Nỗ lực xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ an toàn dịch bệnh

ĐBSCL là vùng nuôi tôm nước lợ lớn nhất của cả nước. Vụ mùa nuôi tôm 2023, các tỉnh ven biển ĐBSCL đạt diện tích nuôi, sản lượng thu hoạch ước tính tăng so với năm 2022. Ngay từ đầu vụ, kế hoạch nuôi trồng phù hợp theo từng địa phương; công tác kiểm soát, xử lý, xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh được nỗ lực thực hiện, nhất là giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng…

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao theo mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Sóc Trăng.

Hiệu quả nuôi tôm nước lợ

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm và chế biến các sản phẩm từ tôm, đặc biệt ĐBSCL là vùng nuôi trồng với sản lượng thu hoạch hằng năm chiếm 95% sản lượng tôm của cả nước, đây là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm. Những năm gần đây, tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Cụ thể, năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2022 cả nước sản xuất được 41.000 con tôm bố mẹ (21.000 con tôm thẻ chân trắng và 20.000 con tôm sú); có 2.294 cơ sở sản xuất ương dưỡng giống tôm nước lợ, sản lượng tôm giống năm 2022 đạt 159,5 tỉ con, với diện tích nuôi tôm 747.000ha, sản lượng đạt 1,08 triệu tấn. Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Ấn Độ và Ecuador) về xuất khẩu tôm, trung bình 5 năm qua xuất khẩu tôm của nước ta tăng trưởng 5% mỗi năm. Các thị trường chính của tôm Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Bạc Liêu là địa phương có diện tích, sản lượng nuôi tôm nước lợ lớn nhất của vùng. Bạc Liêu có 56km bờ biển cùng với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng nên địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2015 đến nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, về diện tích nuôi tăng cao, nếu năm 2015 chỉ có 76ha thì đến 2022 có 4.607ha và 6 tháng đầu năm nay là 3.478ha. Còn về sản lượng, nếu năm 2015 đạt 1.570 tấn thì đến 2022 đạt 77.119 tấn và dự kiến cả năm 2023 sản lượng tôm siêu thâm canh của tỉnh Bạc Liêu là 83.000 tấn.

Mới đây, tại hội thảo “Nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả” được tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Sau khi Chính phủ cho phép xây dựng đề án Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, địa phương cũng đã phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án từ năm 2020. Đến nay, đề án đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, khẳng định việc xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước là hoàn toàn khả thi và có ý nghĩa lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài. Đây không những là động lực phát triển kinh tế của địa phương, mà còn góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng, sản xuất…”.

Giảp pháp ứng dụng công nghệ cao

Theo Cục Thủy sản, mặc dù đạt được kết quả xuất khẩu kỷ lục trong năm 2022, tuy nhiên, năm 2023 ngành hàng tôm được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do những biến động của thị trường. Đó là những thách thức phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Khi năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (hơn 700.000 tấn); giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn, làm cho giá tôm trong nước giảm sâu; nền kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023. Với thị trường Hàn Quốc, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của thị trường này chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế khó khăn, sau đó mới phục hồi. Đối với thị trường Mỹ, có chiều hướng sụt giảm từ quý IV-2022 và tiếp đà giảm sâu trong 4 tháng đầu năm 2023; lãi suất ngân hàng dự kiến sẽ ở mức cao, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng trong đầu tư nuôi tôm…

Tại hội thảo “Nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả”, các đại biểu cũng khẳng định nuôi tôm công nghệ cao là một mô hình giúp quản lý chu trình nuôi ở 3 khía cạnh chính: hiệu quả quản lý trại nuôi, kiểm soát chỉ tiêu môi trường nước nuôi, quản lý các thiết bị trong ao nuôi. Áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình nuôi để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, để ghi nhật ký nuôi tôm, điều khiển thông minh các thiết bị trong ao như máy cho ăn tự động, quạt nước, sục oxy… góp phần giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị ngành hàng tôm của Việt Nam.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, so với điểm xuất phát ban đầu, hiện nay ngành tôm đã có sự phát triển cao hơn. Chẳng hạn, với tôm giống, ngày xưa chỉ có 1 loại, nhưng hiện có nhiều loại, bao gồm tôm siêu lớn nhanh; tôm lớn nhanh; tôm tiêu chuẩn và cân bằng, tức có khả năng chống chịu môi trường cao. Ông cho rằng tùy điều kiện ao nuôi, có sự lựa chọn phù hợp, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thì mới có hiệu quả cao và giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu…

Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm cũng cho rằng, nguồn nước đầu vào ao nuôi cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, có quyết định đến thành công của ao nuôi nên cần phải “nuôi nước” kỹ lưỡng. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến thành công và thất bại của ao nuôi hiện nay. Bên cạnh đó, tỷ lệ nuôi tôm nước lợ thành công được nâng lên khi doanh nghiệp và người nông dân tiếp cận được các dịch vụ với giá hợp lý hơn (đặc biệt là vốn vay). Khi đó, giá thành nuôi tôm sẽ được kéo giảm đáng kể và lợi nhuận sẽ được tăng lên.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện nay đơn vị phối hợp các địa phương ven biển triển khai thực hiện một số đề án, chương trình đã phê duyệt như chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam và đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL… Đặc biệt, Tổng cục Thủy sản sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, người dân nuôi trồng thủy sản tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu… cho ngành hàng tôm.

Bài, ảnh: Hà Văn

Nguồn tin: Báo Cần Thơ