Hiệu quả của chiết xuất lá chùm ngây trong tăng cường phản ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng

Khi chất lượng nước không phù hợp, vi khuẩn gây bệnh Vibrio alginolyticus có thể tăng lên, dẫn đến tỷ lệ chết cao và thiệt hại kinh tế đáng kể cho người nuôi tôm. Để hỗ trợ sức khỏe tôm trong giai đoạn nuôi thương phẩm, người nuôi tôm sử dụng nhiều chất kích thích miễn dịch trong chế độ ăn. Do đó, các chất kích thích miễn dịch thảo dược là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn, không chỉ vì đặc tính kháng khuẩn với tác dụng phụ không đáng kể, hiệu quả về chi phí và thân thiện với môi trường, mà còn vì chúng có thể cải thiện hiệu suất tăng trưởng.


Cây chùm ngây, là một loại cây chịu hạn, phát triển nhanh có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ và được biết đến rộng rãi vì giá trị dinh dưỡng của nó. Chùm ngây là một nguồn cung cấp chất xơ, protein, vitamin, khoáng chất và lipid. Do có sự hiện diện của các hợp chất hoạt tính sinh học, bao gồm axit phenolic và flavonoid, nên nó có nhiều đặc tính dược lý có lợi, chẳng hạn như chống ung thư, trị tiểu đường, chống viêm, chống oxy hóa, kháng nấm và kháng khuẩn.

Các báo cáo từ một số nghiên cứu động vật thủy sinh trên tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, cá chép, cá hồi vân và những loài khác đã chỉ ra rằng việc kết hợp chiết xuất từ lá chùm ngây trong khẩu phần ăn có thể cải thiện sự tăng trưởng và sinh lý của chúng và tăng cường điều tiết các chức năng gen liên quan đến miễn dịch. Tuy nhiên, ở nồng độ quá cao, chùm ngây cũng có thể gây ra độc tính. Một số nghiên cứu đã khảo sát ảnh hưởng của chất chiết xuất từ cây chùm ngây đối với cá và tôm; vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng của chiết xuất chùm ngây như chất kích thích miễn dịch in vitro và in vivo đối với tôm thẻ chân trắng.

Bài báo này trình bày kết quả của một nghiên cứu về tác động của chiết xuất lá chùm ngây đối với một số phản ứng miễn dịch, sự tăng trưởng và khả năng chống lại V. alginolyticus của tôm thẻ chân trắng.

Tôm được làm quen với điều kiện phòng thí nghiệm ở nhiệt độ 28oC ± 1oC và độ mặn 32 ± 1 ppt trong hai tuần, cho ăn 03 lần/ngày. Chọn những con tôm khỏe mạnh, giữa giai đoạn lột xác (không có dấu hiệu bệnh tật, tập tính ăn bình thường, vỏ cứng) để thử nghiệm.

Lá chùm ngây khô được nghiền thành bột mịn và trộn với nước cất nóng theo tỷ lệ 1: 9 và sau đó để trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng. Lọc dung dịch để lấy chất lỏng, sấy thăng hoa trong ba ngày để thu được bột chiết xuất. Bột chiết xuất được bảo quản ở âm 20oC cho đến khi sử dụng tiếp.

Trong thí nghiệm in vitro về khả năng tồn tại và phản ứng miễn dịch, cho thấy không có sự khác biệt đáng kể với các đối chứng về khả năng tồn tại của các tế bào huyết cầu [tế bào được tìm thấy trong hemolymph, hoặc máu, của tôm và tham gia vào phản ứng miễn dịch của động vật] khi được xử lý với 25–250 ppm chiết xuất từ lá chùm ngây. Khi các tế bào huyết cầu được xử lý với 500–2.000 ppm chiết xuất chùm ngây, khả năng sống sót của chúng giảm; tuy nhiên tỉ lệ sống sót của huyết cầu vẫn đạt trên 80% đối với các nồng độ (25, 100, 250, 500, 1000, 1500, and 2000ppm). Nhìn chung, kết quả cho thấy khả năng tồn tại của các tế bào huyết cầu được xử lý với 250 ppm chiết xuất chùm ngây giống như ở nhóm đối chứng; tuy nhiên, khả năng tồn tại có xu hướng giảm ở các tế bào huyết cầu được xử lý với liều lượng cao hơn 250 ppm. Do đó, chiết xuất chùm ngây an toàn đối với tế bào huyết cầu ở liều lượng từ 25 – 250 ppm.

Về năng suất tăng trưởng của tôm, trong thời gian nuôi 60 ngày, tốc độ tăng trưởng của tôm được cho ăn chế độ ăn có chiết xuất từ chùm ngây cao hơn so với tôm đối chứng. Ở nhóm trộn chiết xuất chùm ngây 2.5g/kg thức ăn cho thấy sự tăng trọng lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn FCR thấp hơn so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, nó không khác biệt đáng kể so với nhóm 1.25g/kg thức ăn và 5.0g/kg thức ăn.

Sự tồn tại của các chất kháng dinh dưỡng trong cây chùm ngây có thể gây trở ngại nghiêm trọng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống. Nồng độ cao của chiết xuất chùm ngây trong thức ăn có thể ức chế các enzym tiêu hóa và các protein phức tạp trong chế độ ăn uống do có sự hiện diện của tannin, saponin và các chất chuyển hóa thứ cấp khác, không cung cấp dinh dưỡng. Tuy nhiên, ở lượng thích hợp, việc kết hợp các chất chiết xuất từ thảo mộc trong thức ăn đã kích thích sự bài tiết các enzym tiêu hóa và kích thích sự thèm ăn, do đó cải thiện sự tiêu hóa thức ăn và tăng tốc độ tăng trưởng.

Ở kết quả của thử nghiệm cảm nhiễm đối với V. alginolyticus, tỷ lệ sống của nhóm cảm nhiễm dao động từ 43,3 đến 50 %. Sau 2 ngày sử dụng chiết suất chùm ngây 5g/kg thức ăn, tỷ lệ sống của tôm cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Sau bốn ngày, tỷ lệ sống sót của nhóm 2.5g/kg thức ăn và 5g/kg thức ăn cao hơn so với nhóm đối chứng. Sau 7 và 14 ngày, tỷ lệ sống sót của nhóm 2.5g/kg thức ăn và 5g/kg thức ăn cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Nhìn chung, 72 giờ sau khi tiêm vi khuẩn, tỷ lệ sống sót cao hơn đáng kể so với đối chứng ở nhóm 2.5g/kg thức ăn khi điều trị trong 4 và 7 ngày (73,3%), tiếp theo là 5g/kg thức ăn.

Kết quả này cho thấy việc bổ sung chùm ngây ở chế độ ăn 2,5 gam/kg giúp cải thiện thuận lợi nhất các phản ứng miễn dịch không đặc hiệu khác nhau và hiệu suất tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, việc kết hợp chiết xuất lá chùm ngây vào thức ăn với liều lượng này trong bốn và bảy ngày có hiệu quả chống lại nhiễm trùng V. alginolyticus.

Nguồn: Đặng Quang Hào

Công ty TNHH Biochain

Tin mới nhất

T7,06/07/2024