Những rủi ro khi lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Theo đó, hằng năm, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm từ 40% – 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản.

Hạn chế lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm

Theo tính toán của một doanh nghiệp lớn, chuyên xuất khẩu tôm cho thấy, ngành tôm Việt Nam mỗi năm mất đến 10.000 tỉ đồng. Đây là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi, đến nhà máy chế biến.

Ngoài ra, một khoản chi phí khác không nhỏ, chi cho việc kiểm soát kháng sinh ở các nước nhập khẩu, doanh nghiệp phải chịu và bị trừ vào giá bán. Điều này, khiến cơ hội bán hàng của Việt Nam bị giảm đáng kể do thời gian thông quan kéo dài, vì lô hàng phải chờ lấy mẫu và chờ kết quả kiểm tra kháng sinh, từ đó cho thấy khả năng cạnh tranh sản phẩm tôm của Việt Nam bị giảm sút so với các nước xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Ecuador… vào hai thị trường chính là Mỹ, EU. Điển hình cho thấy, Quý I/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 600 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái ?

Những con số thống kê trên, đặc biệt là chi phí kiểm soát kháng sinh, cho thấy một số tiền rất lớn chúng ta có thể tiết kiệm được, nếu việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm được hạn chế, tiết giảm, kiểm soát chặt chẽ tại ao nuôi, vùng nuôi.

Việc sử dụng lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm hiện nay thường thấy bà con dùng kháng sinh điều trị các triệu chứng bệnh tôm gần giống nhau, nhưng chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Bà con thường sử dụng kháng sinh điều trị bệnh, ngay cả khi thu thập không đầy đủ thông tin về các chủng vi khuẩn gây bệnh. Đây là trường hợp phổ biến nhất, khó cải thiện nhất trong kỹ thuật nuôi tôm hiện nay.

Việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm được hạn chế, tiết giảm sẽ tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn

Đa số, bệnh tôm nuôi được bà con chẩn đoán và điều trị dựa vào triệu chứng lâm sàng là chính, chưa sử dụng phương pháp nuôi cấy và làm kháng sinh đồ để có căn cứ, nhận định chính xác, sự nhạy cảm kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh. Dùng kháng sinh để trị các bệnh do vi rút gây ra, tốn nhiều chi phí.

Những cách sử dụng kháng sinh điều trị bệnh tôm đã đề cập trên, hoàn toàn không có tác dụng trong điều trị bệnh, không mang lại kết quả như kỳ vọng. Đối với kháng kháng sinh, gen kháng thuốc của vi khuẩn có thể truyền cho người tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến việc chữa trị bệnh khi người mang gen kháng thuốc bị bệnh, gây khó khăn khi điều trị.

Do việc sử dụng không đúng cách trong nuôi tôm, bao gồm cả liều lượng và loại kháng sinh sử dụng, đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh và tích tụ dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt tôm.

Một nguyên nhân khác gây ra hiện tượng này, là việc sử dụng các loại kháng sinh, với hàm lượng nhỏ, được phối trộn trong thức ăn của tôm nuôi, mục đích sử dụng là kích thích sinh trưởng và phòng bệnh, đây là một nhận định sai lầm trong sử dụng kháng sinh.

Trộn kháng sinh vào thức ăn tôm để kích thích tăng trưởng là nhận định không đúng. Ảnh: Tép Bạc

Việc kích thích sinh trưởng có thể dùng các giải pháp khác như chọn nguồn tôm giống chất lượng, thả nuôi mật độ phù hợp từng giai đoạn, sử dụng thức ăn với hàm lượng đạm hợp lý cho từng tháng nuôi, tuổi tôm, trọng lượng tôm.

Không hoặc hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh. Chủ động điều tiết thông số môi trường ao nuôi thông qua kiểm soát lượng ăn hàng ngày, phân tôm, vỏ tôm, tảo trong ao nuôi, nguồn nước ao nuôi, nước cấp mới. San, chuyển tôm sang các ao nuôi đã chuẩn bị nước kỹ theo các giai đoạn trọng lượng tôm hoặc thời gian nuôi, dùng môi trường nước mới kích thích tôm lột xác, tăng trưởng. Bổ xung các chất dinh dưỡng như hỗ trợ gan, acid amine thiết yếu, men vi sinh, enzyme tiêu hoá hỗ trợ, kích thích tăng trưởng.

Có nhiều giải pháp phòng bệnh không dùng kháng sinh, hay dùng kháng sinh phòng bệnh sẽ hình thành cơ chế lờn thuốc của vi khuẩn, gây khó khăn trong điều trị khi bệnh sảy ra.

Trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao hiện nay, các loại kháng sinh như Cipprofloxacin, Cephalosporin, Enrofloxacin, Tetracycline, Oxytetracycline, Doxycycline, Florphenicol…được bà con sử dụng nhiều.

Tuy nhiên, do việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm, ngoài việc gây ra hiện tượng lờn thuốc đã đề cập trên, việc dùng kháng sinh phòng bệnh tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn hiện hữu hình thành các chủng vi khuẩn mới, nên việc dùng kháng sinh phòng bệnh sẽ không mang lại kết quả như mong đợi.

Thói quen dùng kháng sinh phòng bệnh của bà con nuôi tôm, ngoài chi phí sử dụng thuốc vụ nuôi tăng cao, giá trị xuất bán tôm thương phẩm giảm thấp do tôm nhiễm kháng sinh, môi trường nước nuôi ô nhiễm do kháng sinh tồn lưu, đây là thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Sử dụng kháng sinh thường xuyên, thời gian sử dụng kháng sinh kéo dài, không tập trung giải độc, phục hồi chức năng gan, chức năng hệ tiêu hoá của tôm sau khi sử dụng. Sử dụng lạm dụng thuốc kháng sinh, làm gan bị chai cứng, bở, teo nhỏ, chuyển màu vàng, gây rối loạn chức năng. Gây khó khăn cho cơ chế tiết Enzym tiêu hoá của gan, mật, làm giảm chức năng tiêu hoá, hấp thu, chuyển hoá thức ăn, biến dưỡng protein của gan.

Mặt khác, cho thấy có sự giảm sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột xảy ra trong vòng vài ngày sau khi cho tôm ăn kháng sinh. Và sự thay đổi của cộng đồng vi khuẩn đường ruột, có liên quan đến tình trạng sức khỏe của tôm, cá nuôi. Các nghiên cứu trước đây báo cáo rằng kháng sinh làm xáo trộn cấu trúc vi khuẩn đường ruột.

Kháng sinh trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không thể kiểm chứng thành phần, hàm lượng đang được dùng rất nhiều trong các vùng nuôi tôm của nước ta. Ngoài vấn đề điều trị rất hạn chế của các loại kháng sinh dạng trên, giá thành sản xuất tôm tăng rất nhiều, trong đó, chi phí thuốc chiếm từ 1/3 đến 1/2 tổng chi phí sản xuất.

Nếu sử dụng nhiều kháng sinh làm giảm chức năng tiêu hoá, hấp thu, chuyển hoá thức ăn, biến dưỡng protein của gan. Ảnh: Tép Bạc

Mặt khác, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam còn thấp, chi phí đầu vào cao, trong đó chi phí thuốc chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi, dịch bệnh tôm liên tục bùng phát, làm giá thành nuôi tôm của chúng ta cao hơn 1 – 2 USD/kg so với các nước như Ecuado, Ấn Độ, Thailand…

Điều này, cùng việc tỷ lệ tôm nuôi của Việt Nam nhiễm kháng sinh cao, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh con tôm của chúng ta trên thị trường thế giới.

Với mong muốn sản phẩm tôm nuôi của chúng ta tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường thế giới, từng bước cải thiện vị trí xuất khẩu tôm trên bản đồ thế giới và nâng tầm giá trị tôm nuôi của chúng ta, giữ sạch môi trường nuôi tôm, để phát triển ngành tôm bền vững, sản phẩm tôm nuôi của chúng ta đủ khả năng thâm nhập sâu, rộng vào khắp các thị trường trên thế giới.

Chúng ta chỉ có thể thực hiện những mong muốn trên, khi mỗi nhà máy chế biến, mỗi trang trại nuôi tôm, mỗi hộ nuôi tôm cùng quyết tâm, sản xuất, nuôi tôm có trách nhiệm, hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh, nói không với kháng sinh cấm, kháng sinh không rõ nguồn gốc. Cần làm kháng sinh đồ, mới sử dụng kháng sinh. Trang bị, cập nhật thêm kiến thức sử dụng kháng sinh. Ý thức nuôi tôm và sử dụng kháng sinh của chúng ta, quyết định sự tồn tại, phát triển, và hiệu quả mang lại, từ nghề nuôi tôm của chúng ta.

Lý Vĩnh Phước

Nguồn: Tepbac.com

Tin mới nhất

CN,28/04/2024