Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tận dụng CPTPP tốt hơn EVFTA

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), CPTPP được các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng nhiều hơn cả.

Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là hiệp định có tác động rất rõ nét với ngành thủy sản Việt Nam, khi xuất khẩu thủy sản sang khối CPTPP này đã chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản của Việt Nam trong những năm qua.

Thị phần của thủy sản Việt Nam tại một số thị trường trong khối CPTPP đã có những thay đổi rất rõ ràng đặc biệt, những thị trường ở khối Mỹ La tinh.

Cụ thể, trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3 % và tỷ trọng của Australia trong khối CPTPP cũng tăng từ 2,7% lên 3,2%.

Phía VASEP đánh giá, so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), CPTPP được các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng nhiều hơn cả. Bởi với khối EVFTA, thì bị vướng những rào cản như thẻ vàng, IUU…, trong khi CPTPP hoàn toàn rộng mở với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Hiện Canada thể hiện rất rõ nét, nhu cầu nhập khẩu thủy sản ở nước này rất cao và Canada cũng đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam vì đây là nền kinh tế ổn định, môi trường tốt để giao thương. Hay thị trường Mexico – ở khu vực Nam Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra số 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ.

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế, Hiệp định CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp thủy sản, cả về hàng rào kỹ thuật hay tiêu chuẩn chất lượng, về quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, theo VASEP đây không phải là thách thức lớn với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, bởi vì, chúng ta đã chinh phục được những thị trường khó tính như là Mỹ, như là EU, Nhật Bản, Australia.

CPTPP là FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao đầu tiên Việt Nam thực hiện với mức độ tự do hóa, mức độ các nước thành viên trong CPTPP cam kết mở cửa thị trường hàng hóa dành cho nhau cao nhất trong số các hiệp định đã có trước đó.

CPTPP là trợ lực giúp hàng hóa của Việt Nam “tấn công” vào thị trường châu Mỹ. Đặc biệt, với CPTPP, Việt Nam đang sở hữu lợi thế lớn để khai thác xuất khẩu sang châu Mỹ so với nhiều quốc gia châu Á chưa có FTA với các quốc gia trong khu vực này.

Tuy nhiên, các nước vẫn tiếp tục đàm phán FTA với ASEAN. Ví dụ, sắp tới, FTA Canada – ASEAN sẽ được tái khởi động. Như vậy, trong tương lai, hàng Việt sẽ không còn lợi thế độc tôn tại khu vực này. Chưa kể, một số nước cũng đang có kế hoạch tham gia CPTPP.

Thanh Lâm

Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin mới nhất

T6,22/11/2024