Hội nghị nuôi biển Việt Nam: Nhận diện tình hình và định hình lại quy hoạch vùng nuôi

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Với định hướng phát triển ngành nuôi biển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại, ngày 31/3 và ngày 01/4/2024, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – nhìn từ Quảng Ninh, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Toàn cảnh buổi họp báo

Đó là thông tin được chia sẻ tại Họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – nhìn từ Quảng Ninh, chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau” do Bộ NN&PTNT tổ chức, ngày 25/3/2024.

Đây là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay tại Việt Nam, dự kiến thu hút khoảng 300-350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thế mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Australia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan, FAO, FFW…

Sự kiện cũng đồng thời công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Nhận diện những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục pháp lý của nhà nước trong việc triển khai nuôi trồng thủy sản trên biển, bàn giải pháp tháo gỡ. Hội nghị lần này sẽ kết hợp tổ chức triển lãm, giới thiệu những thành tựu công nghệ, thiết bị nuôi biển, những sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên Báo Nông nghiệp Việt Nam – đơn vị bảo trợ truyền thông cho hội nghị – nuôi biển nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, nguồn lực đầu tư, cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững. Với mong muốn có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức và tìm kiếm giải pháp, Hội nghị sẽ là cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam hiện nay cũng như trên thế giới, mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh nhận định, Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ TP. Móng Cái đến TX. Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…

Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh đạt 42.292ha, trong đó: nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 175.324,6 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608,5 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716,1 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, chiếm gần 50% giá trị ngành nông nghiệp. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh nuôi trồng, giảm khai thác, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh

“Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh” được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới”, ông Nguyễn Minh Sơn chia sẻ.

Thời gian tới, để đẩy mạnh nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung Ban hành Đề án phát triển bền vững nuôi biển; Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển; Đầu tư, đồng bộ hạ tầng nuôi biển; Chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân để chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao; Tổ chức giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân có khả năng để khai thác nguồn lợi từ biển; Tăng cường năng lực cho công tác quản lý và đào tạo nhân lực có tay nghề; Phát triển nuôi biển gắn với các ngành kinh tế khác như du lịch để phát huy và khai thác đa giá trị; Thu hút các nhà đầu tư lớn dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành hàng thủy sản.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhìn nhận, hội nghị nuôi biển sẽ giúp mở ra góc nhìn từ tỉnh Quảng Ninh – địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi biển, là cơ hội để các bên tham gia học hỏi kinh nghiệm, công nghệ nuôi biển mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức quốc quốc tế. Từ đó, có những suy nghĩ, hướng tiếp cận mới để định hướng và chỉ đạo sản xuất.

Hội nghị kỳ vọng trở thành sự kiện thường niên, là cầu nối thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm và đầu tư vào nuôi biển, đầu tư vào hệ thống hạ tầng logistics để phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới.

Ngọc Anh

 

Một số hoạt động chính trong chuỗi Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh”, cụ thể:

Ngày 31/3/2024:

  • Sáng 31/3: Khảo sát khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần, Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn.
  • Chiều 31/3: Tham quan, chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi biển và Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngày 01/4/2024: “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – Nình từ Quảng Ninh”, Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hà, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tin mới nhất

T4,04/12/2024