Dưới cái nóng 40 độ người nuôi thủy sản cần làm gì?

Các hộ nuôi có kinh nghiệm ở Trung Chính (Lương Tài) thường kiểm tra máy sục khí oxy phục vụ ao cá trong mùa nóng.

Những ngày này, miền Bắc trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao làm cho cá nuôi dễ bị “stress”, giảm sức đề kháng, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh thủy sản phát triển. Để hạn chế nguy cơ cá chết hàng loạt, các hộ nuôi trồng cần chú ý áp dụng các biện pháp phòng và trị bệnh thích hợp.

Với kinh nghiệm 4 năm nuôi cá lồng trên sông Đuống, ông Trần Quý Chiến, thôn Chi Nhị, xã Song Giang (Gia Bình) thường xuyên thăm 30 lồng cá vào ban đêm và sáng sớm để kịp thời xử lý hiện tượng bất thường.

Theo ông, những ngày nhiệt độ cao hơn 40 độ, mỗi lồng cá của ông lác đác có 5-7 con chết nổi. Trong đó, cá diêu hồng là loài nhạy cảm nhất, rất dễ bị bệnh lồi mắt xuất huyết khó cứu chữa. Ngay từ đầu mùa, ông chuẩn bị nhiều túi vôi đặt vào các lồng để khử khuẩn, hạn chế ký sinh trùng, đôi khi dùng lưới đen che phủ 1/2 – 1/3 diện tích mặt lồng nhằm tránh nắng và làm nơi trú ẩn cho cá.

Ông Chiến chia sẻ: “Để nâng cao sức đề kháng cho cá, tôi phải bổ sung các loại Vitamin A, B, C… trộn vào thức ăn trong thời gian từ 5-7 ngày liên tục, cho cá ăn muộn hơn (khoảng 17-18h). Tôi xác định phòng bệnh là chính, chứ nếu để một vài con mắc rồi lan ra cả đàn nuôi thì khó xử lý hơn nhiều”.

Bà Trần Thị Dung, thôn Đào Xuyên, xã Trung Chính (Lương Tài) cho rằng đây là giai đoạn nhạy cảm với đàn cá ở trong ao nuôi, gia đình phải sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao, đấu nối hệ thống rơle hẹn giờ tự động với hệ thống cấp điện cho máy quạt nước hoặc máy sục khí oxy để sử dụng từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau nhằm cung cấp oxy cho cá. Vào những ngày nắng nóng, giảm từ 30- 40% lượng thức ăn, hạn chế tối đa lượng dư thừa gây ảnh hưởng tới môi trường nuôi.

Toàn tỉnh hiện có 5.150 ha nuôi trồng thủy sản và 2.267 lồng nuôi. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y, Thủy sản, từ đầu năm đến nay, sản xuất thủy sản ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Tuy nhiên, việc giá thủy sản giảm dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là  phòng bệnh ở một số hộ nuôi. Trong khi đó, vào mùa hè, nhiệt độ nước tăng lên, các chất hữu cơ tích tụ sẽ phân huỷ mạnh thải ra các khí độc như cacbonic (CO2), Sunphua hydro (H2S), Amoniac (NH3), Metan (NH4)… khuyếch tán vào nước gây ngộ độc cho cá, làm oxy trong nước biến động lớn theo ngày đêm (tăng cao ban ngày, giảm thấp về đêm), làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cá nuôi. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản có nhiều công văn hướng dẫn cách phòng chống nắng nóng, dịch bệnh cho thủy sản, bảo vệ cá lồng trong mùa hè…. Cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn trực tiếp hoặc qua điện thoại, zalo với các hộ nuôi quy mô lớn nhằm thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh và quy trình chăm sóc đúng cách.

Các hộ nuôi cần duy trì mức nước trong ao thường xuyên từ 1,5 -2m để tăng khả năng ổn định nhiệt độ nước trong ao nuôi, chủ động tích trữ nước vào các ao chứa, kênh mương.Nếu điều kiện cấp nước thuận lợi cần định kỳ thay 20-30% nước trong ao. Không nên đánh bắt, vận chuyển và thả giống những ngày thời tiết nắng nóng, nên thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Sử dụng thức ăn hợp lý, đủ lượng, trước lúc cho cá ăn nên chạy máy quạt nước, sục khí oxy, máy bơm nước từ 2-3 giờ để phá sự phân tầng nước, tăng oxy, giảm bớt khí độc, kích thích cá bắt mồi, chuyển hóa thức ăn. Có thể ngừng cho cá ăn khi môi trường nước hơn 390C. Định kỳ sử dụng viên sủi TTCA 20 – 30 ngày/lần theo hướng dẫn trên bao bì hoặc dùng vôi với lượng 2-3kg/100 m3 hoà ra nước tóe đều khắp mặt ao vào lúc trời mát để khử trùng nước ao, tiêu diệt mầm bệnh.

Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho cá theo kinh nghiệm hoặc những người không có chuyên môn. Các hộ nuôi cá lồng trên sông chủ động lắp đặt hệ thống sục khí oxy hoặc máy bơm nước để sử dụng khi cần thiết. Ngoài ra, dự phòng bao linon, bao tải và bình oxy để vận chuyển cá đến nơi an toàn khi cần thiết, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Việc chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ các đối tượng thủy sản trước những ảnh hưởng của thời tiết bất thường là rất quan trọng, cấp thiết, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế.

Song Giang