Các tỉnh nam sông Hậu xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng khiến việc đi lại của công nhân thủy sản khó khăn. Thiếu lao động nên các doanh nghiệp hạn chế nhập tôm nguyên liệu.
Các tỉnh nam sông Hậu xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng khiến việc đi lại của công nhân thủy sản khó khăn. Thiếu lao động nên các doanh nghiệp hạn chế nhập tôm nguyên liệu.
Chiều 26/8, ông Trịnh Văn Bỉnh ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bán 1,6 tấn tôm thẻ loại 50 con/kg. Thương lái đến tận ao mua tôm với giá trên 90.000 đồng/kg khiến nông dân này mất ngủ suốt đêm.
Theo ông Bỉnh, tuần trước tôm thẻ loại 50 con/kg được các thương lái mua với giá trên 100.000 đồng/kg. Khi đó, lãnh đạo các nhà máy thủy sản đều nhận định giá tôm sẽ tăng mạnh vì dịch bệnh Covid-19 đang được nhiều tỉnh kiểm soát.
“Nông dân chưa vui thì tại Bạc Liêu và Cà Mau, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại. Tôi xem truyền hình và đọc báo thấy có thêm nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng nhưng chưa rõ nguồn lây. Bản thân tôi nhận định giá tôm sẽ giảm tiếp nên thu hoạch sớm ao tôm, nếu để tiếp sẽ lỗ tiền thức ăn”, ông Bỉnh nói và cho biết đã lỗ công chăm sóc ao tôm 2 tháng nay.
Giảm 40.000 đồng/kg so với đầu vụ
Trò chuyện với Zing, chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết sáng 27/8, giá tôm thẻ kích cỡ 30 con/kg được tư thương mua với giá 135.000 đồng/kg để giao cho các nhà máy. Tùy theo khu vực thuận lợi hoặc khó vận chuyển, giá 135.000 đồng/kg được xác định thấp hơn 2 tháng trước (đầu vụ) từ 30.000-40.000 đồng/kg.
“Sáng nay, tôm thẻ loại 50 con giá 93.000-95.000 đồng một kg. Hồi đầu vụ, tôm loại này giá 130.000 đồng/kg. Giá tôm giảm do nhà nhà máy thiếu công nhân. Mối làm ăn lâu nên nhà máy mua tôm của mình để trữ lạnh chờ có công nhân bung ra làm, chứ họ không mua nhiều. Tình hình này khó cho bà con vì bán tôm không đủ tiền đầu tư”, anh L.T.G., một tư thương chia sẻ.
Tôm thẻ loại 30 con/kg giá 135.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg so với đầu vụ. Ảnh: Trường Giang.
Ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Ngọc Trí (Bạc Liêu), cho biết vài ngày trước tôm thẻ loại 25 con/kg giá 155.00 đồng. Hiện, tôm kích cỡ này chỉ còn trên 140.000 đồng/kg.
“Loại 50 con/kg tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng có giá trên 90.000 đồng một kg là tốt hơn Bạc Liêu. Kích cỡ này tại Bạc Liêu chỉ còn trên 80.000 đồng/kg. Tôm nguyên liệu lúc này không còn nhiều nhưng giá giảm do 70% nhà máy thủy sản đóng cửa vì không có công nhân. Mua tôm lúc này phải cấp đông nhưng lại không có kho để gửi. Ngành thủy sản cũng đang gặp đủ chuyện khó khăn”, ông Tài chia sẻ.
Dừng đón công nhân nhiều nơi
Từ 0h ngày 27/8, nhiều công ty trong Khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng) dừng đón công nhân tại xã Trinh Phú (huyện Kế Sách), thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên), thị trấn Lịch Hội Thượng và xã Thạnh Thới Thuận (Trần Đề) theo yêu cầu của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Theo công văn của ban này, từ chiều 25 đến sáng 26/8, một số địa phương có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Vì vậy, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các doanh nghiệp dừng đón công nhân tại 4 xã, thị trấn vừa nêu để phòng chống dịch bệnh. Việc này ảnh hưởng đến hoạt động của một số nhà máy thủy sản do thiếu công nhân.
“Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng không cho rước công tại một số địa phương thì tùy theo công ty, lượng công nhân ảnh hưởng hưởng 5-7%. Giá tôm giảm do Bạc Liêu và Cà Mau giãn cách xã hội. Nhiều nhà máy ở Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu cũng sản xuất chậm lại. Công nhân dao động tâm lý, chưa đi làm nên giá tôm giảm”, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh chia sẻ.
Nếu như đầu vụ giá tôm loại 50 con/kg giá 130.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 85.000-93.000 đồng/kg. Ảnh: Trường Giang.
Ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nói rằng từ ngày 16/8, doanh nghiệp cho công nhân “3 tại chỗ” về nhà. Tuy nhiên, còn một số xã, thị trấn vùng đỏ nên công nhân không về được. Nhóm công nhân vùng xanh cũng gặp khó khăn khi di chuyển từ nhà đến công ty nên có 400 người xin ở lại “3 tại chỗ”.
“Sau khi tỉnh cho thôi ‘3 tại chỗ’, lượng công nhân tăng 15% nhưng cũng không giải quyết được gì. Giá tôm đang giảm và Sóc Trăng là trụ đỡ của giá tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 10 ngày nữa không còn thu hoạch rộ, lúc đó sản lượng tôm ít, giá sẽ tăng trở lại”, ông Phục nhận định.
Theo phản ánh của một Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vài đại lý thu mua tôm chở hàng từ Sóc Trăng, Bến Tre đến Bạc Liêu và Cà Mau bán đã khó qua chốt tại huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
“Sau khi nghe anh em phản ánh, tôi trực tiếp xuống Bạc Liêu và cán bộ trực chốt hỏi tôi đi bao giờ về. Đại lý chở tôm xuống Bạc Liêu bán, xe không chạy qua địa bàn bị phong tỏa là TP Bạc Liêu nhưng cũng bị chốt giới hạn giờ quay trở lại. Đại lý cân tôm chưa xong phải quay trở lại khu vực bên kia chốt để hôm sau chạy xuống công ty cân tôm thêm lần nữa vì sợ quá giờ quy định của chốt”, vị Phó chủ tịch VASEP phản ánh.
Theo lãnh đạo các công ty thủy sản, khoảng 10 ngày nữa lượng tôm nguyên liệu tại ĐBSCL sẽ được thu hoạch gần hết. Ảnh: Trường Giang.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi Từ Minh Phúc khẳng định xe chở hàng hóa đúng quy định, tài xế có đầy đủ giấy tờ sẽ được chốt tạo điều kiện qua, lại bình thường, nếu không vào TP Bạc Liêu.
“Chốt này của tỉnh quản lý. Xe chở hàng hóa không vào TP Bạc Liêu mà quá cảnh qua huyện Vĩnh Lợi thì đi lại bình thường nếu chở mặt hàng được lưu thông, tài xế âm tính. Quan trọng là phương án di chuyển, đi từ Sóc Trăng xuống Giá Rai giao hàng xong thì về chứ không có quy định giờ”, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lợi nói.
Việt Tường
Theo Zingnews.vn
Sau 5 tuần áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 23/8.
Tuy nhiên, do phát hiện ổ dịch mới tại Công ty F88 Bạc Liêu vào tối 22/8 nên 3h ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký quyết định phong tỏa TP Bạc Liêu. Thị xã Giá Rai và các huyện còn lại áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng cho đến khi có thông báo mới.
Còn tại Cà Mau, sau 5 ngày áp dụng Chỉ thị 16 (đợt 3), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt ký quyết định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, áp dụng từ 0h ngày 21/8. Sau 3 ngày nới lỏng giản cách, tỉnh Cà Mau chuyển sang Chỉ thị 16 từ 0h ngày 24/8 vì xuất hiện một số ổ dịch mới. Trong đó, có một ổ dịch tại công ty thủy sản với nhiều F0 là công nhân.
Cả 2 ổ dịch mới tại Bạc Liêu và Cà Mau đều được cơ quan điều tra khởi tố vụ án.