng, nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm bao gồm quy hoạch, con giống, quy trình nuôi, chế biến, thậm chí hạ tầng đều có vấn đề, không thể kết nối liền mạch với nhau.

Chẳng hạn, với quy hoạch, căn bản quy hoạch ngành tôm đang “không ổn”, bởi hạ tầng hiện có ban đầu phục vụ cho sản xuất lúa nên chưa đồng bộ khi phục vụ phát triển cho ngành tôm. “Ví dụ, quy hoạch cho con tôm là phải có đủ hạ tầng, lấy nước ở đâu, xả nước ở chỗ nào, chứ không thể ‘lộn tùng phèo’ như hiện nay được”, ông dẫn chứng.

Ông Đặng Quốc Tuấn, người từng có một thời gian giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Việt Úc cũng nhìn nhận, thiếu đầu tư hạ tầng cũng như các nhóm giải pháp mang tính đột phá đã “cản bước” ngành tôm phát triển.

“Chẳng hạn, đối với cây lúa, khi định hình thành sản phẩm chiến lược quốc gia, thì hạ tầng được đầu tư rất tốt, các hệ thống kênh dẫn nước rồi viện, trường cũng tham gia để cải tiến và đưa ra các nhóm giải pháp rất tích cực”, ông dẫn chứng lý do cây lúa tạo được đột phá hơn so với con tôm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thiếu những đề án nghiên cứu mang tính chuyên sâu nên khó thúc đẩy ngành tôm phát triển. Ngoài giải pháp công nghệ cũng như có quy hoạch hạ tầng đồng bộ, thì cần phải liên kết chuỗi giá trị cũng như cùng chia sẻ rủi ro mới có thể giúp ngành tôm bền vững.

“Nghiên cứu nào cũng mặc định phải thành công chính là lý do khó có được các nghiên cứu đột phá chuyên sâu. Cần chấp nhận những đề tài nghiên cứu có thể thất bại để chọn phương án khác, có giá trị đột phá để ứng dụng vào thực tiễn”, ông Huy của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cho hay.

Trong khi đó, ông Kịch của Cafatex cho rằng, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh lớn như Ecuador, Ấn Độ đã vượt lên mạnh mẽ, giá thành thấp mà Việt Nam vẫn “loay hoay” tìm giải pháp thì nguy cơ ngành tôm tụt hậu sẽ càng nhanh hơn. Bởi lẽ, lợi thế sản phẩm chế biến của Việt Nam có nguy cơ bị các nước sẽ bắt kịp.

Thực tế, dẫn chứng của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong tổng số khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ tôm chế biến được các nước trên thế giới nhập khẩu, thì riêng Việt Nam cung cấp khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Con số nêu trên cho thấy, Việt Nam có lợi thế rất lớn ở mảng tôm chế biến do nhờ trình độ tay nghề của công nhân ở mức cao. Thế nhưng, khả năng lợi thế này của Việt Nam sẽ bị các nước đối thủ cạnh tranh.

Chính vì vậy, yếu tố quan trọng hiện nay của ngành tôm Việt Nam là phải kéo giảm giá thành sản xuất xuống mức tiệm cận giá thành của Ecuador, Ấn Độ để cạnh tranh. Bởi, chi phí sản xuất tôm nguyên liệu tôm Việt đang cao hơn gấp đôi so với Ecuador và cao hơn khoảng 1 đô la Mỹ/kg nếu so với Ấn Độ.

Theo gợi ý của ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, bên cạnh tối ưu hơn nữa sản phẩm tôm chế biến cần phải hiện thực hoá chuyện giảm chi phí sản xuất trong dài hạn nhằm duy trì sức cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam.

Rõ ràng, để giải quyết câu chuyện của ngành tôm, cần phải có một giải pháp tổng thể và đồng bộ, từ quy hoạch, nghiên cứu sáng tạo công nghệ/quy trình nuôi hiệu quả, đến con giống, thức ăn và liên kết chia sẻ rủi ro…

Trung Chánh

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Tin mới nhất

CN,24/11/2024