Ngành tôm 6 tháng cuối năm: Đối đầu 2 kịch bản

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Dự báo về tình hình tiêu thụ tôm thời gian tới, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đưa ra 2 kịch bản: Thứ nhất, là ngành tôm sẽ vượt qua khó khăn, nhưng sự phục hồi kéo dài qua năm sau và kịch bản thứ hai xấu hơn là tình hình khó khăn của năm nay sẽ tái hiện ở mùa tôm năm sau.

Lợi thế tôm chế biến sâu sẽ có điều kiện phát huy nhờ nhu cầu tăng mạnh trong mùa lễ hội tại các thị trường lớn trên thế giới

Giải thích thêm lý do đưa đến 2 kịch bản trên, theo ông Lực là do đến thời điểm này xu hướng thị trường vẫn chưa có gì rõ ràng, cụ thể do phụ thuộc nhiều yếu tố, như: mức độ phục hồi kinh tế thế giới; khả năng cung ứng của các cường quốc tôm; tình hình nuôi tôm trong giai đoạn El Nino đầy rủi ro bất ngờ; các yếu tố khác… Tuy nhiên, nếu nhìn vào 3 tháng gần đây cho thấy, xuất khẩu đã có sự hồi phục đáng kể, dù chưa mang tính đột phá và xu thế này được dự báo tiếp tục được giữ vững đến cuối năm, nhưng khả năng, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay vẫn sẽ giảm khoảng 10-15% so với năm 2022.

Nền tảng cho nhận định trên theo ông Lực là do mặt bằng giá tôm thế giới đang gần chạm đáy và cùng với đó là cao điểm mùa vụ đã qua, nguồn cung từ các nước đều giảm, trong khi từ nay đến cuối năm là giai đoạn có nhiều lễ hội tại các nước, chắc chắn sức cầu sẽ tăng nên là cơ hội, là động lực để các nhà nhập khẩu tăng mua tích trữ. Riêng đối với ngành tôm Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi mặt hàng chế biến sâu (vốn là thế mạnh của doanh nghiệp tôm Việt Nam-NV) được tiêu thụ mạnh hơn trong mùa lễ hội. Mặt khác, từ đầu Quý III đến nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ luôn ghi nhận có giá trị tăng liên tục. Một số thị trường truyền thống khác, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… cũng cho thấy những tín hiệu khởi sắc dù có đôi lúc biến động theo hướng giảm.

Sự hồi phục của thị trường đã giúp kim ngạch xuất khẩu tôm 2 tháng gần đây tăng trở lại, nhưng theo các doanh nghiệp là vẫn chưa đạt mức kỳ vọng, do chủ yếu tăng về lượng, còn về giá vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, sản lượng tiêu thụ tôm tháng 8 tăng đến 15% nhưng doanh số chỉ tăng khoảng 1%. Nguyên nhân là do mặt bằng giá tôm thế giới vẫn còn ở mức thấp. Mức tăng trưởng xuất khẩu tôm từ đầu Quý III đến nay tuy chưa phải là lớn, nhưng cũng đã cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường và là động lực để doanh nghiệp yên tâm hơn về bài toán tiêu thụ sản phẩm, nhằm giải quyết hàng tồn kho, quay nhanh vòng vốn.

Hiện tại, dù nguồn cung tôm nguyên liệu không còn dồi dào, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều ổn định được công suất chế biến, chủ yếu là nhờ lượng tôm dự trữ trong Quý II là tôm tồn kho từ cuối năm 2022. Điều này khiến giá tiêu thụ còn duy trì mức thấp, tuy có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại khiến người nuôi không vui, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cuối năm có thể xảy ra do nhiều hộ ngưng thả nuôi lại vụ nghịch. Hàng tồn kho một số nước còn khá, như Ecuador, Ấn Độ nhưng chủ yếu là hàng sơ chế, trong khi đó, thời điểm diễn ra các lễ hội từ nay đến cuối năm khá nhiều, nhu cầu hàng chế biến sâu tăng cao sẽ là lợi thế cho ngành tôm chúng ta bứt phá trong giai đoạn này. Tuy nhiên, theo nhận định của doanh nghiệp, khó khăn đối với toàn ngành vẫn chưa qua, thậm chí còn có khả năng kéo dài sang tận mùa tôm năm 2024. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần có sách lược vượt khó cho riêng mình mới có thể tồn tại và tranh thủ được thời cơ khi thị trường hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, theo ông Lực, ngành tôm phải nỗ lực phát huy thế mạnh là nâng cao trình độ chế biến, tìm thêm mặt hàng mới, song song việc nỗ lực giảm giá thành nhất là giá thành nuôi tôm. Đây là một khó khăn lớn của ngành tôm bởi muốn giảm giá thành tôm không thể thành công trong thời gian ngắn. Ông Lực đề xuất: “Chính phủ cần quan tâm hơn trong việc hỗ trợ ngành nuôi như quản lý tôm giống chặt chẽ hơn, đầu tư thủy lợi vùng nuôi tôm lớn… Để bền vững hơn cần có chính sách đất đai tạo ra nhiều trang trại nuôi quy mô lớn hàng trăm hecta, đạt chuẩn nuôi theo yêu cầu người tiêu dùng”.

Theo lời khuyên của ông Jesper Clausen, phụ trách mảng dinh dưỡng của Tập đoàn De Heus, dành cho ngành tôm ở Việt Nam, thay vì để thị trường “dư thừa” nguồn cung khi xuất khẩu giảm thì các doanh nghiệp có thể tập trung phát triển sản phẩm tươi và chế biến. Điều quan trọng bây giờ các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam cần tập trung vào tôm chất lượng cao với chi phí thấp. Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm cơ hội thị trường trong nước để hỗ trợ ngành tôm Việt vượt qua khó khăn. Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế tại Hội thảo quốc tế ngành tôm do VASEP tổ chức cũng khuyến nghị ngành tôm Việt cần tiếp tục tập trung vào tính bền vững và truy xuất nguồn gốc (như thức ăn, quản lý trang trại, quản lý dịch bệnh); tiếp thị ngành tôm Việt và tăng cường tính hiệu quả ngay từ cấp vùng nuôi.

Hoàng Nhã