Dự báo khó khăn, ngành tôm Việt xoay xở phát triển, nâng cao giá trị bền vững

Năm 2023 mặc dù được dự báo tiếp tục nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành tôm vẫn đặt mục tiêu tăng cả về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu…


Nâng tầm chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam

Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Năm 2023, theo dự báo ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngay từ đầu năm, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các giải pháp để ứng phó. Đặc biệt, phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển ngành thủy sản và nền kinh tế Việt Nam, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Để tiếp nối đà phát triển, sáng 12/4 UBND Tp.Cần Thơ phối hợp với Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 năm 2023 (VietShrimp 2023), với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị”.

Theo Kinh tế & Đô thị, Ban tổ chức, VietShrimp 2023 thu hút hơn 200 gian hàng của 150 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng tham gia. Hội chợ triển lãm diễn ra từ 12/4 đến hết ngày 14/4 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Tp.Cần Thơ.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam – Trưởng BTC VietShrimp 2023 cho biết: “Những năm qua, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Để con tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường tất yếu phải nâng tầm chuỗi giá trị”.

Bên cạnh đó, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp.Cần Thơ cho biết: Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt 750.000 ha diện tích thả nuôi, sản lượng tôm nuôi các loại là 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD… Để khắc phục những khó khăn, thách thức và phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, cần phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phát triển ngành tôm; trong đó có việc liên kết 4 nhà: Nhà quản lý – nhà khoa học – nhà kinh doanh – nhà nông.

“Thông qua chương trình Hội chợ triển lãm Quốc tế ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” là một sự kiện rất ý nghĩa, thiết thực. Tôi tin tưởng rằng thông qua sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hợp tác, phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao hơn nữa giá trị của con tôm Việt Nam.”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp.Cần Thơ nhấn mạnh.


Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Còn nhiều thách thức nhưng vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD

Thông tin trên báo Nhân Dân, năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt diện tích 750 nghìn héc-ta, sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành thủy sản đã đưa ra tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản 2017, nhất là quan tâm chỉ đạo đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Tổ chức triển khai quyết liệt các nội dung đã được sửa đổi khi Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP được ban hành.

Thứ hai, triển khai hiệu quả Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) đến năm 2030; kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Thứ năm, thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và các địa phương để quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

Thứ bảy, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc giữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Cuối cùng, tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin

Tin mới nhất

T7,23/11/2024