Mở lối cho ngành thủy sản: Chủ động nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi

Giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Muốn làm được điều này, đòi hỏi có sự phối hợp, liên kết giữa các nhà.

Người nuôi tôm kỳ vọng xuất khẩu tôm các tháng cuối năm sẽ phục hồi.

Tín hiệu lạc quan

Theo Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng qua, nhóm thủy sản xuất khẩu đạt 5,68 tỉ USD, giảm 25,4%. Mặc dù giảm mạnh nhưng mức giảm này đang có dấu hiệu rút ngắn hơn so với những tháng đầu năm.

Còn theo phân tích Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 767 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tháng 7 đạt 778 triệu USD, giảm 17,5%; tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, vẫn giảm hơn 15%, nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng gần đây. Điều này cho thấy thị trường sẽ có xu hướng khả quan hơn trong các tháng cuối năm 2023.

Về cá tra, trong tháng 8, xuất khẩu đã ghi nhận mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra gần 1,2 tỉ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với mặt hàng tôm, tuy xuất khẩu chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỉ USD, giảm 28%. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Hoa Kỳ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng. Sau khi tăng trưởng âm liên tục trong suốt 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ trong tháng 7 đã ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên với mức tăng 14%. Hay xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận tháng tăng trưởng dương thứ hai, giúp kéo sự sụt giảm xuất khẩu tôm sang thị trường này 7 tháng còn giảm khoảng 9%.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng đã đưa ra những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam những tháng cuối năm. Đặc biệt, kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) rất khả quan, không có sai lỗi lớn. Bà Lan kỳ vọng đây sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp tăng giá bán ở các thị trường khác.

Bà Lan nhận định, các doanh nghiệp ngành tôm hiện đã đi rất sát thị trường, linh động điều chỉnh chính sách bán hàng. Với thị trường cá tra, mức giá hiện đã ở mức thấp nhất, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để có giá bán tốt nhất trong thời gian tới. Với người nuôi, cần hợp tác với các doanh nghiệp để nắm vững thị trường, dãn nuôi, đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu. Với điều kiện lạc quan ở một số thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, dự kiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỉ USD, giảm từ 15-18% so với năm 2022. Với kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 1,7 – 1,8 tỉ USD và tôm ở mức 3,4 – 3,5 tỉ USD.

Cục Thủy sản cho biết đối với tôm nước lợ, các tháng cuối năm 2023 cần đạt diện tích thả nuôi bổ sung 50.000ha tôm thẻ chân trắng, sản lượng cần đạt là 372.500 tấn tôm các loại. Riêng đối với cá tra các tháng cuối năm 2023 cần đạt diện tích thả nuôi bổ sung 1.840ha, sản lượng cần đạt là 0,54 triệu tấn.

Để hạ giá thành trong nuôi trồng thủy sản cần áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn. Tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào (giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản…) đến tay người nuôi nhanh nhất, có giá gần nhất với giá thành sản xuất, để giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, Cục Thủy sản cũng chỉ ra rằng, cần tổ chức sản xuất theo hướng liên kết dọc giữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đối với ngành hàng cá tra. Các địa phương Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, thông tin: Chúng tôi khuyến cáo với các địa phương phải rà soát đến từng vùng nuôi. Những điều kiện nuôi cụ thể của bà con để có khuyến cáo một cách thích hợp, giúp cho bà con yên tâm đầu tư sản xuất để có nguồn nguyên liệu và tranh thủ được cơ hội thị trường, từ đó chúng ta sẽ bức tốc và chúng ta sẽ đảm bảo được mục tiêu đề ra cho ngành tôm năm 2023.

Đi đường mòn sẽ khó cạnh tranh

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, nếu ngành thủy sản không duy trì được đà tăng trưởng, tăng tốc xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp.

Điểm lại cơ cấu khai thác, nuôi trồng của ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra một số hạn chế đến từ việc chuỗi giá trị toàn ngành chưa mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, giá thành sản xuất ở mức cao. Bởi sức cạnh tranh nằm ở giá thành, buộc ngành thủy sản phải giảm giá thành sản xuất, nếu đi theo đường mòn, làm theo cách cũ trong bối cảnh mới, sẽ không nâng cao được sức cạnh tranh. Do đó, ngành thủy sản phải xây dựng một cơ cấu giá thành chuẩn cho ngành. Với các tiêu chuẩn cụ thể về giống, thức ăn, môi trường, thú y… áp dụng đối với từng phương thức nuôi.

Đối với giống thủy sản, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã đầu tư nhiều chương trình đầu tư công, nhưng hiệu quả triển khai rất chậm. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt vấn đề vì sao người nuôi không mua giống ở cơ sở sản xuất cá tra 3 cấp mà mua bên ngoài, chứng tỏ ở ngoài chất lượng và giá cả tốt hơn. Thực trạng này đòi hỏi các địa phương và đơn vị chuyên môn liên quan trực thuộc Bộ NN&PTNT phải “nghĩ thực, nói thực và làm thực”. Giống phải đảm bảo có tỷ lệ nuôi sống cao, tăng trưởng tốt, tiêu tốn thức ăn thấp để tạo sức cạnh tranh.

Vấn đề liên kết chuỗi giá trị cũng đóng vai trò quan trọng đối với ngành hàng thủy sản trong bối cảnh mới. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao cách làm của tỉnh Sóc Trăng khi thường xuyên làm việc trực tiếp với các nhà máy chế biến, cơ sở cung cấp thức ăn thủy sản, người nuôi và cả ngân hàng trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, xây dựng chuỗi liên kết, triển khai các quy trình thực hành đạt chuẩn, hỗ trợ tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất. Tạo đà duy trì sản xuất ổn định trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ngoài mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra, hải sản đang là sản phẩm tiềm năng, mảnh ghép quan trọng của ngành thủy sản và còn nhiều dư địa. Do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần quan tâm, quán xuyến lại tất cả các đối tượng nuôi trên địa bàn.

Mộng Toàn

Nguồn: Baohaugiang.com.vn

Tin mới nhất

T2,29/04/2024