Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2023

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Sáng 24/3, tại Ninh Thuận, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2023. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), năm 2022 cả nước nhập khẩu 171.000 tôm thẻ chân trắng bố mẹ, 328 con tôm sú bố mẹ. Tôm thẻ chân trắng bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Đến cuối năm 2022, cả nước có trên 2.000 cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng đạt 160,2 tỷ con. Năm 2022, giá tôm giống vẫn giữ ở mức từ 70-140 đồng/con.

Về công tác quản lý giống tôm nước lợ, đến năm 2022, Tổng cục Thuỷ sản đã kiểm tra cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho 17 ương dưỡng giống thuỷ sản bố mẹ và tổ chức kiểm tra duy trì điều kiện 17/17 cơ sở đã tới thời hạn kiểm tra. Trong đó có 6 cơ sơ sản xuất, ương dưỡng tôm bố mẹ. Các địa phương đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho 1.163/2.104 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống và tổ chức kiểm tra duy trì điều kiện 100% số cơ sở tới thời hạn kiểm tra.

Tại hội nghị, ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong những năm qua, Ninh Thuận không ngừng đầu tư phát triển vào lĩnh vực sản xuất tôm giống và đã trở thành nơi sản xuất tôm giống chất lượng nhất của cả nước. Năng lực sản xuất của các cơ sở tôm giống ở địa phương hiện đáp ứng 35% nhu cầu tôm giống của cả nước.

“Chúng tôi đề ra mục tiêu sản lượng tôm giống đến năm 2025 đạt 50 tỷ con và đến 2030 đạt 60 tỷ con. Đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ bản kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất giống thuỷ sản công nghệ cao An Hải, Sơn Hải. Đồng thời phấn đấu đến năm 2030 có 20% số cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm, 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định và được giám sát an toàn dịch bệnh”, ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói.

Hiện nay, kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước vẫn còn hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu 90% đối với tôm thẻ chân trắng và khai thác từ tự nhiên 40% đối với tôm sú. Nguồn tôm bố mẹ trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc. Chính vì vậy, ngành thuỷ sản đã đưa ra nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong phát triển tôm giống. Theo đó, tập trung thực hiện Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030. Nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú bố mẹ, tôm thẻ chăn trắng bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất.

Dự kiến, năm 2023, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con, trong đó nhu cầu tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000, tôm sú 60.000 con. Nhu cầu tôm giống khoảng 140- 150 tỷ con.

Hiểu Linh (Tổng hợp)

 

 

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:

Dịch bệnh ký sinh trùng bùng phát gây bất lợi cho ngành tôm

“Năm 2023, ngành tôm có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự bất ổn trên thế giới, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá các loại vật tư có thể tiếp tục tăng. 2 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã giảm 32,9% trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 54,9%.

Cùng với đó, thời tiết lạnh kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn sớm, xảy ra ngay từ các tháng đầu năm 2023 là yếu tố bất lợi cho tôm nuôi. Đặc biệt, dịch bệnh ký sinh trùng bùng phát đang gây khó khăn cho sản xuất”.

Tin mới nhất

T6,22/11/2024